Để chính quyền cơ sở vững mạnh

03:08, 07/08/2012

Trong 7 năm từ 2004 - 2011, với tổng kinh phí trên 74 tỷ đồng, đã có gần 8.000 lượt cán bộ xã, phường trong tỉnh được đào tạo - bồi dưỡng về văn hóa, chuyên môn, lẫn chính trị với mục tiêu xây dựng một chính quyền vững mạnh từ cơ sở.

Trong 7 năm từ 2004 - 2011, với tổng kinh phí trên 74 tỷ đồng, đã có gần 8.000 lượt cán bộ xã, phường trong tỉnh được đào tạo - bồi dưỡng về văn hóa, chuyên môn, lẫn chính trị với mục tiêu xây dựng một chính quyền vững mạnh từ cơ sở.

Trụ sở làm việc của HĐND - UBND xã vùng sâu Tà Nung – Đà Lạt vừa được xây dựng
Trụ sở làm việc của HĐND - UBND xã vùng sâu Tà Nung – Đà Lạt vừa được xây dựng


Theo Sở Nội vụ, trong 12 đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay của tỉnh (trong đó Đà Lạt là đô thị loại I, Bảo Lộc là đô thị loại III và 10 huyện), có 148 đơn vị hành chính cấp xã với 18 phường, 12 thị trấn và 118 xã. Trong tổng số phường, xã, thị trấn trên có 982 thôn và 586 tổ dân phố. Công tác trong hệ thống chính quyền cấp xã, phường, thị trấn hiện nay trong tỉnh có 2.766 cán bộ công chức, trong đó chuyên trách 1.561 cán bộ và 1.205 công chức, cùng đó có 2.557 cán bộ không chuyên trách. Ngoài số cán bộ nêu trên, các địa phương còn bố trí đảm nhiệm các chức danh bao gồm 699 cán bộ là phó các đoàn thể, 3.964 cán bộ thôn, khu phố, tổ dân phố, xóm hưởng hoạt động phí từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách xã phân bổ.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Một số giải pháp củng cố kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên” (Đề án 253), từ năm 2003 đến nay, Lâm Đồng đã liên tục tổ chức các lớp đào tạo – bồi dưỡng cho cán bộ chính quyền cấp cơ sở xã, phường, thị trấn. Cụ thể, đã mở 21 lớp đào tạo với các học viên là cán bộ công chức cấp xã và các chức danh cán bộ cơ sở (trong đó có 2 lớp đại học) trong các lĩnh vực: hành chính văn phòng, luật, địa chính, kế toán, quân sự, công an, nông nghiệp, quản lý văn hóa, công tác xã hội, phát triển cộng đồng, phụ vận, thanh vận… Qua đó, đã đào tạo được 1.376 cán bộ công chức cấp xã có trình độ trung cấp trở lên. Với những cán bộ công chức chưa đủ điều kiện đào tạo trung cấp và những cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ công tác vùng sâu, hằng năm tỉnh mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý điều hành cho các đối tượng là chủ tịch, phó chủ tịch UBND, HĐND xã, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức và kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ cải cách thủ tục hành chính, soạn thảo văn bản, công tác văn thư lưu trữ cho tất cả công chức cấp xã với trên 22.300 lượt tham gia.

Để bắt kịp với công nghệ thông tin, tỉnh chủ trương đào tạo Tin học trình độ A cho tất cả cán bộ công chức cấp xã. Năm 2007, Lâm Đồng thí điểm việc đào tạo này tại một huyện, sau đó triển khai rộng ra các huyện khác trong tỉnh và đến năm 2010 đã mở các lớp đào tạo chứng chỉ B tin học. Đến nay, hầu hết cán bộ cấp xã đã cơ bản sử dụng được máy tính trong việc thực hiện nhiệm vụ, trong đó đã có 743 cán bộ được đào tạo chứng chỉ B tin học. Với các cán bộ công chức công tác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh hằng năm còn liên tục mở các lớp đào tạo các tiếng dân tộc thiểu số Chu Ru, K’Ho và Mạ ở cấp tỉnh, huyện và ngay tại các xã. Từ năm 2003 đến nay, đã có 83 lớp như thế được tổ chức với 2.789 người theo học, trong đó đã kiểm tra cấp chứng chỉ tiếng dân tộc cho 2.776 cán bộ công chức.

