“Ngày 26 tháng 7 nhớ về ăn bữa cơm chung với dân Xuân Trường, với mẹ”. Lời mời của các mẹ làm nỗi nhớ về những tấm lòng, những cuộc đời trên một vùng đất anh hùng cứ bịn rịn không dứt. Về với mẹ để lòng thêm vững chãi…
“Ngày 26 tháng 7 nhớ về ăn bữa cơm chung với dân Xuân Trường, với mẹ”. Lời mời của các mẹ làm nỗi nhớ về những tấm lòng, những cuộc đời trên một vùng đất anh hùng cứ bịn rịn không dứt. Về với mẹ để lòng thêm vững chãi…
Từ lâu rồi, bữa cơm ngày 26.7 là bữa cơm chung để người dân xã Xuân Trường (thành phố Đà Lạt) hôm nay tưởng nhớ về những người con của mảnh đất này đã ngã xuống vì độc lập. Không ồn ã cũng không quá trầm lắng, hội trường thôn Xuân Sơn tập trung đông đủ những tấm lòng thành kính. Ôn lại những câu chuyện xưa, có những khoảng lặng len lỏi nỗi buồn khi nghĩ về người đã ra đi và hôm nay không có mặt. Câu chuyện về nhịp sống hiện tại khá cởi mở, từ chuyện vụ mùa, chuyện con cháu đậu đại học, đến chuyện làm đường, xây cầu… Người dân xã vùng ven sống chân chất và tham gia bữa cơm truyền thống ấm cúng diễn ra mỗi năm. Đến ngày lễ chính thức 27 tháng 7, mọi người cùng về nghĩa trang liệt sỹ dâng hương. Chứng kiến bao đổi thay và đong đầy cảm xúc nhất trong dịp này có lẽ là các mẹ - ba Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của xã hiện vẫn còn sống tại thôn Xuân Sơn.
“Ngày cha đi biền biệt”
Cô con gái Trần Thị Minh Sơn sống cùng mẹ Nguyễn Thị Tất trong căn nhà tình nghĩa đã nhiều năm nay. Chị chu đáo từ bữa cơm đến viên thuốc chăm sóc mẹ những năm tháng tuổi già. Đối với chị, mẹ còn sống là chị còn có niềm vui, là chỗ dựa tinh thần để tựa vào bởi cả cuộc đời đã thiếu vắng tình cha và mẹ đã hy sinh cho tất cả… Mẹ Tất và chồng là liệt sỹ Trần Cương vào Đà Lạt sau một quá trình hoạt động cách mạng kiên cường ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ thời chống Pháp, gia đình mẹ là cơ sở tiếp tế, nắm tình hình địch, đi rải truyền đơn, rồi bị bắt giam ở Đà Nẵng, hai vợ chồng cùng nếm đòn roi kẻ địch. Thời gian ở trong lao tù, ông bà đành gửi các con lại cho gia đình bên nội chăm sóc. Quyết tâm vượt ngục vào đến Đà Lạt, địa bàn mới nhưng tấm lòng cách mạng luôn sắt son, nhà mẹ lại đào hầm, tiếp từng lượt bộ đội đến trú ẩn rồi ra đi chiến đấu, cùng nhau tiếp sức đưa gạo vào rừng cho chiến sỹ. Tinh thần ấy sôi sục trong cả xã, cả gia đình. Ông Trần Cương đi biền biệt, mẹ ở nhà nuôi con và giúp sức cho cách mạng. Đến năm 1968, ông Trần Cương hy sinh trong khi đi tiếp tế, người con gái Trần Thị Minh Rế hy sinh cùng cha, gia đình bị địch xả súng nát bốn góc nhà. Nỗi đau mất chồng, mất con, tan nát cửa nhà khiến lòng căm hờn của mẹ càng trỗi dậy. Mẹ lại đào hầm, bị địch bắt giải qua các nhà lao. Trong trí nhớ của chị Minh Sơn, lúc đó chị khoảng 10 tuổi, hai mẹ con gặp nhau qua tấm lưới nhà lao, chị không bao giờ quên được hình ảnh mẹ bị đánh đen thui, chị đã mất cha lại như mồ côi mẹ vì những tháng ngày mẹ Tất phải vào tù. Vậy mà, các anh chị em ở nhà vẫn tiếp tục là cơ sở cách mạng, người anh Trần Quang Vinh hy sinh tại căn cứ huyện Lạc Dương năm 1971, anh Trần Minh Quang là thương binh hạng 4/4.
Căn nhà tình nghĩa dịp 27.7 và các dịp lễ tết nào cũng ấm cúng những bữa gặp mặt, ba tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của chồng và hai con được treo trang trọng trong nhà, mẹ Tất nhận kỷ niệm chương “Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày”. Tuy tuổi đã cao và không còn làm chủ được những bước đi, tất cả sinh hoạt hàng ngày đều trông nhờ vào chị Sơn nhưng những chuyện đã qua thì mẹ nhớ rất rõ. Bởi đó là cả một thời mẹ đã sống, đã chiến đấu, đã hy sinh, có những mất mát lớn lao không dễ gì bù đắp. Mắt mẹ nhòa trong kỷ niệm…
“Bình yên ngày mới”
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhất năm nay đã 85 tuổi. Mẹ bình yên với cuộc sống, thời gian có lẽ đã xoa dịu phần nào và làm nguôi ngoai vết thương lòng vì ba người con đã hy sinh. Giờ một ngày của mẹ bắt đầu thức giấc từ 5 giờ sáng, mẹ thắp nhang cho các con rồi đi chùa làm công quả và giúp con cháu cơm nước, giặt giũ, xem các chương trình trên truyền hình để nắm bắt thời sự. Nhìn mẹ, ánh mắt thật ấm áp và nhân hậu, vừa bình yên vừa chân thành và mạnh mẽ. Xác định “Nước có yên thì nhà mới thịnh”, mẹ đã động viên các con ra chiến trường như là nghĩa vụ của lớp thanh niên. Ba người con của mẹ đã ra đi vì Xuân Trường, những người con còn lại mỗi người một nghề, phần lớn sống quây quần ở thôn Xuân Sơn, cùng xây dựng quê hương qua những thời kỳ khó khăn nhất.
Gặp mẹ Lê Thị Chậm khi mẹ đang chăm sóc góc vườn nhỏ, sức mẹ cũng đã yếu. Ba con trai của mẹ là liệt sỹ. Đi qua chiến tranh và sống trọn vẹn tuổi già trong hòa bình, mẹ dường như không còn cô quạnh bởi căn nhà tình nghĩa, nhà mẹ hàng tháng là địa điểm tụ họp của các gia đình chính sách. Rôm rả những câu chuyện thường nhật, chia sẻ về cuộc sống, về công việc, chuyện làng xã…, mọi người có không gian thân tình để quan tâm đến nhau, cùng hỗ trợ khi khó khăn, đau yếu. Tình cảm xóm làng, tình cảm của những gia đình đã cùng cống hiến xương máu cho Tổ quốc đã như đan kết lại để họ cùng sống thật trọn tình.
Bữa cơm ngày 26 tháng 7, hòa cùng nỗi nhớ của các mẹ là nỗi nhớ chung của lớp con cháu hôm nay. Ở một thôn đậm truyền thống cách mạng như thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường thì truyền thống yêu nước là cả bề dày đáng tự hào và tri ân. Tháng 7, tha thiết với câu chuyện hôm qua và vững lòng với những ngày sắp đến ở một xã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Hải Yến