Chúng tôi cùng đi với các anh chị cán bộ Đoàn về thăm mẹ vào một ngày giữa tháng 7. Mỗi năm, mẹ mong những ngày này lắm để lại được gặp “những đứa con” ở Tỉnh Đoàn Lâm Đồng...
Chúng tôi cùng đi với các anh chị cán bộ Đoàn về thăm mẹ vào một ngày giữa tháng 7. Mỗi năm, mẹ mong những ngày này lắm để lại được gặp “những đứa con” ở Tỉnh Đoàn Lâm Đồng. Ở tuổi 94, mẹ VNAH Hồ Thị Đại (số 411, xóm 8, thôn Nam Hiệp 1, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương) vẫn đi lại nhanh nhẹn, mắt còn thấy rõ, nhưng tai có phần kém hơn. Vừa vào đến nhà, chúng tôi bắt tay ngay, mỗi người một việc, người quét nhà, quét sân, người dọn dẹp nhà cửa, người cắt hàng rào, chặt củi… Bóng áo xanh từ trong nhà, sân vườn, bếp núc tràn ra tận ngõ. Chỉ một giờ sau, mọi thứ đều trở nên ngăn nắp, tinh tươm. Mẹ đi ra đi vào trong niềm vui chộn rộn. Thấy các con pha trò, thi thoảng mẹ lại nở nụ cười móm mém. Ngôi nhà nhỏ, mọi ngày một mình mẹ rộng là thế, mà hôm nay bỗng trở nên chật chội, ấm áp. 20 đứa con ríu rít, đi ra đi vào chuẩn bị cho bữa trưa đụng nhau phải tránh. Chị Phạm Thị Phúc - Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, xúc động: “Nỗi đau của mẹ là quá lớn, có chúng tôi, tuổi già của mẹ cũng bớt hiu quạnh, những gì chúng tôi làm chỉ có thể làm dịu đi một phần nào thôi. Chúng tôi được mẹ coi như con, với chúng tôi mẹ cũng là một phần rất thân thuộc”.
Quây quần bên mẹ |
Mẹ VNAH Hồ Thị Đại có 3 người con, 2 con trai thì cả 2 đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước (liệt sĩ Nguyễn Cương và Nguyễn Lương). Năm 1968, chiến trận ác liệt, mẹ cùng người con gái út (chị Nguyễn Thị Hội, lúc đó đã 18 tuổi) rời quê hương xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định chạy lên Tây Nguyên. Đến Phan Rang, hai mẹ con lạc nhau, một lần nữa mẹ lại mất đi đứa con duy nhất còn lại. Một mình mẹ lặng lẽ vượt qua nỗi đau, gượng dậy sống được là nhờ vào sự đùm bọc của bà con chòm xóm và họ hàng. Bà Bảy (là em gái út của mẹ nay cũng đã gần 90) đã cắt một phần đất vườn của mình để Phân khu Quản lý đường bộ 78 xây tặng mẹ ngôi nhà tình nghĩa cách đây hơn 10 năm. Không còn nỗi đau nào lớn hơn, nước mắt đã cạn khô, dù không có một tấm di ảnh của các con, nhưng từng gương mặt vẫn in đậm trong trí nhớ già nua. Đã 44 năm mẹ mỏi mòn mong một ngày chị Hội tìm về với mẹ, cứ có ai nghe nói ở đâu đó có hoàn cảnh tương tự, mẹ lại lóe lên hy vọng, mẹ tin chị Hội vẫn còn sống nay cũng đã hơn 60 và đang ở ngay đâu đây thôi…
Xoa dịu nỗi đau của mẹ, suốt 20 năm qua, đơn vị Đoàn cơ sở cơ quan Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đã nhận chăm sóc, phụng dưỡng mẹ suốt đời. Mỗi năm đôi ba lần, các anh chị lại về quây quần bên mẹ. Nhiều thế hệ cán bộ của Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đã về với mẹ. Mẹ coi anh chị là người nhà. Mẹ nhớ từng gương mặt trẻ, nhớ tên từng đứa con… Cùng với việc thăm nom thường xuyên, kèm theo số tiền phụng dưỡng hàng tháng, dù ít ỏi (300 ngàn đồng/tháng) nhưng là tấm lòng, là nghĩa, là tình. Vài năm gần đây, tuổi mẹ đã cao, sức ngày càng yếu, những căn bệnh của tuổi già cứ ngày một nhiều, Tỉnh Đoàn còn luôn quan tâm chú ý đến sức khỏe của mẹ. Mỗi lần về thăm mẹ, các anh chị lại phối hợp cùng các cơ sở Đoàn y tế đưa theo bác sĩ để khám sức khỏe định kỳ cho mẹ. Lần này cùng đoàn đi, có bác sĩ trẻ Mai Trần Kiên Cường (Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng). Sau khi khám bệnh cho mẹ kỹ lưỡng, bác sĩ Cường ân cần dặn mẹ uống các loại thuốc bổ mà các anh chị mang theo.
Bác sĩ Cường khám bệnh cho mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Đại |
Trưa đến, bên 2 nồi cháo vịt bốc khói dọn ra, được mọi người quây quần bên mẹ, bữa ăn ấm cúng, nên ai cũng ăn rất ngon lành. Về bên mẹ, chỉ một ngày thôi, chúng tôi thêm hiểu sâu sắc sự hy sinh lớn lao của mẹ, mẹ đã hiến dâng những đứa con thân yêu nhất của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Biết ơn những người Mẹ Việt Nam anh hùng, chúng tôi như thấy rõ hơn trách nhiệm và hành động của thế hệ mình trên từng tấc đất quê hương. Chia tay vào buổi chiều, mẹ tiễn chúng tôi ra tận ngõ, quyến luyến bịn rịn không muốn rời, dẫu biết rằng một ngày gần đây các con sẽ lại về bên mẹ.
QUỲNH UYỂN