Từ Trường Sa đến những bài thuốc cổ

03:08, 19/08/2012

Kể về những năm tháng ở Trường Sa, BS Trịnh luôn hứng khởi, kỷ niệm vẫn cứ đong đầy như thấm vào máu thịt không thể nào quên.

BS Nguyễn Văn Trịnh, 48 tuổi, quê Hải Dương, hiện đang là Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch - Đà Lạt. Những trải nghiệm thời trai trẻ của anh ở Trường Sa thân yêu cho anh một tinh thần sống và làm việc say mê, luôn cống hiến hết mình dù phải lên rừng xuống biển!

BS Nguyễn Văn Trịnh
BS Nguyễn Văn Trịnh


Ký ức biển đảo

Kể về những năm tháng ở Trường Sa, BS Trịnh luôn hứng khởi, kỷ niệm vẫn cứ đong đầy như thấm vào máu thịt không thể nào quên. Năm 1988, người lính tình nguyện đi Trường Sa là xác định đi vào vùng tuyến đầu của Tổ quốc. Trong bối cảnh ấy, vừa tốt nghiệp bác sĩ ở Học viện Quân y, BS Trịnh về công tác ở Quân chủng Hải quân thuộc Vùng 4 Hải quân và được điều động ra Trường Sa năm 1989. Anh nhớ lại: Lớp chúng tôi có 4 anh em ra trường xác định phải vững vàng như ra trận. Tàu đi vào ban đêm, tất cả bạn bè đi bộ ra cầu cảng Cam Ranh tiễn đưa rất xúc động”. Anh thuộc Lữ đoàn 146 Hải quân, đầu tiên anh đi đảo Tốc Tan (từ 1989 -1990), được về đất liền nghỉ phép 1 tháng và sau đó đi đảo Đá Đông (từ 1990 -1991). Đời lính Trường Sa của anh lại có duyên với đảo chìm, luôn sống trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của biển cả.

Đảo Tốc Tan rộng hàng chục cây số, là bãi san hô ngầm, điểm chính của đảo là một chòi canh làm bằng khung sắt và bao quanh bởi liếp tre rộng chỉ 100 m2, dưới sàn chứa nước ngọt, tầng 2 để lương thực, quân nhu, tầng trên để ở có 4 phòng với 20 chiến sĩ. Đây là điểm chính đóng quân của đảo trưởng đảo Tốc Tan tạm cắm chốt để canh giữ biển đảo, dự kiến 6 tháng sẽ xây bằng bê tông (như nhà dàn bây giờ, nhưng do điều kiện lúc ấy chưa đầu tư được). Ngoài ra, còn có 2 điểm nhà vòm nhỏ với khoảng 6-7 chiến sĩ ở mỗi điểm đảo. Lúc ấy chưa có xuồng máy, để tuần tra 3 điểm đảo, anh em phải dùng xuồng chèo bằng tay đi nửa ngày mới đến. Những lần đi thăm các đảo được ví như những cuộc hành quân nguy hiểm, một xuồng nhỏ có 5 -10 chiến sĩ, tự làm 3-4 cái neo để khi gặp giông bão bất ngờ thì thả neo đợi đến khi biển lặn tiếp tục hành trình, không có điện thoại liên lạc như bây giờ. Tại 3 điểm đảo ở Tốc Tan chỉ có 1 bác sĩ và 2 y sĩ phụ trách 2 điểm đảo nhỏ, sợ nhất là những trường hợp bị bệnh ruột thừa phải đưa vào đảo nổi (Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn) để mổ cấp cứu.

