Việt Nam là một quốc gia ven biển có bờ biển dài trên 3.200 km, có các vùng biển và thềm lục địa khoảng một triệu km2, gần 3.000 đảo nằm rải rác trên biển Đông từ Bắc chí Nam, bao gồm các đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm giữa biển...
Việt Nam là một quốc gia ven biển có bờ biển dài trên 3.200 km, có các vùng biển và thềm lục địa khoảng một triệu km2, gần 3.000 đảo nằm rải rác trên biển Đông từ Bắc chí Nam, bao gồm các đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm giữa biển. Biển và đảo ngày càng có vai trò quan trọng về nhiều mặt kinh tế, quân sự, chính trị... Vì vậy, lịch sử phát triển của đất nước ta luôn gắn chặt với việc bảo vệ các vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền của đất nước. Hiện nay, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện, Đại hội Đảng lần thứ X (2006) chỉ rõ: “Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế (...) nhanh chóng phát triển kinh tế - xã hội ở các hải đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Bản đồ Việt Nam thời Nguyễn vẽ khoảng năm 1838, đã vẽ “Hoàng Sa”, “Vạn Lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam. |
Theo luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và các Tuyên bố, các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước được ban hành trong mấy chục năm gần đây, Việt Nam có chủ quyền và quyền tài phán đối với những vùng biển và hải đảo của mình với các chế độ pháp lý khác nhau.
Việc sử dụng, khai thác biển là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Ngay từ buổi hoang sơ, qua những truyền thuyết của thời đại Hùng Vương (Lạc Long Quân - Âu Cơ, Mai An Tiêm, Tiên Dung – Chử Đồng Tử...) đã cho thấy nhân dân ta từ lâu đã biết khai thác, sử dụng lợi thế của biển và đảo. Trong quá trình tồn tại và phát triển của lịch sử mấy ngàn năm, dân tộc Việt Nam và các nhà nước kế tục quản lý đất nước luôn có ý thức bảo vệ biên giới lãnh thổ trên đất liền và ngoài biển, thể hiện chủ quyền trên biển và các hải đảo của đất nước mình.
Biển Đông có tài nguyên biển phong phú và đa dạng, đặc biệt là tài nguyên sinh vật, các đàn cá xuyên biên giới. Ở biển Đông, Việt Nam có khoảng 3.000 đảo, phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở hai khu vực vịnh Bắc bộ và Nam bộ. Những đảo, quần đảo ven biển có dân cư sinh sống như: Cô Tô, Cái Bầu (Quảng Ninh), Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Hòn Lớn, Hòn Tre (Khánh Hòa), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du (Kiên Giang)... Đặc biệt có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ngoài khơi phía Đông tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận vào đến các tỉnh Nam bộ, bao gồm nhiều đảo nhỏ, nhiều bãi cát ngầm, bãi đá, bãi san hô.
Khát vọng ra khơi. Ảnh Thanh Đạm |
Việt Nam ở vào vị trí một nước có biển rộng, bờ biển dài, nhiều đảo và quần đảo, tiếp giáp với nhiều nước láng giềng có biển hay không có biển và ở vị trí ngã ba đường hàng hải quốc tế. Trong những năm gần đây, nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật để dần dần tổ chức quản lý biển, đảo có hiệu quả, đồng thời xác định chủ quyền, quyền chủ quyền đối với các vùng biển, đảo của nước ta. Các văn bản ấy về cơ bản phù hợp với những quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Từ đầu năm 2012 đến nay, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, chủ yếu do phía Trung Quốc triển khai toàn diện các hoạt động nhằm thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý trên Biển Đông. Trước thực tế ấy, ngày 21/ 6/ 2012, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Biển Việt Nam, đây là một hoạt động lập pháp cần thiết trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến biển, đảo nước ta. Luật Biển Việt Nam đã góp phần xây dựng những quy chế pháp lý thể hiện quyền lợi chính đáng của nước ta; mở ra triển vọng thúc đẩy sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, các nước trong khu vực, xây dựng một cộng đồng nhiều quốc gia hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng.
BÌNH NGUYÊN