Cát Tiên với nỗi lo trường mầm non

02:08, 02/08/2012

Với 12 xã thị trấn, Cát Tiên hiện nay mới chỉ có 3 trường mầm non được đầu tư bài bản, còn 8 trường mầm non ở 9 xã do mới thành lập chưa có cơ sở vật chất nên vẫn phải mượn tạm phòng để dạy học trong năm học mới 2012-2013.

Với 12 xã thị trấn, Cát Tiên hiện nay mới chỉ có 3 trường mầm non được đầu tư bài bản, còn 8 trường mầm non ở 9 xã do mới thành lập chưa có cơ sở vật chất nên vẫn phải mượn tạm phòng để dạy học trong năm học mới 2012-2013.

Trường THCS Đức Phổ - Cát Tiên đang hoàn tất những bước cuối để chuẩn bị đón học sinh trong năm học mới
Trường THCS Đức Phổ - Cát Tiên đang hoàn tất những bước cuối để chuẩn bị đón học sinh trong năm học mới


Trong năm học 2012-2013, Giáo dục (GD) huyện Cát Tiên có 35 trường học trên địa bàn do Phòng GD quản lý; trong đó, có 11 trường Mầm non, 14 trường Tiểu học, 9 trường Trung học cơ sở và một trường có cả khối Tiểu học và Trung học cơ sở là Đồng Nai Thượng. So với năm học qua , Cát Tiên tăng thêm 3 trường mầm non và cả 3 trường này vừa được thành lập trong hè là Mầm non Mỹ Lâm, Mầm non Nam Ninh và Mầm non liên xã Quảng Ngãi – Tư Nghĩa. Dự kiến trong năm học đến số học sinh khoảng 7.700 , tăng gần 300 học sinh so với năm học vừa qua và số tăng này chủ yếu ở khối Mầm non. Riêng ngôi trường có 2 cấp học là Đồng Nai Thượng, do nằm ở một vị trí khá tách biệt nên lâu nay vẫn phải duy trì cả Trung học cơ sở (THCS) nơi đây vì chỉ có 4 lớp nên không thể tách thành một trường riêng. Trong tương lai, Phòng GD huyện đang đề xuất đưa ngôi trường này thành trường Dân tộc Phổ thông Bán trú liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở cho học sinh học cả ngày nơi đây.

“Về cơ bản, ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở năm học đến phòng học tạm đủ, đảm bảo cho dạy học” – ông Dương Hùng Cường, Trưởng phòng GD Cát Tiên cho biết. Trong năm 2012, huyện có 1 công trình xây mới từ nguồn kiên cố hoá trường lớp của tỉnh là Tiểu học Võ Thị Sáu với 12 phòng, tổng kinh phí trên 4,5 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2011, huyện cũng đã tiến hành xây dựng phòng học cho 4 trường Tiểu học, gồm Phước Cát 2, Nam Ninh, Mỹ Lâm và Tiên Hoàng, với tổng số phòng xây dựng là 26 phòng, tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng. Các công trình này sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học mới này. Điều đáng mừng là tốc độ kiên cố hoá trường lớp trên địa bàn huyện Cát Tiên theo kế hoạch của tỉnh đã được phê duyệt từ năm 2008 đến nay khá tốt, đạt trên 85,5%. Trong tổng số 356 phòng học của huyện do Phòng GD quản lý, đã có 193 phòng được xây mới, kiên cố hoá; 114 phòng cấp 4  và 11 phòng tạm vốn là các nhà gỗ đang chờ xây mới. Ngành GD huyện vẫn còn phải mượn 38 phòng bên ngoài làm chỗ dạy học.

Cái khó nhất hiện nay cho GD Cát Tiên, theo ông Cường, chính là thiếu phòng học cho các trường khối Mầm non. Cát Tiên có 12 xã, thị trấn và theo quy định mỗi xã hay thị trấn đều có trường mầm non cho việc phổ cập mầm non 5 tuổi, nhưng đến nay huyện mới chỉ có 3/11 trường mầm non được đầu tư bài bản. 8 trường còn lại, trong đó có 3 trường mới thành lập trong năm nay đều rất tạm bợ, chưa được đầu tư cơ sở vật chất lẫn trang thiết bị. Trong tổng số 36 phòng đi mượn như trên, chủ yếu là ngành GD mượn cho các trường mầm non hoạt động. “Để tổ chức lớp học cho các cháu, chúng tôi phải đi mượn nhà làm việc của xã, nhà văn hoá thôn, nhà dân. Nhiều nhất là mượn nhà văn hoá thôn. Mỗi trường thành lập hiện nay chừng 3-4 lớp, qui mô cũng nhỏ nên chúng tôi có thể xoay xở được nhưng chỉ là tạm thời thôi vì rất nhiều điều bất tiện… Theo lộ trình đã được phê duyệt cho việc phổ cập mầm non 5 tuổi, trong 2 năm đến, chúng tôi sẽ được xây dựng đến 6 trường mầm non, mỗi trường như thế cũng phải đến 8 tỷ đồng nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì” - ông Cường nói.

Để tu bổ, sửa chữa nhỏ, mua thêm trang thiết bị đồ dùng dạy học chuẩn bị cho năm học mới, từ nguồn ngân sách địa phương, Cát Tiên trong hè này đã cấp cho 12 trường học trong huyện mỗi trường 50 triệu đồng. Qua kiểm tra trong hè, huyện cũng đồng ý cấp thêm cho 3 trường nữa, gồm Phân hiệu Phước Cát 1, Mầm non Đức Phổ, mỗi trường 70 triệu đồng; Phân hiệu thôn 1 Tiểu học Tiên Hoàng 150 triệu đồng. Tổng kinh phí để sửa chữa này trên 900 triệu đồng.

  Do nằm trên một địa bàn thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên trường lớp cơ sở vật chất nơi đây như ông Cường cho biết vẫn rất phụ thuộc vào nguồn ngân sách. Chính vì vậy, mục tiêu của ngành GD địa phương trong những năm tới là cố gắng đẩy mạnh việc xã hội hoá huy động được nguồn lực từ xã hội để cùng xây dựng trường lớp có một bộ mặt khang trang hơn.  

Gia Khánh