Tuổi cao, vẫn miệt mài leo dừa

03:08, 08/08/2012

Trừ những ngày mưa gió hoặc ốm đau, cứ đều đặn hàng ngày, cụ ông đã 87 tuổi ấy vẫn trèo những thân dừa cao ngất ngưởng để kiếm tiền sinh nhai...

Trừ những ngày mưa gió hoặc ốm đau, cứ đều đặn hàng ngày, cụ ông đã 87 tuổi ấy vẫn trèo những thân dừa cao ngất ngưởng để kiếm tiền sinh nhai. Ông nói: "Vì đang còn sức nên không muốn dựa dẫm con cháu. Tiền công hái dừa chỉ đủ nuôi sống thân mình; ngoài ra, còn dư chút đỉnh cũng chỉ để mua quà cho cháu".

Ông Hoạt vẫn miệt mài leo dừa mỗi ngày
Ông Hoạt vẫn miệt mài leo dừa mỗi ngày


Ở khắp vùng Đạ Tẻh, khi nhắc tới hình ảnh cụ già râu tóc bạc phơ, hàng ngày vẫn rong ruổi trên chiếc cup 50 “cà tàng” chở 2 sọt đựng dừa đi bán, từ người già đến bọn trẻ gần như ai cũng biết. Đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm", đáng lẽ thời gian chính phải dành cho con cháu hoặc vui thú điền viên, nhưng ông vẫn miệt mài làm công việc nặng nhọc, mà ngày nay trai tráng thanh niên cũng còn e dè.

Ông tên là Lê Bá Hoạt (thôn 2, xã Hà Đông, huyện Đạ Tẻh. Cuộc đời của người đàn ông đã gần đi hết chặng đường một kiếp người ấy, khi nhắc lại, là những chuỗi ngày long đong và bươn chải. Hạnh phúc duy nhất cũng như khiến ông cảm thấy yên lòng vào lúc này, có lẽ là đã cho con cháu mỗi đứa một mảnh vườn, một ngôi nhà để “an cư”, cho dù trong số đó vẫn chưa có ai lạc nghiệp.

Quê ông ở tận Phú Xuyên, Hà Nội (Hà Tây cũ), vào Đạ Tẻh từ hơn 30 năm trước cùng với 5 đứa con của người vợ thứ hai. Người vợ đầu của ông trước đó đã mất vì bạo bệnh. Ông nói với chúng tôi, đi bước nữa cũng chỉ vì thấy mình đang còn trẻ và muốn có “hậu phương” vững chắc để lập nghiệp. Tuy nhiên, dù đã trải qua đủ thứ nghề, từ công nhân lâm trường ở vùng Tây Bắc đến trồng chè ở Thái Nguyên, làm thuê cuốc mướn ở khắp mọi nơi, nhưng nghèo đói vẫn cứ đeo bám như một “căn bệnh mãn tính”, không có thuốc chữa. Nên ông đã dắt díu vợ con vào vùng kinh tế mới Đạ Tẻh (lúc bấy giờ) với hy vọng để có thể thay đổi được cuộc sống.

Vào vùng đất mới, hai vợ chồng ông cũng phải chật vật từng ngày để chạy ăn từng bữa. Tài sản đáng giá nhất sau những ngày vắt kiệt mồ hôi là trên 5 ha vườn khai phá, nhưng rồi cũng phải cắt bán một phần để có tiền thuốc thang cho bà vợ sau, nhưng cũng không qua khỏi. Số còn lại, ông đã chia đều cho các con của mình để chúng có cái làm ăn. Ông chia sẻ: "Dù không có đứa nào khá giả, nhưng tôi cũng thấy nhẹ lòng, vì đứa nào cũng đã có nơi chốn để sinh sống".

Nghề trèo dừa đối với ông chỉ mới 10 năm trở lại đây. Và, ông làm “nghề” đó cũng chỉ tình cờ. Có người quen buôn dừa tìm mãi người trèo hái mà không có. Ông nói: “Để tôi trèo cho!”. Nhưng chẳng ai dám nhận, vì lúc ấy, ông tuổi cũng đã cao. Hơi chạnh lòng, ông "thực hành" tại chỗ. Thấy vậy, người lái thương ấy đã nhận và chi trả cho ngày công là 2 bữa ăn và 50.000đ. Việc làm ấy, cho thu nhập khá cao (vào thời điểm 10 năm trước) đã khiến ông quyết định gắn bó với nghề trèo dừa. Và cũng đã gần sáu, bảy năm nay, ông một mình độc lập tự đi mua, tự trèo hái, tự bán để kiếm tiền. Ở thời điểm hiện tại, mỗi ngày ông vẫn lên xuống vài thân dừa, hái 70 - 80 trái dừa, chất lên xe đến đổ cho các quán ăn, quán nước. Ông bộc bạch: “Mua 2.000 đồng/ trái, bán 6.000 đồng/trái, trừ những ngày “khó” trong người, hàng tháng ông vẫn kiếm lời được 4 - 5 triệu đồng.

Sống chung với con trai đầu, nhưng thức ăn hàng ngày, ông vẫn lo cho cả nhà. Con cháu, đứa nào đau ốm, ông đều giúp đỡ. Ông còn tích góp được một cuốn sổ tiết kiệm gửi ngân hàng 70 triệu đồng "Để sau này con cái lo việc hậu sự, hàng năm giỗ chạp cho tôi” – Ông nói. Và, “Đứa con nào cũng còn vất vả, nên tôi không muốn chúng phải nặng nhọc thêm. Con cái khuyên không cho tôi làm, nhưng tôi thấy mình còn sức khỏe nên vẫn phải leo dừa, bởi đó còn là niềm vui".

TUẤN LINH - HỮU SANG