Theo Sở Nội vụ, đến nay cán bộ chuyên trách cấp xã có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên đạt 61,6% (962 cán bộ), có trình độ chuyên môn từ sơ cấp trở lên đạt trên 48% (752 cán bộ). Trong các chức danh công chức cấp xã có 87,3% (1.053 công chức) đạt trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Thông qua đào tạo bồi dưỡng, về cơ bản đội ngũ này đã đáp ứng được tiêu chuẩn cán bộ công chức.

Cùng với đó, trong nhiều năm nay, công tác quy hoạch tạo nguồn và tăng cường cán bộ về cơ sở luôn được các địa phương trong tỉnh quan tâm.  Chẳng hạn, với những cán bộ đương chức có trình độ năng lực, hoàn thành nhiệm vụ được giao, dưới 40 tuổi sẽ được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kỹ năng quản lý, điều hành để bổ sung vào chức danh chủ chốt. Với các cán bộ lực lượng vũ trang nhân dân đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, các đối tượng tốt nghiệp trung học phổ thông, cán bộ con em gia đình chính sách, các đoàn viên, hội viên và các nhân tố điển hình xuất sắc đã hoạt động tích cực trong phong trào ở địa phương, số con em là người địa phương, người đồng bào dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp ở các trường trung cấp, đại học… có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp, chưa có việc làm được đưa về công tác ở xã, phường, thị trấn để quy hoạch, chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ kế cận.

Để cán bộ công chức xã, phường an tâm công tác, bên cạnh việc thực hiện đúng, đầy đủ chính sách, chế độ của Trung ương quy định, các cấp thẩm quyền của tỉnh đã xây dựng và giải quyết một số chế độ cụ thể như tạm thời áp dụng việc dùng bằng trung cấp lý luận chính trị hành chính để xếp lương theo Nghị định 92 của Chính phủ cho số cán bộ chuyên trách khối Đảng, Mặt trận và đoàn thể. Tỉnh thực hiện chính sách thu hút đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã có bằng trung cấp trở lên (không phải cán bộ hưu trí), nếu hoàn thành nhiệm vụ ngoài mức phụ cấp hiện hưởng, sau 3 năm công tác được thêm khoản phụ cấp thâm niên 10%, từ năm thứ tư trở đi cứ một năm công tác được cộng thêm 1%. Tỉnh còn hỗ trợ kinh phí hoạt động cho thôn, tổ dân phố 4 triệu đồng/thôn/tổ dân phố/năm.

Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, vẫn còn không ít những bất cập, nhưng nhìn chung hoạt động của chính quyền cơ sở trong những năm gần đây từ khi thực hiện Đề án 253 của Chính phủ đã có những chuyển biến tích cực. Chính quyền cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động, UBND cấp xã, phường, thị trấn nhiều nơi đã có những đổi mới về nội dung phương pháp hoạt động, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai nghiêm túc quy chế dân chủ cơ sở, nâng cao hiệu lực quản lý và điều hành. Đội ngũ cán bộ công chức xã phường đã từng bước được trẻ hóa, chuẩn hóa theo quy định. Chính vì vậy, trong một hội nghị tổng kết gần đây của các tỉnh Tây Nguyên, Lâm Đồng đang đề xuất Chính phủ nên tiếp tục thực hiện đề án này đồng thời đề nghị bổ sung thêm cán bộ công chức đối với những đơn vị hành chính có trên 15 nghìn dân trở lên, cùng nghiên cứu ban hành chế độ chính sách phụ cấp cho số cán bộ không chuyên trách, nhất là số cán bộ đoàn thể ở xã, thôn, tổ dân phố tại các địa phương chưa tự cân đối ngân sách được.

GIA KHÁNH