Người làm nên thương hiệu Trà Hoa từ tình yêu Đà Lạt

04:08, 22/08/2012

Là một người con của thành phố hoa, những trò chơi đồ hàng trẻ con bên bờ tường ta ly, trên triền đồi hoa vàng ngày nào cứ theo chị lớn dần để Nguyễn Hồ Châu Anh luôn ấp ủ ý tưởng phải tự tay tạo ra một sản phẩm làm từ hoa, mà chỉ cần nhìn thấy nó là nhớ ngay đến Đà Lạt.

Là một người con của thành phố hoa, những trò chơi đồ hàng trẻ con bên bờ tường ta ly, trên triền đồi hoa vàng ngày nào cứ theo chị lớn dần để Nguyễn Hồ Châu Anh luôn ấp ủ ý tưởng phải tự tay tạo ra một sản phẩm làm từ hoa, mà chỉ cần nhìn thấy nó là nhớ ngay đến Đà Lạt.

 Chị Châu Anh kể với tác giả về niềm đam mê của mình
Chị Châu Anh kể với tác giả về niềm đam mê của mình


Niềm mơ ước và tình yêu lớn đó thôi thúc chị để ngay cả việc chọn cho mình ngành công nghệ sinh học tại Trường Đại học Đà Lạt như một sự mặc định. Trong suốt hơn 20 năm qua, ngoài công việc của một nhà khoa học tại Viện Sinh học Tây Nguyên, chị Châu Anh luôn mày mò làm rất nhiều thứ từ hoa: móc khoá hoa, tranh làm bằng những cánh hoa, rượu hoa… Ngay từ lúc tuổi trẻ, thành phố tổ chức bất cứ cuộc thi cắm hoa nào, chị cũng tham dự và lần nào cũng đoạt giải. Hoa chị cắm không phải là những loài kiêu sa, mà chỉ là những loài hoa dại, qua sự tinh tế của chị cũng trở thành tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ chỉ có chị mới dám đưa cúc quỳ vào một cuộc thi cắm hoa lớn và trang trọng gọi cúc quỳ là “Vệ đường hoa”. Cả trong những hội thi nấu ăn, chị cũng khéo léo làm các món ăn bổ dưỡng từ hoa: gỏi hoa, lẩu hoa, gây ấn tượng và cảm xúc cho thực khách có chung tình yêu Đà Lạt giống chị.

Am hiểu: Hoa không chỉ làm đẹp cuộc sống, mà còn là những thảo dược quý, chị đã đổ nhiều công sức để thử nghiệm làm trà từ hoa. Những loài hoa dại ở Đà Lạt có công dụng tốt cho sức khỏe như: hồng tường vy, bồ công anh, cúc, kim châm, bướm bạc kết hợp với lài, sen và một số thảo dược như linh chi, mướp đắng, được chị dùng công nghệ sinh học, ướp sấy khô bằng phương pháp độc đáo, để cánh hoa vừa giữ nguyên màu sắc và hương thơm vốn có của nó, chứ không khô quắt khô queo như các loại trà vò khác. Với suy nghĩ ban đầu là làm ra để dùng, chị đã uống trà hoa trong nhiều năm và kết quả là làn da luôn trắng hồng, sức khỏe ổn định, tinh thần tươi trẻ. Khi được bạn bè hỏi “bí quyết”, chị mang sản phẩm ra biếu tặng và nhận được sự ủng hộ, động viên, khích lệ của rất nhiều người. Vào đúng dịp Festival Hoa 2012, chị mạnh dạn đưa sản phẩm Trà Hoa của mình giới thiệu ra thị trường và nhìn thấy được niềm hứng khởi đặc biệt nơi người thưởng lãm.
 
