Thế giới ngày nay đang dấy lên nhu cầu thiết lập một trật tự thế giới đa cực, nơi mà không một lực lượng hay giá trị tối cao nào có thể chi phối những nền văn hóa khác vì những mục đích kinh tế và chính trị của mình...
Thế giới ngày nay đang dấy lên nhu cầu thiết lập một trật tự thế giới đa cực, nơi mà không một lực lượng hay giá trị tối cao nào có thể chi phối những nền văn hóa khác vì những mục đích kinh tế và chính trị của mình. Trong lĩnh vực quản trị nhân sự, hiện có những tranh cãi sôi nổi về sự xung đột giữa các giá trị truyền thống của văn hóa quản lý phương Tây và những giá trị về tinh thần, “giá trị chia sẻ” từ phần còn lại của thế giới. Có hay không, việc giá trị phương Tây đã và đang phủ nhận tầm quan trọng của các nền văn hóa tinh thần.
Văn hóa quản lý phương Tây
Nói chung, văn hóa quản lý phương Tây vốn được dựa trên nền tảng các giá trị “châu Âu cổ đại”, thể hiện ở các mặt của đời sống, bao gồm các quy tắc xã hội, tục lệ truyền thống, niềm tin tôn giáo và hệ thống chính trị. Khái niệm truyền thống về văn hóa châu Âu gắn liền với các đế chế châu Âu cổ đại với những “tiến bộ công nghệ và kinh tế vượt bậc” và hàng loạt những “cuộc xung đột quốc tế đẫm máu” ở thế kỷ XX và trước đó.
Phần nào đúng khi nói rằng, văn hóa quản lý phương Tây có xu thế truyền bá và phổ biến văn hóa theo kiểu định hướng Nhà nước. Động lực phát triển của xã hội châu Âu là kinh tế, định hướng thị trường và cạnh tranh khốc liệt. Con người chỉ được đối xử và coi như những “cỗ máy vui vẻ” hay “đơn vị kinh tế” để đáp ứng những mục đích kinh tế và chính trị. Lý thuyết và quan điểm này vẫn còn được sử dụng trong phương pháp quản lý của châu Âu hiện đại, khi các cá nhân chỉ được coi như những “đơn vị kinh tế”, “có thể thay đổi được”, hay “hoán đổi được” trong những cỗ máy là các tổ chức kinh tế (Elkin, 2007).
Do mục tiêu tối cao là lợi nhuận và kết quả, phương Tây đã xây dựng những mô hình kinh doanh rất hiệu quả tập trung vào xử lý công việc và kết quả đầu ra. Những khái niệm quản lý như “quản lý cá nhân” hay “làm việc nhóm” đã đươc áp dụng rất thành công nhằm sử dụng nguồn lực hiệu quả, tối đa hóa hoạt động kinh doanh, tạo ra nhiều lợi nhuận cũng như giảm thiểu các chi phí hoạt động.
Với quan điểm này, quản lý nhân sự theo lối truyền thống chú trọng vào quản lý “nhân sự”, trong đó “năng suất lao động” của cá nhân được quan tâm nhiều nhất. Họ tập trung vào quá trình tuyển dụng, thiết kế công việc và hệ thống khuyến khích, thưởng, phạt (Hughes, 2002). Quan điểm quản lý nhân sự hiện đại thì tập trung hơn vào làm việc nhóm hơn là cá nhân, quản lý mang tính chiến lược hơn là theo kiểu áp đặt quan liêu hành chính, có tính chủ động hơn là bị động (Coventry University, 2010).
Tuy vậy, có thể nói mô hình này đã bỏ qua những nhu cầu khác bên trong con người, cụ thể đó là những nhu cầu về suy nghĩ, cảm xúc, và tâm hồn của họ. Tại hầu hết các công ty đa quốc gia, dưới sức ép của công việc và cạnh tranh khốc liệt, tỷ lệ nghỉ việc thường rất cao, vai trò và lợi ích của cá nhân thường bị xem nhẹ. Và nếu như một mắt xích sản xuất “có thể thay thế” bị phá vỡ, nhà tuyển dụng vẫn có thể dễ dàng thay thế vào đó một “đơn vị kinh tế” tương tự khác. Tất cả những thay thế này không ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận và các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Một ví dụ, các công ty của Mỹ thường chú trọng vào các mục tiêu “lợi nhuận trong ngắn hạn”, trong đó tập trung vào tính hiệu quả lao động tức thời (Bowden and Mulnix, 2005). Một nghiên cứu đối với công ty Mỹ tại Việt Nam đã chứng minh nhận định này là, mặc dù tỉ lệ nghỉ việc hoặc thay đổi công việc tại đây rất cao, song tăng trưởng kinh doanh vẫn tăng đáng kể mỗi năm. Một phát hiện đáng chú ý khác nữa là mặc dù thiếu hụt các vị trí quản lý cao cấp, chủ chốt trong hệ thống (tổng giám đốc, các giám đốc chi nhánh), toàn bộ tổ chức vẫn vận hành rất tốt bởi sự phát huy tính hiệu quả các hoạt động của hệ thống và làm việc theo nhóm.
Tóm lại, văn hóa quản lý của châu Âu lấy động lực phát triển chính là kinh tế và chính trị. Điểm mạnh của mô hình này là tăng trưởng về lợi nhuận kinh tế, thích ứng nhanh nhạy với thay đổi của thị trường, phân phối hàng hóa và dịch vụ rộng rãi cho người tiêu dùng, tuy nhiên mặt thiếu sót là chưa chú trọng đầy đủ đến các khía cạnh an sinh xã hội và con người.
(Còn nữa)
ThS. ĐINH CÔNG HOÀNG