Hội thảo quốc tế về “Nghiên cứu ảnh hưởng của phóng xạ phóng thích từ sự cố Fukushima đến vùng biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương” tại Đà Lạt

03:08, 08/08/2012

“Nghiên cứu ảnh hưởng của phóng xạ phóng thích từ sự cố Fukushima đến vùng biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương” là chủ đề hội thảo quốc tế được tổ chức tại Đà Lạt trong 5 ngày từ 6/8 đến 10/8...

“Nghiên cứu ảnh hưởng của phóng xạ phóng thích từ sự cố Fukushima đến vùng biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương” là chủ đề hội thảo quốc tế được tổ chức tại Đà Lạt trong 5 ngày từ 6/8 đến 10/8. Tham dự hội thảo có đại diện Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA cùng đại diện 17 nước thành viên có ký thỏa thuận hợp tác RCA, trong đó có Việt Nam và 7 nước không phải thành viên.

Mục tiêu của hội thảo quốc tế về “ Nghiên cứu ảnh hưởng của phóng xạ phóng thích từ sự cố Fukushima đến vùng biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương” là dùng các kỹ thuật đo đạc hạt nhân để phân tích tồn dư của phóng xạ thải ra môi trường biển từ sự cố xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản, hướng dẫn các nước thành viên và chưa phải thành viên kỹ thuật đo đạc phóng xạ nhằm đánh giá mức độ nhiễm phóng xạ trong vùng biển nước mình để kịp thời có biện pháp xử lý và những cảnh báo cần thiết đối với con người.

Dự án này được thành lập cách đây hơn một năm sau khi xảy ra sóng thần và động đất 9 độ richter gây sự cố hạt nhân tại Fukushima Nhật Bản. Dự án do 4 nước tài trợ là: Mỹ, Nhật Bản, Australia và  Newzeland. Theo PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thì mức độ phóng xạ tại vùng biển Thái Bình Dương của Việt Nam, trong đó có Vịnh Hạ Long không  trầm trọng lắm, nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi để tìm hiểu mức độ tồn dư lâu dài của phóng xạ trong môi trường biển của Việt Nam, vì đất nước Việt Nam có chiều dài bờ biển hơn 3.000km và nhất là Việt Nam cũng đang chuẩn bị xây dựng Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

BÍCH VÂN