Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức buổi Tọa đàm về công tác sáng tác và phê bình văn học trẻ với những cây bút trẻ khu vực các tỉnh, thành phía Nam…
Tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai) trong khuôn khổ Tập huấn công tác lý luận, phê bình (LL,PB) văn học, nghệ thuật diễn ra từ ngày 18 - 21/7/2012, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức buổi Tọa đàm về công tác sáng tác và phê bình văn học trẻ với những cây bút trẻ khu vực các tỉnh, thành phía Nam…
Chủ tịch Hội đồng LL, PB Văn học, nghệ thuật Trung ương trao đổi cùng các cây viết trẻ |
Tâm tư của người viết trẻ
Đã khá lâu rồi, đội ngũ những người viết trẻ (các cây bút sáng tác thơ, văn, âm nhạc, hội họa, kiến trúc… và làm công tác LL, PB văn học) mới có cuộc tham dự một diễn đàn khu vực bàn về sáng tác trẻ và PB văn học trẻ nên hầu hết đều có tâm trạng hồi hộp, chờ đợi. Hội trường Khách sạn Đồng Nai (TP. Biên Hoà - Đồng Nai) dù đã 23h30 khuya vẫn sôi nổi cuộc trao đổi của những người viết trẻ và những ai quan tâm đến văn học trẻ. Tham dự cuộc tọa đàm có trên 50 cây bút trẻ đến từ 31 tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Cà Mau. Lâm Đồng có nhà thơ Thanh Dương Hồng và nhà thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên tham dự. Chủ trì tọa đàm gồm: PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh (Chủ tịch Hội đồng LL, PB Văn học, nghệ thuật TW), PGS.TS Đào Duy Quát (P.CT Hội đồng LL, PB Văn học, nghệ thuật TW), nhà văn Võ Thị Xuân Hà (Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam), nhà thơ Phan Hoàng (Trưởng ban Nhà văn trẻ TP. HCM). Ngoài ra, còn có mặt các Chủ tịch, P.Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật các tỉnh, thành và một số nhà nghiên cứu LL, PB văn học….
Mục đích của cuộc tọa đàm nhằm gặp mặt các cây bút trẻ, lắng nghe những ý kiến, tâm sự, những trăn trở, sẻ chia của họ đối với sáng tác văn học trẻ và những kiến nghị, đề xuất về sự quan tâm, hỗ trợ, định hướng để mảng sáng tác trẻ phát triển “đúng hướng”. Bởi vậy, phần đầu buổi tọa đàm, sau báo cáo đánh giá tóm lược những kết quả hoạt động của đội ngũ sáng tác trẻ trong cả nước và khu vực phía Nam của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, trên 20 ý kiến của những người viết trẻ đã phát biểu, trao đổi tại diễn đàn khá sôi nổi. Phần lớn các ý kiến giới thiệu tình hình sáng tác của những nhà văn, nhà thơ trẻ tại các địa phương; nêu những khó khăn, bất cập của các Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương trong việc quan tâm, bồi dưỡng các cây viết trẻ và giới thiệu tác phẩm của họ; những đề xuất với Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam quan tâm chỉ đạo các Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương trong việc hỗ trợ sáng tác của các cây viết trẻ….
Nhà thơ Lê Thị Thanh My (Tổng Biên tập Tạp chí Thất Sơn - An Giang) cho rằng, sự xuất hiện các cây viết trẻ trong những năm gần đây khá đông đảo “như một vườn hoa trong rừng hoa đang khoe sắc, nhưng thiếu sự định hướng”. Nhà văn trẻ Trần Thị Thu Hà (Báo Đồng Nai) bức xúc về sự “cảm tính” của Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương trong việc đánh giá, thẩm định các tác phẩm văn học trẻ; nêu vấn đề “nên quan tâm lợi ích nhóm hay nhóm lợi ích?” và đề xuất với Hội Nhà văn Việt Nam mở các lớp bồi dưỡng dành cho những cây viết trẻ các vùng, khu vực và trong các dự án phát triển văn học những năm tới, Hội Nhà văn Việt Nam cần quan tâm đến đội ngũ những người viết trẻ, phát triển văn nghệ trẻ… Nói về những khó khăn của những cây viết trẻ ở các “tỉnh lẻ”, Đặng Thiên Sơn (Bình Định) cho biết: việc tiếp nhận thông tin, nhất là thông tin có tính định hướng, tiếp cận các tác phẩm văn học - nghệ thuật (sách, báo, tạp chí, tác phẩm văn chương) của công chúng tại các xã, phường, cơ quan, trường học… ở Bình Định rất thiếu thốn, khó khăn. Các tỉnh khu vực miền Trung như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… không có liên hệ nào với Ban Nhà văn trẻ ở Hà Nội và TP. HCM nên cứ “tự thân” sáng tác và gởi tác phẩm cho các báo, tạp chí trong nước, nhưng số lượng tác phẩm của các cây bút trẻ được đăng, giới thiệu rất ít, “đất” dành cho văn nghệ trẻ, sáng tác trẻ trên các báo, tạp chí rất khiêm tốn, thiếu sự quan tâm đến sáng tác trẻ! Nhà thơ trẻ Ánh Hồng (Đài PT - TH Ninh Thuận) cho biết, hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh này đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của Hội chưa có… làm sao có điều kiện phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh, nói gì quan tâm đến những người viết trẻ, sáng tác trẻ ?...
