Dự kiến trong cả năm 2012 này, Lâm Đồng sẽ có 600 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài. Đến đầu tháng 7, Sở LĐ-TBXH Lâm Đồng báo cáo đã có gần 300 người đã ra nước ngoài làm việc; dự kiến đến cuối năm sẽ đạt được con số 600 như chỉ tiêu.
Dự kiến trong cả năm 2012 này, Lâm Đồng sẽ có 600 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài. Đến đầu tháng 7, Sở LĐ-TBXH Lâm Đồng báo cáo đã có gần 300 người đã ra nước ngoài làm việc; dự kiến đến cuối năm sẽ đạt được con số 600 như chỉ tiêu.
Người lao động đến với các phiên giao dịch việc làm được tổ chức đến tận vùng nông thôn. Ảnh: BT |
So với năm 2011, con số 600 nói trên là tương đương (năm 2011, có 650 người xuất khẩu lao động - XKLĐ). Ông Trương Ngọc Lý - GĐ Sở LĐ-TBXH Lâm Đồng - cho biết: “Năm nay, Lâm Đồng mạnh dạn hướng đến các thị trường lao động chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Cùng đó, các thị trường lao động truyền thống của Lâm Đồng là Malaysia, Ma Cao, Đài Loan… thì vẫn là những địa chỉ hấp dẫn của người lao động Lâm Đồng trong XKLĐ…”. Cũng theo ông Trương Ngọc Lý, ở Lâm Đồng trong vài năm gần đây, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm ngay tại huyện hoặc cụm huyện (thay cho mỗi năm một ngày hội việc làm quy mô lớn được tổ chức tại Đà Lạt hoặc Bảo Lộc - hai TP của tỉnh) và tổ chức “rải” ra trong năm đã giúp cho người lao động ở vùng sâu có cơ hội tìm việc hơn. Cũng nhờ đó, công tác XKLĐ cũng đạt kết quả cao hơn so với những năm trước đây.
Vốn vay là một trong những nội dung được người lao động khi XKLĐ đặc biệt quan tâm. Bắt đầu từ năm 2010, tỉnh Lâm Đồng đã mở rộng vốn vay XKLĐ đến với tất cả đối tượng có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh; cùng đó, tổng vốn vay để XKLĐ cũng đã được tăng lên 50 triệu đồng/người (từ 2003 đến 2009, mức này chỉ 30 triệu đồng/người). Đồng thời, đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số, con em gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ…, tỉnh còn hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng. Rồi nữa, trong quá trình học nghề và học ngoại ngữ trước khi XKLĐ, người lao động còn được tỉnh hỗ trợ một phần hoặc hỗ trợ toàn bộ các chi phí (ví dụ, với người dân tộc thiểu số, tỉnh còn hỗ trợ thêm tiền ăn và tiền tàu xe).
Theo số liệu của Sở LĐ-TBXH tỉnh Lâm Đồng, mức thu nhập bình quân mỗi lao động ở nước ngoài cao hơn nhiều so với lao động tỉnh Lâm Đồng làm việc tại Lâm Đồng và một số tỉnh khác. Ước tính, người lao động Lâm Đồng làm việc tại địa phương Lâm Đồng và các tỉnh khác có thu nhập mỗi tháng chỉ trên dưới 5 triệu đồng. Trong khi đó, thống kê của Sở LĐ-TBXH Lâm Đồng cho thấy mức này ở các thị trường nước ngoài truyền thống của Lâm Đồng là 10 - 12 triệu đồng; còn ở những thị trường cao cấp (Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… thì mức này là trên dưới 30 triệu đồng/người/tháng).
“Nếu người lao động được trang bị đầy đủ kỹ năng việc làm, tác phong làm việc và đáp ứng được yêu cầu đặt ra của người sử dụng lao động ở nước ngoài thì rõ ràng là cơ hội tìm việc và có thu nhập cao, nhất là ở các thị trường lao động cao cấp, là chuyện đương nhiên” - ông Trương Ngọc Lý nhấn mạnh. Ông Trương Ngọc Lý còn cho biết: “Trong tháng 7 này, chỉ riêng Công ty Sovilaco - đơn vị chuyên tuyển dụng lao động làm việc tại Nhật Bản, Lâm Đồng tiếp tục có 40 lao động được XKLĐ. Bởi vậy, con số 600 lao động được XKLĐ trong năm 2012 đối với tỉnh Lâm Đồng là không quá khó để thực hiện”.
Tuy nhiên, theo người lao động, trong khi mức vay XKLĐ mỗi suất cao nhất chỉ 50 triệu đồng (mặc dầu có cao hơn một số tỉnh khác) nhưng tiền thế chấp để được xuất khẩu thấp nhất cũng đã lên đến 60 triệu đồng (thị trường cao nhất là 100 triệu đồng) thì không phải người lao động nào cũng “kham” nổi, nhất là người lao động dân tộc thiểu số.
KHẮC DŨNG