Cứ ngỡ rằng tương lai sẽ rộng mở nhưng nào ngờ cái ngày định mệnh ấy đã đến, đó là một buổi chiều cuối tuần bác sĩ đã phát hiện ra khối u nơi bán cầu não trái. Và từ đó, cuộc đời Thể Hạnh sang trang.
Từ nhỏ đến lớn, cô gái Lê Dương Thể Hạnh (sinh năm 1981, ngụ tại 84b/2 đường Hoàng Diệu, phường 5, thành phố Đà Lạt) luôn là niềm tự hào của thầy cô, cha mẹ về thành tích học tập của mình. Năm 2003, Hạnh đã tốt nghiệp đại học, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và nhân văn, thành phố Hồ Chí Minh, khoa Đông Phương, ngành Nhật Bản. Sau tốt nghiệp, cô làm thông dịch viên trong một công ty nước Nhật về ngành sản xuất gỗ. Cứ ngỡ rằng tương lai sẽ rộng mở nhưng nào ngờ cái ngày định mệnh ấy đã đến, đó là một buổi chiều cuối tuần bác sĩ đã phát hiện ra khối u nơi bán cầu não trái. Và từ đó, cuộc đời Thể Hạnh sang trang.
Chiếc máy vi tính là cầu nối giữa Thể Hạnh với bạn bè và thế giới bên ngoài… |
Những ngày tháng sau đó đối với Hạnh như những cơn ác mộng, cô liên tục trải qua ba lần phẫu thuật, 27 lần xạ trị với biết bao đau đớn không bút mực nào tả xiết… Lần thứ ba lên bàn mổ đã mang lại sự sống, chấm dứt những cơn đau kéo dài, nhưng cũng là lúc cô ngậm ngùi chia tay với ánh sáng, trở thành người khuyết tật nặng khi cả hai chân không đi lại được, hai tay yếu đến nỗi không cầm được bát đũa để ăn, một bên tai trái hoàn toàn vô cảm, chỉ còn lại thính lực không trọn vẹn của tai phải. Chưa hết, giọng nói lưu loát của một thông dịch viên ngày nào không còn nữa vì cơ miệng bị lệch hẳn sang phía phải, phát âm cũng theo đó bị biến dạng. Và dĩ nhiên, một điều không thể tránh khỏi là mọi sinh hoạt của cô đều trở nên phụ thuộc, mối tình thơ mộng gần một thập kỷ ngỡ rằng sẽ đơm hoa kết trái cũng dở dang không đoạn kết.
Chín tháng mười ngày mẹ mang nặng đẻ đau và hơn ba mươi năm nuôi con khôn lớn ăn học thành người, bây giờ tình thương bao la của người mẹ, người cha già của cô đã vực dậy sức mạnh tinh thần của cô con gái đứng lên đương đầu với bệnh tật. Rồi chẳng biết tự bao giờ, những bài tập nhẹ nhàng, đơn giản, đã giúp Hạnh có thể ngồi dậy, tự cầm bát đũa để ăn, tự cầm ly để uống. Bình thường lắm, đơn giản lắm, song lại là niềm vui khôn xiết. “Ngày bác sỹ quyết định tháo ống hỗ trợ tiêu hóa là ngày tôi vui mừng khôn xiết, điều ấy không chỉ là kết quả khả quan ngoài mong đợi, mà đó còn là bước đệm đầu tiên thêm niềm tin suốt quá trình luyện tập” - Hạnh tâm sự.
