Về lại chiến trường xưa

03:07, 24/07/2012

Qua hơn 1/3 thế kỷ, kể từ khi Tổ quốc được thống nhất; niềm ao ước, hy vọng về thăm lại chiến trường xưa của Đoàn Cựu chiến binh Hội Chiến sĩ Trường Sơn thành phố Đà Lạt đã được toại nguyện.

Qua hơn 1/3 thế kỷ, kể từ khi Tổ quốc được thống nhất; niềm ao ước, hy vọng về thăm lại chiến trường xưa của Đoàn Cựu chiến binh Hội Chiến sĩ Trường Sơn thành phố Đà Lạt đã được toại nguyện.

Thắp hương trước Đài tưởng niệm liệt sĩ Thành cổ - Quảng Trị
Thắp hương trước Đài tưởng niệm liệt sĩ Thành cổ - Quảng Trị


Khi chuyến xe xuất phát từ Đoàn 198 Học viện Lục quân nhằm phương bắc thẳng tiến thì tâm tư của tất cả mọi người đều nôn nao khó tả. Sự nôn nao này bởi hình ảnh về từng địa danh, những nẻo chiến trường xưa mà họ đã từng cùng biết bao đồng đội đã ngoan cường chiến đấu, hy sinh để góp phần cùng dân tộc hiên ngang và kiêu hãnh hát khúc khải hoàn ca...

Đoàn Chiến sĩ Trường Sơn thành phố Đà Lạt hôm ấy gồm 23 chiến sĩ (12 nam và 11 nữ). Tất cả họ đều là CCB, cựu thanh niên xung phong. Điều cần nói ở đây là tất cả mọi thành viên trong đoàn đều là thương binh, bệnh binh hoặc bị nhiễm chất độc da cam. Tuy chặng đường xa, sức khỏe, thời gian và kinh phí hạn hẹp nhưng khí thế của cả đoàn đều rất phấn chấn, lạc quan. Cuộc du hành về thăm lại chiến trường xưa mà y như cuộc hành quân ra trận thuở nào, bởi mục tiêu (địa danh) trong lịch trình chọn lọc đang chờ đợi mọi người.

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là điểm đến đầu tiên của đoàn. Giữa bao la, bạt ngàn hàng ngàn, hàng vạn mộ liệt sĩ, trong khói hương nghi ngút, mọi người âm thầm cầu nguyện cho những người đồng đội đã khuất. Và, các anh, các chị - những người đồng chí cùng đơn vị cũ giờ đang yên nghỉ tại khu vực nào trong khuôn viên nghĩa trang mênh mông này? Khói hương lan tỏa bay và từng giọt nước mắt âm thầm lăn lặng lẽ... Tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị, Đoàn CCB Trường Sơn Đà Lạt bồi hồi nhớ lại "Mùa hè đỏ lửa" năm nào với những ký ức bi hùng của quân và dân thành cổ ngoan cường, bất khuất với bao chiến công đã, đang và còn sống mãi đến mai sau. Ở chiến trường Quảng Trị, ngoài Thành cổ anh hùng, trên dải đất này còn có biết bao địa danh còn mãi dấu ấn chiến công của một thời đánh Mỹ. Đó là Khe Sanh - Đường 9; Tà Cơn và Dốc Miếu, Cam Lộ, Gio Linh...

Người dân Quảng Trị và những chiến sĩ giải phóng quân đã từng bám trụ trên mảnh đất này không thể nào quên về một "Dòng sông máu". Đó là dòng sông Thạch Hãn. Trên dòng sông này thời chống Mỹ là một trong những điểm huyết chiến. Đêm đêm, những chuyến đò bí mật chở quân vượt sông và cả hàng ngàn chiến sĩ bơi qua sông để tiếp cận đồn thù. Và đạn bom quân thù đã ào ạt đổ xuống cùng những trận đánh quyết tử diễn ra trên dòng sông. Không thể nào đếm được có bao nhiêu người lính đã ngã xuống nơi đây. Máu xương của những người đồng đội đã hòa tan dưới dòng sông. Đứng trên bờ Thạch Hãn, dòng sông xanh trong vẫn êm ả đổ về phía biển khơi, bỗng dưng trưởng đoàn Nguyễn Thái Hòa đọc lên bài thơ "Lời gọi bên sông" của người thương binh - nhà báo Lê Bá Dương khi ông nhớ về đồng đội:

"Đò lên Thạch Hãn ơi...
chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành
sông nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm...".

Bài thơ đã làm cả Đoàn CCB Trường Sơn lặng đi. Và, một làn gió mát từ lòng sông thổi về phía họ...

Ngược ra Vĩnh Linh, đoàn đến địa đạo Vĩnh Mốc - một Củ Chi trên đất Quảng Trị, một làng chiến đấu trong lòng đất mãi mãi còn đây với bản hùng ca huyền thoại.

Những hình ảnh về Đường 15; Đường 20 quyết thắng - Đường Hồ Chí Minh oai hùng và nhà lưu niệm Đại tướng võ Nguyên Giáp trên quê hương Lệ Thủy... và ân tình đồng đội, nghĩa quân dân nơi đoàn đã đến thăm sẽ là những dấu ấn đọng mãi trong trái tim những người CCB Hội Chiến sĩ Trường Sơn thành phố Đà Lạt.

VIỆT HƯNG