Khác với các sản phẩm trà khác, trà hoa không chỉ bồi bổ sức khỏe mà còn mang giá trị tinh thần rất lớn. Khi rót nước sôi vào ly, những cánh hoa, bông hoa đủ màu sắc từ từ xòe ra, khiến người uống như đang được ngắm hoa nở trên những bờ tường vy lúc lỉu những chùm, những nụ, thấy được cả sắc vàng của bồ công anh trên triền đồi trong buổi sáng ngập nắng và cả những quả cầu trắng bay lên tan ra, cuốn đi những sợi tơ trong một cơn gió chiều… Nhìn vào ly trà trong làn nước có thể thấy rõ, gọi thành tên những cánh hoa đủ sắc màu: màu trắng của hoa cúc, bướm bạc, lài, màu vàng của bồ công anh, kim châm, màu hồng của tường vy, sen… Hoa hòa quện vào nhau, phai ra thành một thức uống vàng sánh màu mật ong, để khi nâng chén trà lên sẽ cảm nhận hương thơm dịu dàng của hoa. Tuy nhiên, nếu chỉ có vị ngọt thôi sẽ không phải là trà, chị Châu Anh đã khéo léo dùng nấm linh (là sản phẩm cấy trồng bằng công nghệ sinh học của Viện Sinh học nơi chị công tác) tạo vị đắng cho trà. Vào những mùa không có nấm, chị lại dùng mướp đắng thay thế. Vị đắng đã khiến khi uống vào dư vị ngọt ngào của trà vẫn đọng lại mãi không thôi.

Chỉ cầm trên tay gói trà thôi cũng đủ thấy sự kỳ công, tỉ mỉ của chị. Trà mộc là tập hợp những cánh hoa được tẩm, sấy khô, còn trà túi lọc được làm tinh tế hơn, xay nhỏ, đóng gói vào giấy lọc, nhưng chị không quên cho vào mỗi túi hai bông hồng tường vy cũng được sấy khô. Nên dù uống trà túi lọc, hay trà mộc, người thưởng lãm vẫn được ngắm hoa, và có cảm giác như đang được uống cả đất trời Đà Lạt thanh khiết. Để có nhiều hoa dại làm trà, chị liên kết hướng dẫn những người nông dân (xưa nay vẫn đồng hành với chị trong nhiều sản phẩm nông nghiệp, chuyển giao giống mới) trồng tường vy trên các bờ rào, khi làm vườn giữ lại những khóm bồ công anh, bướm bạc, kim châm bên mép hiên nhà, trước sân, góc vườn để hoa sinh sôi, vừa làm nguồn nguyên liệu, vừa làm đẹp thành phố.  

Ngôi nhà của chị ở số 3 Ma Trang Sơn - phường 5 - Đà Lạt, vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi giới thiệu sản phẩm. Ngày thì bận rộn công việc ở cơ quan, tối về chị lại làm trà, nhưng trước một người phụ nữ luôn vui vẻ, có làn da trắng hồng dù đã ở tuổi 48, không ai nghĩ chị đã trải qua những tháng ngày vất vả khi hai con còn nhỏ mà vẫn luôn “đèo bòng” niềm đam mê. Để đến hôm nay, có mặt trên thị trường mới được hơn 7 tháng nay, nhưng Trà Hoa Đà Lạt đã khẳng định thương hiệu và có mặt không chỉ các tỉnh, thành trong nước mà cả ở những thị trường khó tính như Nhật, Úc, Pháp. Sản phẩm làm ra bao nhiêu được khách hàng đón nhận bấy nhiêu. Đó là niềm vui, niềm mong ước của chị để đảm bảo cuộc sống của 15 lao động đang chung tay cùng chị làm nên Trà Hoa. Chị vẫn nuôi dưỡng không dứt những dự định sẽ cho ra nhiều dòng sản phẩm nữa với tên gọi khác nhau, với thành phần hoa khác nhau và có công dụng khác nhau. Mong cho hương thơm của hoa Đà Lạt sẽ theo Trà Hoa bay đi khắp nơi, khắp chốn.

QUỲNH UYỂN