“Ta bạc tóc này cho núi mãi xanh tươi”

04:08, 16/08/2012

Trước khi chuyển về Báo Lâm Đồng làm việc (1991), tôi may mắn đọc được khá nhiều tác phẩm báo chí và thơ ca của Hà Linh Chi.

Trước khi chuyển về Báo Lâm Đồng làm việc (1991), tôi may mắn đọc được khá nhiều tác phẩm báo chí và thơ ca của Hà Linh Chi. Thế rồi, suốt mấy năm làm việc cùng anh trong một cơ quan (Báo Lâm Đồng, từ 1991 đến 1994 - năm Hà Linh Chi từ giã cõi đời), tôi nhận ra một Hà Linh Chi khá ngang tàng trong cách sống (hình thức) nhưng vô cùng nhân hậu và hết sức sắc bén trong cách nhìn đời.

Hôm chúng tôi (anh, tôi và một nhà báo khác) cùng nhau ngồi nhâm nhi ở cầu thang chợ Đà Lạt, bỗng một cơn mưa chợt ào đến làm ướt sũng cả đất trời. Cơn mưa không gợi trong tôi một “ý” gì về báo chí. Cả ba người chúng tôi ngồi trầm ngâm; thỉnh thoảng mới gượng gạo chọc nhau một câu tếu táo gì đó như thể muốn phá tan bầu không khí não nề dưới cầu thang chợ Đà Lạt trong cơn mưa chừng như không dứt. Ấy nhưng sau đó, nhà báo Hà Linh Chi đã có một bút ký rất hay: “Số phận dưới những chiếc dù”, in trên Báo Lâm Đồng số ra ngày 30/3/1993. Mở đầu “Số phận dưới những chiếc dù”, nhà báo Hà Linh Chi viết: “Cơn mưa đầu mùa ở Đà Lạt mới khoái hoạt làm sao! Những cột nước lâu ngày ẩn ức từ những đám mây đen tụ thành một làn khí lạnh đã dội xuống rừng thông và phố phường ba giờ đồng hồ. Trận mưa tươi tắn và dữ dội. Điều mà xưa nay người đời nói, bây giờ tôi mới thấy “Nắng bao nã - mưa trả thù” và ngược lại…”. Đó là phần mở đầu. Bút ký “Số phận dưới những chiếc dù” của anh như một truyện ngắn nên đây là phần “nút thắt”: “Không biết vì sao, thằng bé cầm gậy chọc lên mái dù. Một cột nước ào xuống, té tát cả vào nồi nước chan bún. Ông bố đứa bé quát ầm lên “Mày làm vậy, thủng dù thì sao?”. Đứa bé bẽn lẽn khép nép dưới mưa”. Rồi, anh “mở” một cách rất kín: “Dưới những chiếc dù có nhiều số phận. Người dựa vào chiếc dù này, người dựa vào chiếc dù kia… Nhưng rồi suy cho cùng, ông già bán cơm nói có lý: “Mày chọc thủng dù tao, thì lấy gì để sống?”. Chiếc dù màu, chiếc dù xám, chiếc dù nâu - những tai nấm mồ côi đang chở che cho một đời người. Rất may, trận mưa dài không có một cơn lốc. Nếu không, sẽ lật tung hết và… ướt sũng dưới mưa”. Những năm sau đó, khi đọc lại bút ký này, tôi học được nhiều điều ở nhà báo Hà Linh Chi lắm!

Dẫu bề ngoài khá ngang tàng nhưng bên trong, không chỉ là một nhà báo có cái nhìn sắc sảo mà Hà Linh Chi còn là một nhà thơ có trái tim hết sức nhân hậu. Trước khi cầm súng ra trận để làm báo và viết văn, nhà thơ Hà Linh Chi là một nhà giáo (anh từng dạy học ở Hà Bắc, đến năm 1971 thì vào Nam chiến đấu). Một trong những câu thơ hay và được xem là cách sống của Hà Linh Chi là bài “Núi Truồi” (tên một ngọn núi ở quê hương Thừa Thiên Huế của anh): “Ta bạc tóc này cho núi mãi xanh tươi”. Nhưng có lẽ, với quê hương Lâm Đồng - nơi anh đã sống và viết, một trong những tác phẩm thành công của nhà thơ Hà Linh Chi cần được nhắc đến là “Giai điệu của đá” - một tác phẩm viết về đàn đá Tây Nguyên: “Bao cuộc đời trên mạch đá rêu phong/Bao ngọn lửa tàn vào hoang lạnh/Bao chiếc lá chìm trong suối vắng/Sớm nay về trong tiếng đá vang ngân/…/Em hãy nhập vào xa thẳm thời gian/Từ tiếng gõ rất êm trên mặt đá/Nghe lịch sử nghìn năm về rạng rỡ/Bên ché rượu cần và ngọn lửa tình yêu”. Hà Linh Chi nổi tiếng là “ngông nghênh, ngang tàng”. Quả thực, qua mấy năm sống và cùng làm việc với anh, nhất là qua những tiệc rượu, tôi cũng nhận ra điều ấy. Nhưng, không phải lúc nào anh cũng thế. Một buổi sáng nọ, anh đích thân đạp xe đến khu tập thể 14 Hùng Vương “vời cho được thằng em” là tôi đến anh uống rượu. Trước lúc rót rượu, anh giục tôi ăn nhanh tô bún thịt nướng. Tôi “dạ” một cách ngoan ngoãn rồi tự tay rót ra hai ly rượu và đề nghị: “Chào buổi sáng trước đã, anh nhé?”. Cứ như thể chờ có vậy, anh ngay lập tức đưa tay cầm ly rượu! Nhìn bàn tay anh, tôi chợt nhận ra một điều và bỗng thắt lòng: Tuổi hơi quá năm mươi của anh đâu thể gọi là già! Ấy vậy mà đôi bàn tay xương xẩu và sạm màu sương gió ấy của anh lại cứ run lẩy bẩy! Bữa rượu hôm đó với tôi không còn “ngọt” như những lần trước mà tôi với người đàn anh đồng nghiệp vẫn “chén thù chén tạc”! Tôi im lặng với ly rượu trong tay và đưa mắt dõi về phía trời xa. Còn anh, sau vài ly “lên dây cót”, lại nói cười rổn rảng. Hà Linh Chi nhìn ra đường, nơi có mấy cô gái trẻ đang ngang qua, rồi đọc “vào hư không” một câu thơ của anh viết về vùng kinh tế mới: “Cứ thấy đất là muốn cầm lấy cuốc!”, và cười khà khà!

Chẳng bao lâu sau, Hà Linh Chi mất. Anh, nhà báo và là nhà thơ của Báo Lâm Đồng, mất đúng vào ngày Báo chí Việt Nam 21/6/1994. Giờ, ngồi nghĩ lại, lại nhớ anh với câu thơ “Ta bạc tóc này cho núi mãi xanh tươi”; rồi lại nhớ đến câu “Cứ thấy đất là muốn cầm lấy cuốc” cùng với giọng cười khà khà đến là hào sảng của Nguyễn Đệ (tên thật của nhà báo - nhà thơ Hà Linh Chi)!

Khắc Dũng