Thiếu phòng học cho khối mầm non

03:08, 19/08/2012

Cơ bản đủ lớp học cho năm học mới 2012- 2013. Tuy nhiên, trong ngành học mầm non, Lâm Đồng thiếu đến trên 200 phòng học cho các trường trong tỉnh.

Cơ bản đủ lớp học cho năm học mới 2012- 2013. Tuy nhiên, trong ngành học mầm non, Lâm Đồng thiếu đến trên 200 phòng học cho các trường trong tỉnh.

Theo Sở GD-ĐT Lâm Đồng, tính đến cuối năm học vừa qua, toàn tỉnh có 675 trường học, bao gồm 200 trường mầm non, 251 trường tiểu học, 149 trường trung học cơ sở, 59 trường trung học phổ thông, 6 trung tâm giáo dục thường xuyên (bổ túc), 7 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, 2 trường khuyết tật. So với năm học trước đó, Lâm Đồng đã tăng thêm 14 trường và trong năm nay sẽ có thêm một số trường mới thành lập từ việc tách cấp trung học cơ sở khỏi trung học phổ thông ở các trường có cùng 2 cấp và đặc biệt là thành lập mới thêm một số trường mầm non ở các xã chưa có. Tổng số vốn đầu tư cho việc xây dựng trường lớp năm 2012 là 312,45 tỷ đồng, hơn gần 100 tỷ so với năm trước đó (năm 2011, số vốn này chỉ là 220 tỷ). Trong số vốn này, ngân sách tỉnh 220,6 tỷ đồng (từ nguồn xổ số kiến thiết, sử dụng đất, ngân sách tập trung …), vốn chương trình mục tiêu quốc gia 67,14 tỷ đồng (riêng phần sử dụng cơ bản 33 tỷ); vốn Trái phiếu Chính phủ năm 2012, vốn của Dự án SEQUAP…

Đến cuối tháng 7/2012, toàn tỉnh đã xây dựng được 321 phòng học, 42 phòng bộ môn, 2 hội trường, 9 nhà hiệu bộ, 6 phòng nội trú, 40 phòng công vụ, 26 khu vệ sinh. Tất cả các công trình này theo Sở GD đã và đang chuẩn bị đưa vào sử dụng cho năm học mới 2012 - 2013. “Về cơ bản đáp ứng được chuyện đủ lớp cho dạy và học cho các trường học trong tỉnh, không có trường nào phải học ca ba” - ông Huỳnh Minh Bảo, Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch Sở GD cho biết.

Có thể kể một số trường đã đưa vào sử dụng thêm các phòng học mới từ đầu năm 2012 đến nay, như THPT Trần Phú - Đà Lạt với 36 phòng, Tiểu học Lê Quí Đôn - Đà Lạt với 9 phòng, THPT Lang Biang Lạc Dương với dãy phòng bộ môn… Sắp đến, trong đầu năm học mới, sẽ có thêm một số trường khác như THCS Đức Phổ - Cát Tiên với 20 phòng, trong đó có 8 phòng bộ môn, Tiểu học Thạnh Mỹ - Đơn Dương 6 phòng bộ môn cộng với hội trường… Riêng công trình nhà vệ sinh chủ yếu là xây dựng cho các trường Mầm non.

Một nét mới trong việc xây dựng trường lớp năm nay, theo ông Bảo cho biết, hầu hết các trường đều hướng sự đầu tư này đến qui mô của trường chuẩn. Nói cách khác, việc xây dựng trường lớp hiện nay không còn cảnh xây dựng chắp vá, làm tạm cho có, mà đều tuân thủ đúng qui hoạch tổng thể hướng đến chuẩn quốc gia, khi chưa đủ vốn đầu tư thì xây trước một số hạng mục để sau đó tiếp tục hoàn thiện.

Tuy nhiên, theo ông Bảo, dù được đẩy nhanh trong năm nay nhưng nhìn chung tốc độ đầu tư trường lớp hiện vẫn còn rất chậm. Theo đề án kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2008- 2012, Lâm Đồng mới chỉ xây dựng được khoảng 1.100 phòng trong tổng số trên 1.800 phòng học đã được phê duyệt, chỉ đạt khoảng 60 % kế hoạch. Số còn lại này, hầu hết là nhà xây, nhưng cũng đã xuống cấp cần tu sửa hằng năm để sử dụng trong khi chờ xây mới. Cùng đó, do thiếu vốn nên lâu nay tỉnh phải đối phó bằng cách ưu tiên xây phòng học trước nên nhiều trường học hiện nay tuy đủ phòng học, nhưng lại thiếu phòng chức năng, phòng thí nghiệm, thư viện, nhà hiệu bộ…

Trong khối mầm non, Lâm Đồng cho đến nay vẫn còn 14 xã, trong đó mới chỉ xây dựng được ở 2 xã (tại huyện Cát Tiên và Di Linh), còn lại vẫn chưa có trường. Thực hiện đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỉnh đã có lộ trình xây dựng các trường này, nhiều xã đã có quyết định thành lập trường, nhưng do chưa có vốn nên các công trình này vẫn nằm chờ trên giấy. Để kịp thời khai giảng năm học mới, nhiều nơi đã phải đi mượn nhà dân, mượn hội trường thôn, nhà văn hóa để làm lớp học, học ghép với trường tiểu học trên địa bàn… Số trường mầm non thiếu phòng học này theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng, lên đến khoảng 200 phòng và ngành vẫn đang trông chờ tỉnh điều phối vốn cho việc xây dựng.

Để chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD đang chỉ đạo các cơ sở GD trong tỉnh mua sắm trang thiết bị dạy học như dụng cụ thí nghiệm, bảng tương tác, máy chiếu, máy vi tính, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời với khối Mầm non…. Tổng kinh phí đầu tư mua sắm này trên 59 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp 32 tỷ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia trên 27 tỷ đồng. Cùng đó, các địa phương sắp đến sẽ tiến hành cấp phát 846 nghìn tập vở cho trên 46 nghìn học sinh dân tộc thiểu số các cấp học trong tỉnh với tổng kinh phí khoảng 4 tỷ đồng, trong đó khối mầm non 5 tuổi được cấp 2 tập/học sinh, khối tiểu học 10 cuốn/học sinh và THCS 14 tập/học sinh. Mỗi học sinh người dân tộc thiểu số sẽ được cho mượn 1 bộ sách giáo khoa để sử dụng trong năm học. Để hỗ trợ cho đợt cấp sách vở cho học sinh dân tộc thiểu số, các huyện còn sử dụng thêm các nguồn kinh phí khác.

Trong một cuộc làm việc gần đây với Sở GD-ĐT Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Văn Thu đã yêu cầu ngành GD sớm gửi tờ trình về việc xây dựng trường mầm non để tỉnh lên kế hoạch sắp xếp vốn cho năm 2013. Ông cũng đề nghị ngành GD rà soát lại tất cả các công trình xây dựng trường lớp đang thực hiện hiện nay để đẩy nhanh tiến độ cho kịp khai giảng năm học mới. Ông cũng lưu ý các trường học trong tỉnh cần dùng kinh phí tự chủ của mình để sơn sửa trường lớp, sửa chữa bàn ghế cho học sinh, tổ chức dọn dẹp vệ sinh, cắt cỏ sân trường. Ông đề nghị ngành GD cần chủ động trong việc phối kết hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể xã hội địa phương để vận động, đưa trẻ đến trường trong ngày tựu trường sắp đến.

VIẾT TRỌNG