(LĐ online) - Những ngày này, về 3 xã vùng sâu vùng xa của huyện Đơn Dương, chúng tôi được thấy màu áo xanh trong không khí sục sôi của một mùa hè tình nguyện.
(LĐ online) - Đầu tháng 7/2012, 24 đội hình học sinh, sinh viên tình nguyện đã xuất quân về với 24 xã khó khăn trong tỉnh để trải nghiệm cuộc sống, góp sức trẻ cùng với nhân dân các dân tộc chung tay xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi đã về 3 xã vùng sâu vùng xa của huyện Đơn Dương để được thấy màu áo xanh trong không khí sục sôi của một mùa hè tình nguyện.
Dọn rác thải sinh hoạt ở Tu Tra |
Con đường đất đá dẫn vào thôn P’Ró Kinh tế (xã P’Ró) như quang đãng sạch sẽ, hai bên đường cây dại được phát quang, rãnh thoát nước đã nạo vét, mặt đường san phẳng thay cho con đường gồ ghề mới đây. Anh Nguyễn Quang Huấn, trưởng thôn cho biết: “Sinh viên tình nguyện về cùng với bà con làm đấy”. Mới 10 ngày thôi, nhưng tổ tình nguyện gồm 7 sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc đã cùng với đồng bào trong xã P’Ró làm sạch môi trường sống, phối hợp với công an xã đến từng gia đình điều tra, phúc tra về nhân khẩu, dọn dẹp, làm sạch đường giao thông nông thôn. Trong tổ có tình nguyện viên học về nông nghiệp đã kết hợp với Công ty Lúa Vàng giới thiệu và chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất rau màu cho bà con. Bạn Nguyễn Thị Lâm Dương – tổ trưởng tổ tình nguyện cho biết: “Với một xã đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng đoàn viên không nhiều vì đi làm ăn xa, bọn em bắt tay vào tất cả mọi việc có thể làm được để giúp đỡ đồng bào”. Trước bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Huấn xúc động: “Các cháu về đây, với sức vóc nhỏ bé, nhưng đã giúp địa phương rất nhiều, nhân dân đã đánh giá rất tốt những gì mà các cháu đã làm, bà con rất quý mến thương yêu”.
Có những việc làm không nặng nhọc gì, nhưng nếu thiếu tinh thần xung kích tình nguyện thì chẳng ai muốn đụng tay vào. Đứng trước đống rác thải sinh hoạt rất to vương vãi đầy vệ đường dẫn ra nông trại khoai tây lớn nhất Việt Nam (do một công ty đầu tư vùng nguyên liệu để sản xuất snack) tại Tu Tra sẽ khiến ai nhìn thấy cũng ngại. Tổ sinh viên tình nguyện ở đây đã bắt tay vào cào gọn lại, chất củi khô và đốt, chỉ 20 phút là xong. Ngoài những công việc vì cộng đồng, là vùng sản xuất rau thương phẩm, các bạn tình nguyện viên về Tu Tra đã giúp dân làm cỏ, thu hoạch rau màu, chăm sóc giúp đỡ gia đình chính sách. Anh Trần Hữu Thái (Bí thư Đoàn thanh niên xã Tu Tra) còn cho biết: “Các bạn sinh viên tình nguyện đã mang về một luồng sinh khí mới, giúp đỡ Đoàn xã, giúp đỡ địa phương vực dậy phong trào Đoàn – Đội”. Các bạn đến các xóm nhỏ trong thôn Đa Hoa (Tu Tra), tập hợp các em lại, dạy múa, dạy hát, ôn luyện hè. Lớp học có khi chỉ 10 - 15 em, nhưng đủ mọi lứa tuổi, học đủ mọi lớp. Ai có sở trường môn gì thì đảm nhiệm dạy các em môn đấy giúp các em củng cố kiến thức chuẩn bị vào năm học mới.
Dạy các em ôn luyện mùa hè |
Tại nhà văn hóa thôn Ka Rái 1, tổ tình nguyện xã Ka Đơn đang hăng say cuốc cỏ dưới cái nắng gắt buổi chiều. Cỏ đan vào nhau dày cộm mọc kín sân từ hiên ra đến tận đường không còn lối đi vào, nhưng dưới những nhát cuốc, từng mảng gốc rễ bật lên, đã mang lại vẻ đẹp cho một nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Rất nhiều đồng bào đi ngang qua và nói với nhau “Thanh niên tình nguyện đấy” làm cho nếu ai là tuổi trẻ mà nghe được cũng cảm thấy tự hào… Đêm đến các bạn lại dạy các em trong buôn học kém ôn tập những kiến thức đã học để thi lại. Cùng dân làm rất nhiều việc nhưng bữa cơm cũng chỉ đạm bạc, suất ăn cho 7 người nhưng ngày nào ăn sang thì đi chợ chỉ 100 ngàn, còn bình thường chỉ 50 ngàn, đồng bào thương vẫn thường cho gạo, cho rau. Nơi ăn chốn ở của các bạn cũng là những gia đình người dân rộng lòng như gia đình anh Huấn ở thôn Kinh tế – xã P’Ró.
Vất vả là thế, nhưng được cùng ăn, cùng ở với đồng bào, được giúp đỡ cộng đồng, mỗi một hoạt động, mỗi 1 ngày qua đi lại để lại những cảm xúc thật khó diễn tả trong lòng các bạn. Chỉ một tháng thôi, nhưng kỷ niệm về một mùa hè xanh với những con người, những số phận được gặp gỡ là những ngày đong đầy ý nghĩa đã làm cho các bạn trẻ ai cũng như trưởng thành hơn, trách nhiệm hơn với cuộc sống và với cộng đồng xã hội.
QUỲNH UYỂN