Những gia đình cách mạng gương mẫu ở Đạ Huoai

02:08, 05/08/2012

Chỉ là 4 trong 35 gia đình chính sách được UBND huyện Đạ Huoai khen thưởng vì những thành tích xuất sắc trong phong trào phấn đấu trở thành “Người công dân kiểu mẫu, Gia đình cách mạng gương mẫu” của huyện gần đây...

Chỉ là 4 trong 35 gia đình chính sách được UBND huyện Đạ Huoai khen thưởng vì những thành tích xuất sắc trong phong trào phấn đấu trở thành “Người công dân kiểu mẫu, Gia đình cách mạng gương mẫu” của huyện gần đây, họ đã và đang có những đóng góp hết sức tích cực cho cộng đồng thôn xã của mình.

Lương Văn Thanh - Tự mình nêu gương vượt khó

Rất nhiều người dân ở thôn Phước An - xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, khi hỏi đều biết ông Lương Văn Thanh. Là một thương binh, một gia đình chính sách của xã nhưng không trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà nước, ông đã tự mình vươn lên trong làm ăn, nêu một tấm gương tốt thương binh vượt khó trong xã.

Là người TP HCM, sinh năm 1956, ông tham gia cách mạng rất sớm, năm 1967, khi chỉ 11 tuổi. Từ thành phố ra bưng biền, ông công tác tại E 814 Cục Hậu cần miền Nam và sau đó tham gia chiến đấu ở nhiều nơi trên đất Lâm Đồng. Sau giải phóng ông tiếp tục làm việc tại Công an Lâm Đồng và được phân công về Công an Đạ Huoai. Do thương tật từ thời chiến đấu, năm 1986, ông nghỉ theo chế độ bệnh binh 2/3, mất sức 61%.

Để có đất sản xuất, từ thị trấn Madagui ông cùng gia đình tình nguyện đi xây dựng kinh tế mới tại Phước Lộc, một xã vùng sâu mới thành lập gần đây của Đạ Huoai. Tại đây, với 1 ha đất được cấp, ông cùng gia đình trồng cây ăn trái, đào ao nuôi cá, chăn nuôi heo, gà vịt. Nhà sát đường, vợ mở quán nước, ông sửa xe, vá xe máy. Gần đây ông đã trồng được 5 sào cao su. Chăm chỉ làm việc cả ngày, tùy theo sức của mình mà làm, lấy ngắn nuôi dài, ông cùng vợ đã nuôi dạy 4 đứa con khôn lớn, dựng vợ gả chồng, có công ăn việc làm. Từ mái nhà tôn tạm bợ, nay ông đã xây được một căn nhà cấp 4 khá khang trang. “Xã, huyện rất quan tâm, vẫn thường xuyên thăm hỏi động viên nhưng dù là thương binh mình cũng không nên ỷ lại, cố gắng làm việc, làm được việc gì có ích thì làm” - ông Thanh tâm niệm.  

K’Đáy - Già làng tiêu biểu

Già làng K’ Đáy
Già làng K’ Đáy

Năm nay đã 73 tuổi, già làng K’Đáy, người Châu Mạ, thôn 2, xã Đạ Oai - Đạ Huoai tham gia cách mạng từ lúc rất trẻ, năm 1965, ông lên Bảo Lộc, vào chiến khu vùng Lộc Bắc làm giao liên rồi tham gia chiến đấu. Sau giải phóng ông về làm Xã đội trưởng tại xã Đạ Oai khá lâu, rồi nghỉ theo chế độ bệnh binh. Hiện nay dù lớn tuổi ông vẫn tham gia công tác xã hội, là Chi hội phó Hội Cựu chiến binh xã.

Ở nhà, để sinh sống, ông cùng gia đình làm ruộng, trồng mía (3 sào), trồng mì (gần 1ha). Là già làng, ông tích cực tham gia các hoạt động trong thôn, buôn, thường xuyên đến nhà vận động người dân chấp hành các chính sách của nhà nước, xây dựng gia đình văn hóa, vận động người dân giữ gìn thôn xóm sạch sẽ, đoàn kết xây dựng nông thôn mới, ăn ở có vệ sinh, không ma chay cưới hỏi linh đình tốn kém. Với uy tín của mình, ông phối hợp với chính quyền địa phương vận động các gia đình đưa con em đến trường, vận động học sinh bỏ học đi học lại “Phải nói cho bố mẹ chúng biết là chỉ có chịu khó học mới biết đường mà làm ăn”.  

