Đức Trọng: “Đền ơn đáp nghĩa” bằng nhiều việc làm cụ thể

03:08, 07/08/2012

“Công tác đền ơn đáp nghĩa được huyện tiến hành tích cực quanh năm, không chỉ riêng tháng 7”.

Ông Hồ Trí – Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Đức Trọng cho biết: “Công tác đền ơn đáp nghĩa được huyện tiến hành tích cực quanh năm, không chỉ riêng tháng 7”. Đến Đức Trọng vào một ngày không phải tháng 7 được chứng kiến rất nhiều đối tượng chính sách đến Phòng LĐ-TB-XH huyện nhận trợ cấp, được hướng dẫn chu đáo các thủ tục, để thấy đúng như lời ông Trí. Tính đến nay, huyện Đức Trọng có 4.033 đối tượng chính sách, trong đó: 3 mẹ VNAH, 3 anh hùng LLVT, 5 lão thành cách mạng, 542 gia đình liệt sĩ, 459 thương binh, 115 bệnh binh, 120 người có công với cách mạng, 133 nạn nhân chất độc da cam và 2.653 người tham gia kháng chiến hưởng trợ cấp một lần.

Thăm mẹ VNAH ở Ka Đô – Đơn Dương
Thăm mẹ VNAH ở Ka Đô – Đơn Dương


Thực hiện tốt pháp lệnh ưu đãi đối với người có công, trong 5 năm qua Đức Trọng đã lập thủ tục trình xét phong tặng 1 mẹ VNAH và truy tặng 3 mẹ, nâng tổng số mẹ VNAH trong huyện lên 23 mẹ, trong đó 3 mẹ đang còn sống và hưởng trợ cấp hàng tháng. Các mẹ luôn được quan tâm chăm sóc sức khỏe, thực hiện chế độ điều dưỡng hàng năm và đều được các đơn vị, doanh nghiệp như: Công ty TNHH kỹ thuật Sân bay Liên Khương, Đoàn thanh niên, khu Kinh tế Quốc phòng 78 nhận đỡ đầu phụng dưỡng suốt đời. Các cơ quan, đơn vị, ban, ngành và các tổ chức xã hội trong huyện thường xuyên thăm hỏi, động viên chăm lo đời sống cho các mẹ. Với các cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa (5 cán bộ còn sống) đều đã được nhận tiền hỗ trợ làm nhà theo quy định của Chính phủ về hỗ trợ nhà ở, được huyện cấp báo Nhân dân, được tổ chức tang lễ chu đáo khi qua đời. Với người có công giúp đỡ cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, Đức Trọng đã tiếp nhận và đề nghị giải quyết 23 trường hợp hưởng trợ cấp hàng tháng, nâng số người có công giúp đỡ cách mạng của huyện lên 120 người, 70 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày tại các nhà lao đều được hưởng quyền lợi theo quy định. Huyện cũng đề nghị cơ quan cấp trên xét 95 trường hợp là người trực tiếp tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Với những đối tượng là người tham gia hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương, 5 năm qua, huyện Đức Trọng đã lập hồ sơ cho 178 trường hợp được hưởng trợ cấp một lần, nâng tổng số người được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến được hưởng trợ cấp một lần lên 2.078 người. Huyện tiếp tục giải quyết cho 25 cán bộ hoạt động trên chiến trường B, C, K (Lâm Đồng, Tuyên Đức) được hưởng trợ cấp một lần… Toàn huyện có 574 thương binh, bệnh binh, trong đó 7 trường hợp là thương binh 1/4 và 1 bệnh binh 1/3 đã được chính quyền địa phương luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ chăm sóc sức khỏe, điều trị, điều dưỡng tại nhà, điều dưỡng tập trung  hàng năm, chi trả trợ cấp hàng tháng đầy đủ, kịp thời; ưu tiên giao đất ở, miễn thuế nhà đất, chi tiền tàu xe khám chữa bệnh, lắp đặt dụng cụ chỉnh hình; thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi trong giáo dục – đào tạo, miễn giảm học phí cho con thương bệnh binh đang theo học tại các trường phổ thông, cao đẳng, đại học. Cả huyện có 566 liệt sĩ với 542 gia đình là thân nhân liệt sĩ. Các chế độ ưu đãi đối với gia đình liệt sĩ được thực hiện theo đúng chế độ, chính sách đối với thân nhân liệt sĩ, không để xảy ra việc chi trả không đúng, không đủ cho đối tượng.

Ngoài trợ cấp hàng tháng, ngày lễ, Tết, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức thăm hỏi tặng quà động viên; trợ cấp đột xuất cho các gia đình chính sách gặp thiên tai, dịch họa, ốm đau, góp phần giảm bớt khó khăn; cấp hơn 1.000 thẻ bảo hiểm y tế cho gia đình chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc khám chữa bệnh. Trong 5 năm, nhân dân trong toàn huyện cũng đóng góp được 1,5 tỷ đồng vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, đã xây dựng được 42 nhà tình nghĩa, nâng tổng số nhà tình nghĩa toàn huyện là 126 căn; sửa chữa 13 căn, tặng 6 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách khó khăn. Từ nguồn động viên, khích lệ rộng lớn của cộng đồng, nhiều tấm gương thương binh đã không khuất phục vết thương mang trên mình, vươn lên làm giàu chính đáng như ông Phan Quang Long (người có công giúp đỡ cách mạng (Hiệp Thạnh), Nguyễn Thị Thanh Vân thương binh 3/4 (Phú Hội), Trịnh Ngọc Khoáng bệnh binh 2/3 (Tân Hội), Hồ Quốc Cường thương binh 3/4(Hiệp An), Nguyễn Ngọc Sơn bệnh binh 2/3 (Ninh Gia), Nguyễn Hữu Trình bệnh binh 2/3 (Liên Hiệp). Công tác đền ơn đáp nghĩa sâu rộng và hiệu quả bằng những việc làm cụ thể có ý nghĩa  đã tạo niềm tin cho gia đình chính sách vào chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước…

Công tác quy tập mộ liệt sĩ được Đức Trọng xác định là trách nhiệm của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, và là đạo lý đối với những người đã hy sinh xương máu vì nền đập lập thống nhất Tổ quốc. Việc tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ trong vùng căn cứ cách mạng Núi Voi thời gian qua tuy gặp nhiều khó khăn do quá trình xây dựng và phát triển, địa hình thay đổi quá nhiều, nhưng chính quyền địa phương đã phối hợp cùng cơ quan quân sự, hội cựu chiến binh tiến hành nhiều đợt kiểm tra, khảo sát và tìm kiếm đưa vào nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh 5 hài cốt liệt sĩ, chuyển 5 hài cốt liệt sĩ từ Lâm Đồng về các tỉnh (quê hương của anh hùng liệt sĩ) an táng theo nguyện vọng của gia đình.

Huyện Đức Trọng cũng đã xây dựng Đài tưởng niệm, nhà bia xã Hiệp Thạnh ghi danh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong những trận đánh bảo vệ căn cứ địa Núi Voi, tiến quân vào giải phóng thị xã Đà Lạt. Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành. Đây là công trình mang ý nghĩa tinh thần rất lớn trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ tiếp nối.

THÁI AN