Chiếc cầu nối với bè bạn, thế giới bên ngoài là chiếc máy vi tính. Màn hình máy tính rất hiếm khi bật lên, Thể Hạnh dạy học tiếng Việt cho những người cùng hoàn cảnh ở bên kia quả địa cầu bằng chương trình dành cho người khiếm thính. |
Sau khi tiếp nhận ca phẫu thuật cuối cùng, cô gái thông dịch viên trở thành đứa bé tuổi 30, mỗi buổi chiều ba đưa cô đến sân trường tiểu học gần nhà để luyện tập. Những âm thanh thân thương năm nào trở lại, lời cô giáo giảng cùng tiếng đánh vần lảnh lót của các em dường như làm cuộc sống vui hơn và rồi cô lập bập đọc theo lũ trẻ. Cứ như vậy, Hạnh nói mỗi lúc một rõ, và phần nào thuận lợi hơn trong sinh hoạt hằng ngày. Ngày tháng trôi qua, mọi sự cố gắng đều mang lại kết quả tốt, cô gái liệt cả hai chân, có thể tự đứng lên và vịn tường để di chuyển. Cùng với đồng hành của người cha già trong mỗi buổi chiều trong sân trường tiểu học, cô chập chững bước đi giữa đời. Nhưng người cha đang mang bệnh hở van tim, mỗi ngày một già yếu không thể dìu dắt con gái đi tiếp quãng đường đầy chông gai phía trước. Hạnh vẫn đều đặn mỗi ngày luyện tập với nghị lực phi thường.
Gần một năm nay, Hạnh đã tham gia vào Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng, và chính môi trường này là nguồn động lực để làm những việc còn dở dang. Ở môi trường này, cô nhận ra nhiều số phận kém may mắn hơn mình, và bản thân tự nhủ sẽ vận dụng kiến thức đã dày công khổ luyện truyền đạt lại cho các em khiếm thính.
Để rút ngắn khoảng cách đến với ước mơ, Hạnh đã tập trung học vi tính. Đến đây cô lại gặp trở ngại khác, đó là cái khó lớn nhất là người mù sử dụng máy tính chủ yếu dựa vào tai và tay, nhưng cả thính giác và xúc giác của Hạnh đều không trọn vẹn làm cho vấn đề đã khó lại càng thêm khó.
Hạnh từng bước làm quen với môi trường mới và tiếp cận “công việc” mới. Đó là dạy tiếng Anh cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài thông qua mạng internet. “Công việc” đó chỉ thuần túy mang tính tinh thần, hoàn toàn không có thu nhập. Lớp học khá đặc biệt, cả cô, cả trò, kẻ trong Nam, người ngoài Bắc, thậm chí tận nước Mỹ xa xôi; đều là người khiếm thị; trao nhau hơi ấm của tình người và sự đồng cảm giữa những mảnh đời bất hạnh. Vì chuyên môn của Thể Hạnh là tiếng Nhật; nhưng từ khi sự cố trên, bản thân hầu như không còn cơ hội để tìm hiểu sâu hơn lĩnh vực này. Một mặt, do tính đặc thù của ngôn ngữ, tiếng Nhật là loại chữ tượng hình nên rất khó giảng dạy qua mạng internet. Bên cạnh đó, kiến thức mà Hạnh dày công khổ luyện bao năm trên giảng đường nay vẫn có ích cho đời. Cụ thể là lá thư kêu gọi giúp đỡ người mù trong đợt Tết Tân Mão vừa qua bằng tiếng Anh và tiếng Nhật đã đem lại kết quả khả quan. Điều ấy không chỉ mang hơi ấm tình thương đến cho tập thể anh chị em khiếm thị, mà còn “đánh thức mùa xuân” bị lãng quên suốt 4 năm qua.
Hiện tại, Hạnh đã được những người bạn đồng tật trân trọng gọi hai tiếng cô giáo, Hội Người mù đã trở thành nơi sinh hoạt thân quen. Điều chúng tôi khâm phục cô hơn khi mỗi ngày Hạnh dành hơn 5 giờ để tập luyện các bài tập về vận động, để duy trì cải thiện sức khỏe. Tâm sự với chúng tôi Hạnh không ngừng kể về những thân phận, những em bé trong Hội Người mù – nơi cô sinh hoạt. Cô mong rằng, sẽ có nhiều tổ chức cá nhân giúp đỡ các em để các em giảm bớt đi những gánh nặng, sớm hòa nhập với cộng đồng.
Đặng Tuấn