Tìm chữ nơi vùng đất khó

04:08, 23/08/2012

Quanh năm nặng gánh mưu sinh, vậy mà những ông bố, bà mẹ vẫn kiên trì cho con cái học hành đến nơi đến chốn. 

Quanh năm nặng gánh mưu sinh, vậy mà những ông bố, bà mẹ vẫn kiên trì cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Trải qua gần 30 năm đi kinh tế mới về huyện Đạ Tẻh, dù đời sống kinh tế không thay đổi là bao nhưng đổi lại họ tìm được niềm vui và hạnh phúc khi các con học được con chữ. Với họ, chỉ bằng con đường học vấn, con cái mới không phải vất vả như bố mẹ chúng trước đây nữa.

Gia đình ông Nguyễn Văn Châu (47 tuổi, xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh) là một trong những gia đình được nhận hỗ trợ từ chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” do Báo Tuổi Trẻ và Công ty CP GreenFeed Việt Nam phối hợp tổ chức. Vợ ông Châu đã mất cách đây 7 năm. Ông cho biết: Trước có vợ có chồng thì lo cho 4 đứa con đỡ vất vả hơn. Giờ vợ mất rồi, tôi phải cố gấp đôi để lo cho các con được ăn học”. Tiền ăn, tiền học và chi phí của cả gia đình ông chỉ trông mong vào 6 ha trồng điều. Đất đai cằn cỗi, thu hoạch điều năm được năm mất nên kinh tế gia đình ông càng ngày càng khó. Vậy mà, chưa khi nào ông có ý định cho bất cứ đứa con nào nghỉ học. Hiện, con gái đầu của ông đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Vinatex ngành thiết kế, con gái thứ 2 đang học năm 2 Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan, hai đứa con trai hiện đang học lớp 9 và lớp 12 đều học rất giỏi. 
 
Nguyễn Thị Ngọc Như (con gái thứ 2 của ông Châu), chia sẻ: Biết nhà mình nghèo nên tất cả các chị em đều phải cố gắng học, học để bố vui lòng và còn có thể phụ giúp bố sau này. Dạo này thấy sức khỏe bố yếu đi nhiều nhưng bố chẳng chịu đi khám, tối ngày cứ làm quần quật ngoài vườn”.
 
Ngoài giờ học, Nguyễn Văn Tài còn phụ bố là ông Nguyễn Văn Châu cắt cỏ nuôi bò.
Ngoài giờ học, Nguyễn Văn Tài còn phụ bố là ông Nguyễn Văn Châu cắt cỏ nuôi bò.

Lo cho các con đi học, đến nay, ông Châu phải vay mượn khắp nơi từ Ngân hàng chính sách đến bà con lối xóm. Đến nay, số nợ cũng đã lên đến 60 – 70 triệu đồng. Thấy bố vất vả, bản thân Như vừa đi học vừa phụ bán cháo kiếm khoảng 1,2 triệu đồng/tháng để lo chi phí ăn học. Hai anh em Cao, Tài ngoài việc học còn phụ bố trong việc cắt cỏ bò, làm vườn. Mới đây, ông Châu được huyện hỗ trợ mua một cặp bò. Đây được xem là tài sản lớn mà ông sẽ dành dụm để lo cho 2 con trai tiếp tục học. Trong căn nhà thiếu trước hụt sau, ông Châu vẫn ngăn riêng một gian phòng học và đóng bàn ghế tinh tươm cho các con học. Ông ngậm ngùi chia sẻ: Trước đây bố mẹ cũng nghèo quá mà tôi phải bỏ học giữa chừng. Đó là điều mà tôi cứ ngậm ngùi mãi. Giờ tôi không cam tâm để các con lại phải như mình.

Cách nhà ông Châu không xa là nhà ông Trần Đề cũng khó khăn không kém. Khi chúng tôi tìm đến nhà thì chỉ có bà Võ Thị Thu Thủy (vợ ông Đề) cùng con gái út 6 tuổi đang ở nhà. Bà Thủy tâm sự: Nhà có mỗi 3 sào mía làm không đủ sống, ông nhà phải lên Di Linh để canh rẫy cà phê thuê cho người ta kiếm mỗi tháng 2 triệu. Ở nhà, tôi vừa lo cho con nhỏ vừa đi làm thuê. Ai kêu gì làm nấy nhưng cả tháng cũng chỉ vài ngày có việc.  Gần đây, tôi thấy sức khỏe ngày càng yếu, đi khám bác sỹ bảo bị viêm gan.

Vợ chồng ông Đề, bà Thủy có 4 người con. Hiện con gái lớn đang là sinh viên năm 3 Trường Cao đẳng Tài chính Maketing, con gái thứ 2 đang học lớp 12, 2 con nhỏ đứa học lớp 1, đứa học lớp 4. Khó khăn càng thêm chồng chất khi con gái thứ 2 là Trần Hoàng Hạ đã bị tai nạn gãy chân khi đang làm thuê ở TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ hè. Khó khăn là vậy, nhưng ông Đề quyết tâm không lùi bước, vẫn quyết tâm để các con học được cái chữ. Với ông, các con đứa nào cũng học giỏi, mình có làm khổ cực thêm chút nhưng tụi nó được đến trường là mình hạnh phúc lắm rồi.
 
Về thôn Mỹ Điền, xã Mỹ Lâm, huyện Cát Tiên, nghe câu chuyện Nguyễn Mạnh Huỳnh (học sinh lớp 12, Trường THPT Cát Tiên) nhiều lần tính bỏ học đi làm thuê khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Huỳnh là con đầu của ông Nguyễn Văn Túy và bà Nguyễn Thị An. Nhà nghèo, bố đi làm thuê, mẹ bệnh tiểu đường và bệnh bướu cổ đã 8 năm nay. Huỳnh tâm sự: “Bố mẹ yếu cả rồi, mình còn hai em nhỏ nữa, nếu không nghỉ học đi làm thì bố mẹ càng thêm gánh nặng”. Nghe con nói, bà An nghẹn ngào khuyên: “Mình nghèo càng phải ráng học con à! Giờ mà nghỉ học đi làm rồi cũng sẽ khổ suốt đời như bố mẹ. Mẹ ngày càng yếu, dù chẳng thể làm được gì nhưng lúc nào cũng mong các con cố gắng”.
 
Gia đình ông Tuý, bà An từ Nam Định vào đây lập nghiệp đã hơn 20 năm. Ngày đầu mới vào, khi sinh Huỳnh trong nhà không có gạo mà ăn. Giờ đây, ông Tuý và bà An tối ngày ngoài đồng, ngoài ruộng làm thuê để kiếm cái ăn hàng ngày. “Mỗi năm, thấy các con cứ đem giấy khen về là mình lại có thêm động lực để tiếp tục cố gắng” – ông Túy chia sẻ.
 
Còn đó rất nhiều hoàn cảnh ở huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên được nhận hỗ trợ từ chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”. Tất cả họ đều có cùng điểm chung là gần 30 năm xa xứ lập nghiệp, nay cái nghèo, cái khó vẫn còn đó. Nhưng, dẫu nghèo họ vẫn quyết tâm cho con đến trường. Bỏi lẽ, chỉ có con chữ các con mới có thể đổi đời.
 
HỮU SANG