Trong năm 2011, K’Đáy là một trong những già làng tiêu biểu của huyện Đạ Huoai được vinh dự tham dự Hội nghị già làng tiêu biểu của tỉnh.

Ka Đép - Chỉ mong người phụ nữ bớt khổ

Bà Ka Đép
Bà Ka Đép

Năm nay 68 tuổi, có lẽ Ka Đép, người Châu Mạ ở Thôn 1, Đạ Ploa là một trong những cán bộ người dân tộc thiểu số làm công tác phụ nữ ở cấp xã vào hàng lâu năm của huyện Đạ Huoai. Bà cho biết đã làm công tác này… 28 năm cho đến khi nghỉ hẳn vào năm 2006.

Tham gia cách mạng từ năm 1961, khi còn nhỏ, Ka Đép kể đã đi khắp vùng Đồng Nai Thượng, từng chiến đấu ở chiến khu Lộc Bắc. Năm 1972 bà được cử về tham gia du kích tại xã nhà Đoàn Kết của Đạ Huoai. Sau giải phóng bà công tác ở bộ phận công an xã một thời gian rồi chuyển sang Hội Phụ nữ xã cho đến khi nghỉ.

Là một thương binh, một cán bộ phụ nữ xã và thôn, bản thân bà phải luôn gương mẫu đi đầu trong mọi việc. Gia đình bà có một con gái nay cũng theo  gương mẹ làm việc ở phụ nữ xã. Trong thời gian công tác cho Hội Phụ nữ xã, điều đáng nhớ nhất với bà là việc tham gia vận động bà con người Châu Mạ trong thôn, trong xã giảm bớt sinh để nuôi dạy con cho tốt. Bất cứ lúc nào cần là bà cũng đi, đến tận nhà để kiên trì vận động, nếu chủ nhà đi làm vắng nhà, bà lại đến vào sáng sớm hoặc buổi tối cho đến khi thuyết phục được.

Điều vui nhất theo Ka Đép là nhiều gia đình người dân tộc thiểu số nơi bà sống nay đã biết kế hoạch hóa gia đình. Ít con, có thời gian làm ăn nên nhiều nhà dần cũng có cái ăn cái mặc, con cái được chăm sóc tử tế hơn , được đến trường. “Tôi chỉ mong người phụ nữ dân tộc tôi bớt khổ” - bà nói.

Hoàng Biên Hòa - Gia đình hiếu học
 
Với thương binh Hoàng Biên Hòa, Thôn 6, Madagui, Đạ Huoai, gia tài lớn nhất của gia đình ông chính là những đứa con. Quê Thanh Hóa, sinh năm 1954, ông tham gia chiến trường miền Nam, năm 1979 sang chiến đấu ở Campuchia và bị thương ở đó. Năm 1981 ông ra quân với thương tật 4/4, về quê rồi lập gia đình, vợ là giáo viên người cùng xã. Ông vào Lâm Đồng lập nghiệp năm 2005 vì… đi theo con. Đó là lúc cô con gái đầu của ông đậu vào ngành sư phạm Đại học Đà Lạt. Để gần con ông thử vào Lâm Đồng, thấy sinh sống được ông đã bán hết nhà cửa ở quê để vào mua nhà, mua đất lập nghiệp tại thị trấn Madagui, Đạ Huoai.

Là Trưởng ban Mặt trận thôn, thành viên tích cực của Hội Cựu chiến binh thị trấn, ông tích cực tham gia công tác xã hội, đặc biệt là việc vận động xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư, vận động đưa con đến trường học. Gia đình ông nêu tấm gương tốt trong cộng đồng về một gia đình hiếu học. “Gia đình tôi vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng dù khó mấy chúng tôi vẫn động viên, cố nuôi con ăn học để thành người có ích cho xã hội. Làm được điều này là chúng tôi vui rồi” - ông Hòa nói.

Gia Khánh