Cát Tiên, vùng đất Chiến khu D năm xưa với bao chiến tích lẫy lừng trong kháng chiến chống Mỹ, hôm nay đã có những đổi thay đi lên trong nỗ lực vượt khó để xây dựng cuộc sống ngày một ấm no...
Cát Tiên, vùng đất Chiến khu D năm xưa với bao chiến tích lẫy lừng trong kháng chiến chống Mỹ, hôm nay đã có những đổi thay đi lên trong nỗ lực vượt khó để xây dựng cuộc sống ngày một ấm no. Trong những nỗ lực đó, có những hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” và “xoa dịu” nỗi đau da cam rất đáng ghi nhận.
37 năm sau ngày đất nước thống nhất, những nỗi đau mà chiến tranh để lại vẫn kéo dài dai dẳng. Nhiều cựu chiến binh và gia đình còn đó những nỗi đau về tinh thần và những mất mát không gì có thể bù đắp được khi bị nhiễm chất độc da cam. Để rồi con cháu của những người cựu chiến binh ấy khi sinh ra phải mang những di chứng nặng nề của chất độc da cam (bị tật nguyền, bị trí não chậm phát triển…). Để “xoa dịu” nỗi đau da cam, trong những năm qua, huyện Cát Tiên đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam nhằm chia sẻ và động viên các gia đình vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh những hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ thường xuyên trong các dịp lễ, tết hoặc những lúc khó khăn, với sự hỗ trợ của Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, với dự án “Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam khu vực Tây Nguyên và Tây Ninh” được triển khai tại huyện Cát Tiên thông qua Hội Chữ thập đỏ huyện, toàn huyện đã có 21 gia đình nạn nhân chất độc da cam được hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, với tổng số tiền gần 92 triệu đồng. Đây là những hộ có hoàn cảnh khó khăn và có điều kiện lao động để sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương (với mức bình quân hỗ trợ cho một hộ là 4,5 triệu đồng), các hộ đã đầu tư mua bò, mua heo, phát triển mô hình nuôi ếch hoặc đầu tư buôn bán nhỏ, mua máy may. Đến nay, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện dự án, các gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam được hỗ trợ vốn sản xuất đã từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Có hộ đã xây được nhà ở, mua sắm được trang thiết bị cần thiết cho gia đình và đầu tư cho con cái học hành. Ngoài ra, trong những năm qua, thông qua Hội Chữ thập đỏ huyện, nhiều nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời để họ vươn lên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng, như hỗ trợ các gia đình sửa chữa nhà ở, hỗ trợ khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình, cấp 24 xe lăn, 20 xe lắc, 18 ghế cho trẻ bại não,… với tổng trị giá gần 542 triệu đồng.
Theo thống kê, toàn huyện Cát Tiên hiện có 103 đối tượng bị nhiễm chất độc da cam, trong đó có 55 người bị nhiễm trực tiếp khi tham gia chiến tranh và có 48 người bị nhiễm gián tiếp do di truyền. Với sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể và của toàn xã hội cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, cộng với nỗ lực vượt khó vươn lên của các gia đình mà đến nay, huyện Cát Tiên chỉ còn 9 nạn nhân chất độc da cam thuộc hộ nghèo và chỉ còn 5 hộ cận nghèo.
NGÂN HẬU