Làng hoa Thái Phiên đón 4.000 lượt khách tham quan

02:08, 02/08/2012

Sau hơn 2 năm được công nhận là làng nghề truyền thống, Làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt ước tính đã đón trên dưới 4.000 lượt khách đến tham quan du lịch...

Sau hơn 2 năm được công nhận là làng nghề truyền thống, Làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt ước tính đã đón trên dưới 4.000 lượt khách đến tham quan du lịch, tìm hiểu quy trình canh tác các loài hoa cắt cành cao cấp, mở ra nhiều cơ hội mới về hợp tác đầu tư phát triển trước mắt cũng như lâu dài.

Hoa cúc của Làng hoa Thái Phiên tại Không gian hoa sân Golf, Đà Lạt
Hoa cúc của Làng hoa Thái Phiên tại Không gian hoa sân Golf, Đà Lạt


Theo Hội Nông dân phường 12, Đà Lạt, với hơn 4.000 lượt khách đến tham quan Làng hoa Thái Phiên trong hơn 2 năm qua, được tổ chức thành khoảng 80 đoàn của các tỉnh, thành trong nước và các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… Không chỉ có khách tham quan du lịch, chụp hình lưu niệm với muôn sắc hoa, mà chiếm phần lớn trong đó là khách doanh nhân, các nhà khoa học nông nghiệp, nhà sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu; sinh viên các trường đại học chuyên ngành nông nghiệp trong nước… cùng đến nghiên cứu về các mô hình nhà kính, các chủng loại hoa, các hệ thống phun tưới, chiếu sáng, tìm hiểu về thu hoạch và thị trường tiêu thụ… Phường 12 đã thành lập một tổ công tác Làng hoa Thái Phiên, phân công từng thành viên thường trực tại trụ sở UBND phường để đón và hướng dẫn tham quan theo lịch trình hoặc theo yêu cầu từng ngày của từng đoàn khách khác nhau. Những thành viên của tổ công tác này thường xuyên được Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Đà Lạt tổ chức tập huấn các kỹ năng nghiệp vụ du lịch, đáp ứng cơ bản yêu cầu phục vụ “du lịch hoa” cho các đối tượng khách khác nhau.
 
Để thu hút một lượng khách đáng kể nêu trên, nông dân Thái Phiên, Đà Lạt đã tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tận dụng những ưu đãi của thổ nhưỡng, khí hậu để tạo ra những lợi thế so sánh mới về giống, kỹ thuật canh tác các loài rau và hoa tại địa phương. Hoạt động nổi bật hàng năm về hợp  tác, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân Thái Phiên là: Hàng năm phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, Phòng Kinh tế và Trung tâm Nông nghiệp thành phố Đà Lạt tổ chức khá nhiều các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật xây dựng nhà kính, nhà lưới, sử dụng màng nhựa PE; lắp đặt các hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt; quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón trên nhiều đối tượng cây trồng, nhất là các giống hoa cắt cành cao cấp… Cụ thể đã phối hợp với Công ty Bóng đèn điện quang thành phố Hồ Chí Minh tập huấn cho nông dân về kỹ thuật lắp đặt hệ thống điện trong sản xuất; cách sử dụng các thiết bị điện vừa an toàn tiết kiệm, vừa phát huy hết khả năng hấp thụ ánh sáng của cây trồng. Và, cùng với Công ty Đà Lạt Hasfarm mở các lớp tập huấn cho nông dân về các phương pháp bảo quản hoa cắt cành sau thu hoạch; phối hợp với Ban Quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng mở các lớp đào tạo chuyên đề “Phát triển kinh tế hộ gia đình” cho 35 hộ nông dân; và mở lớp đào tạo chuyên đề “Thực hành nông nghiệp tốt” cho 28 hộ nông dân đã được cấp Chứng Nhận VietGap trong Liên minh sản xuất trà Atisô với doanh nghiệp Ngọc Duy, Đà Lạt.

Ngoài ra, phường 12, Đà Lạt cũng đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp thành phố Đà Lạt triển khai các mô hình sản xuất điểm trên 16 hộ gia đình nông dân, gồm mô hình trồng rau, hoa chất lượng cao và mô hình nhà kính chất lượng cao; mô hình tưới nhỏ giọt… Đồng thời đã tổ chức 4 đoàn đại biểu nông dân của phường đi tham quan học tập các mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao ở các khu vực như phường 7, Đà Lạt; Công ty Rừng hoa Đà Lạt; Công ty Báo Đáp, Lạc Dương; Công ty Ánh Dương và Công ty Kim Phát ở Đức Trọng. Đến nay, phường 12, có trên 70% số hộ nông dân (khoảng 810 hộ) ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp với 320 ha hoa nhà kính, tăng 20 ha so với năm 2011. Bình quân giá trị sản xuất trồng hoa cúc cắt cành các loại đạt từ 550 – 600 triệu đồng/ha/năm, trồng hoa lily đạt trên dưới 1 tỷ đồng/ha/năm, trồng rau các loại đạt từ 250 – 300 triệu đồng/ha/năm. Hy vọng đây là những con số tiếp tục ổn định và phát triển trong thời gian tới, qua đó tạo ra sự hấp dẫn mới, lôi cuốn ngày một nhiều hơn lượng du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và hợp tác nâng cao hơn nữa giá trị thương hiệu của Làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt.

VĂN VIỆT