Tây Nguyên tập trung xây dựng đời sống văn hóa mới

03:07, 11/07/2012

Thời gian qua, 5 tỉnh Tây Nguyên đã chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở buôn làng, phát huy văn hóa truyền thống, kế thừa có chọn lọc những giá trị tiêu biểu, loại bỏ dần hủ tục, hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.

Thời gian qua, 5 tỉnh Tây Nguyên đã chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở buôn làng, phát huy văn hóa truyền thống, kế thừa có chọn lọc những giá trị tiêu biểu, loại bỏ dần hủ tục, hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.

Đến nay, toàn vùng xây dựng được 1.353 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, 733 nhà rông văn hóa. Các đài phát thanh, truyền hình địa phương đã phát ổn định với thời lượng khá lớn nhiều thứ tiếng DTTS (Ê-đê, Ba-na, Gia-rai, Xơ-đăng, K’Ho, M'nông). Thực hiện chủ trương cấp một số loại báo, tạp chí, tặng máy thu hình, thu thanh cho các buôn làng dân tộc thiểu số. Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian; phục hồi di sản văn hóa cồng chiêng, tổ chức biên soạn luật tục của các dân tộc; khuyến khích bảo tồn các buôn làng cổ truyền, phát triển nghề thủ công và khôi phục các lễ hội văn hóa.

Trên cơ sở đời sống kinh tế - xã hội được nâng lên nên mức độ hiểu biết, đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau giữa cộng đồng các dân tộc đã được củng cố. Những năm gần đây, phong trào tương trợ, kết nghĩa phát triển rộng khắp và trở thành việc làm tự giác. Hàng nghìn cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cán bộ, nhân dân vùng đồng bào Kinh đã đóng góp công sức, tiền của giúp đỡ các buôn, làng DTTS tại chỗ phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Nhiều nơi hỗ trợ giống, phân bón, lương thực, thuốc chữa bệnh; làm cầu, đường, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho các buôn, làng. Đội ngũ cán bộ người Kinh công tác ở vùng DTTS được giáo dục về chính sách dân tộc, học tiếng DTTS, hiểu phong tục, tập quán của đồng bào. Mối quan hệ đại gia đình các dân tộc Việt Nam và đoàn kết dân tộc được củng cố... Với những nỗ lực trên, thời gian gần đây, công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội vùng Tây Nguyên là nhiệm vụ trọng tâm được tập trung chăm lo.

Phát huy những thành tựu đạt được, sắp tới, các tỉnh vùng Tây Nguyên sẽ tập trung xây dựng đời sống văn hóa mới và bảo đảm nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc, trên cơ sở bảo tồn những tinh hoa văn hóa truyền thống; gìn giữ, kế thừa có chọn lọc, phát huy những giá trị tiêu biểu, loại bỏ dần hủ tục; từng bước xây dựng giá trị mới về văn hóa nghệ thuật và hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, chữ viết của các dân tộc; khuyến khích bảo tồn các buôn, làng cổ truyền; phát triển nghề thủ công; khôi phục các lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống theo nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng.

BÌNH NGUYÊN