Đóng ở Tốc Tan gần với đảo Châu Viên (Trung Quốc), nên vẫn thường xảy ra việc tàu Trung Quốc không cho tàu ta ra cập vào đảo. Lúc ấy, ở Tốc Tan phải 4 - 5 tháng mới nhận được tiếp tế từ đất liền. Mỗi lần cập vào đảo chìm phải cột dây làm điểm tựa để đưa hàng từ tàu vào đảo. Khổ nhất là vận chuyển nước ngọt, phải vật lộn với nhiều đợt sóng lớn, nên nước ngọt vào được đảo chìm đã thành nước lợ. Nước ngọt thiếu là đương nhiên, thực phẩm khô là bạn và đậu xanh nấu canh với thịt hộp trở thành món ăn quen thuộc. Anh em tiết  kiệm nước ngọt để ngâm giá đỗ, lấy gạo mục làm giá trồng rau, sau này anh em về đất liền có đem ra một ít đất để trồng rau. Người lính đảo luôn sống với nỗi nhớ đất liền da diết và nỗi mong ước thầm kín là được nhìn thấy bóng dáng của người phụ nữ. Khi ấy có phong trào vận động cả nước viết thư cho chiến sĩ Trường Sa, giao lưu qua thư từ giữa giáo viên, sinh viên sư phạm với các chiến sĩ Trường Sa. Thời điểm ấy đầy gian nguy, khó khăn, vất vả nhưng là một quá khứ đầy tự hào đối với mỗi người lính Trường Sa. Để hình thành các đảo lớn như bây giờ là công lao của cán bộ chiến sĩ, nhân dân đóng góp rất lớn.

Mê những bài thuốc cổ

Bước ngoặt thay đổi trong cuộc đời thầy thuốc của BS Trịnh là hành trình từ Trường Sa về đất liền để dự thi BS chuyên khoa Răng hàm mặt đã bị trễ do tàu cập qua nhiều điểm đảo. Đầu năm 1992, anh chuyển ngành vào công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch - Đà Lạt. Anh không ngừng học tập, nghiên cứu để trở thành người bác sĩ có chuyên môn tốt: Năm 1993 học BS chuyên khoa YHCT, năm 2002 học bác sĩ chuyên khoa I và năm 2011 hoàn thành chương trình Bác sĩ Chuyên khoa II. Anh học kỹ thuật châm cứu của thầy Nguyễn Tài Thu và hiện nay là một trong số ít bác sĩ có tay nghề châm cứu tuyệt vời. Hàng ngày, BS Trịnh vẫn luôn giữ tác phong người lính, cẩn thận, kỹ càng, thăm khám bệnh nhân tỉ mỉ, đúng, đủ!
BS Trịnh đặc biệt quan tâm đến phương pháp chữa các bệnh lý cơ xương khớp (thoái hóa đốt sống cổ, thắt lưng), bệnh lý thần kinh (tai biến mạch máu não, liệt mặt, liệt nửa người), đặc biệt là bài thuốc tự nghiên cứu chữa sỏi tiết niệu được nhiều bệnh nhân biết đến như là “bí quyết” của BS Trịnh. Công trình nghiên cứu về “Đánh giá tác dụng của bài thuốc Tiểu tục mệnh thang trên bệnh nhân nhồi máu não” là luận án tốt nghiệp BSCKII của BS Trịnh đã được Hội đồng khoa học đánh giá loại giỏi.

Nghiên cứu 66 bệnh nhân sau nhồi máu não theo phương pháp so sánh, ghép cặp tại Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch - Đà Lạt từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2011, kết quả cho thấy: Phục hồi chức năng vận động bằng sử dụng thuốc “Tiểu tục mệnh thang” kết hợp điện châm kết quả tốt đạt 51,51%, kết quả khá đạt 48,49%; phục hồi chức năng vận động bằng sử dụng bài thuốc “Hoa Đà tái tạo hoàn” kết hợp điện châm kết quả tốt đạt 42,42%, kết quả khá đạt 57,58%. So sánh trước và sau điều trị của cả 2 nhóm cho thấy: Bài thuốc “Tiểu tục mệnh thang” có tác dụng phục hồi chức năng vận động đạt loại tốt cao hơn so với bài thuốc “Hoa Đà tái tạo hoàn” và không gây tác dụng không mong muốn.

Hiện nay, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch - Đà Lạt đã bào chế thuốc “Tiểu tục mệnh thang” dạng thuốc nước và tiến tới sản xuất thành thuốc viên. Đây là bệnh viện Đông y duy nhất trong cả nước áp dụng bài thuốc này để điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân nhồi máu não.

DIỆU HIỀN