Trên lĩnh vực LL, PB văn học đối với mảng sáng tác văn học trẻ, Đào Thế Sơn (nhà phê bình văn học trẻ Tây Ninh) - chuyên nghiên cứu về thi pháp thơ cho rằng nhà thơ trẻ rất nhiều nhưng tác phẩm có chất lượng thì ít, nhà thơ có tên tuổi còn rất hiếm. Nhà thơ trẻ La Văn Tuân (Bình Thuận) tâm sự: LL, PB về văn nghệ trẻ chưa được quan tâm. Hội Nhà văn Việt Nam nên tổ chức các lớp bồi dưỡng sáng tác, PB văn học cho các cây bút trẻ và tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các cây bút trẻ trong cả nước. Đặng Thiên Sơn (Bình Định) thẳng thắn hơn: “Chưa có nhà nghiên cứu, PB văn học nào đề cập đến văn nghệ trẻ, trước nay chủ yếu tập trung phê bình văn học thiên về các cây bút tên tuổi gạo cội, những “cây đa, cây đề”. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (Phú Yên) chuyên nghiên cứu văn nghệ trẻ cho rằng: “Các nhà phê bình đang hoang mang trước sự thiếu hụt đội ngũ LL, PB văn học như hiện nay…”.
Người viết trẻ phải xây dựng niềm tin
Nguyện vọng của các cây bút trẻ tại buổi tọa đàm đặt ra 2 vấn đề lớn: quan tâm đến những người viết trẻ - lực lượng hùng hậu kế cận của văn học Việt Nam (điều kiện sáng tác và giới thiệu tác phẩm); lĩnh vực LL, PB văn học trẻ đang bị bỏ ngỏ, thiếu vắng những nhà PB văn học chuyên về văn nghệ trẻ. Bên cạnh đó là những đề xuất về cơ chế, chính sách quan tâm nhằm phát hiện, bồi dưỡng tạo môi trường cho những người viết trẻ sáng tác, giới thiệu tác phẩm…
Sau hơn 3 giờ chăm chú lắng nghe tất cả ý kiến của các cây viết trẻ phát biểu, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh đã tận tình giải đáp những băn khoăn, kiến nghị của các cây bút trẻ và kết luận tọa đàm. PGS.TS Hồng Vinh đã thông tin cho các cây viết trẻ về các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với hoạt động văn hóa, văn học - nghệ thuật và những quan tâm ưu ái đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước (trong đó có những người viết trẻ). Đó là việc ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Trong tháng 7/2012, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du (20 ngày) dành cho các các bút trẻ; mỗi năm, Hội đồng LL, PB văn học, nghệ thuật TW tổ chức từ 2 - 5 lớp tập huấn công tác LL, PB văn học, nghệ thuật tại các khu vực và các tỉnh, thành phố… Đó là sự quan tâm về chủ trương cũng như tạo điều kiện bồi dưỡng đội ngũ nhà văn, các nhà LL, PB văn học, góp phần phát triển văn học, nghệ thuật trong những năm gần đây. Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW khẳng định: Phát hiện, chăm sóc, bồi dưỡng đội ngũ những cây viết trẻ trong cả nước là tình cảm, trách nhiệm của Hội Nhà văn, các Hội địa phương và xã hội. Tuy nhiên, sự quan tâm của một số Hội Văn học, Nghệ thuật địa phương đối với lực lượng viết trẻ, tác phẩm của người viết trẻ vẫn còn bất cập; kinh phí hoạt động, chế độ nhuận bút… một số tạp chí, tờ báo vẫn còn khó khăn…
PGS.TS Hồng Vinh vui mừng và đánh giá cao sáng tác của những người viết trẻ trong những năm qua, nhất là 5 năm trở lại đây; ông ghi nhận sự phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng sáng tác của các cây bút trẻ nước ta; trong đó, đã có những cây viết trẻ đạt các giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội Văn học địa phương, nhiều cây viết trẻ từng bước khẳng định tài năng. Đây là những tín hiệu đáng mừng, đã và đang góp phần xây dựng đất nước, con người Việt Nam trong thời đại mới, gây được ấn tượng trong lòng công chúng. Song, PGS.TS Hồng Vinh cũng đã nhắn nhủ mấy điều đối với các cây viết trẻ: “… Những người viết trẻ phải xóa mặc cảm, xây dựng niềm tin, phấn đấu để có những tác phẩm đạt đỉnh cao về nội dung và nghệ thuật; bình tĩnh, không nóng vội, không tự mãn, vì tự mãn là báo hiệu của sự xuống dốc; hết sức cầu thị, khiêm tốn, đặc biệt học hỏi lớp người đi trước; chính người viết trẻ phải trẻ hóa tư duy, đổi mới tư duy và cách thức thể hiện tác phẩm, tạo sinh khí mới trong đời sống văn học, nghệ thuật và khẳng định tài năng qua tác phẩm, đây là những điều mà công chúng yêu văn học, nghệ thuật nước ta đang chờ đợi…”.
Là một người khá am hiểu tâm lý của những người viết trẻ, hiểu đúng thế mạnh, cái yếu và “bệnh” thường gặp ở các cây viết trẻ nên những tâm sự, nhắn nhủ của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh dù nhẹ nhàng nhưng hàm chứa sâu sắc những định hướng, nhằm giáo dục, bồi dưỡng nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người cầm bút đối với đất nước, dân tộc trong tình hình mới đang đặt ra hiện nay. Theo chúng tôi, cuộc Tọa đàm đã để lại những tâm sự, những trăn trở, suy nghĩ thiết thực đối với những người viết trẻ và cả những cơ quan quản lý văn học, nghệ thuật của Trung ương, các tỉnh, thành phố về một thế hệ nhà văn trẻ của thế kỷ XXI đang định hình ở nước ta…
Thanh Hồng