Đã 66 năm hình thành khu căn cứ kháng chiến miền Đông Nam Bộ (Chiến khu Đ) và 37 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hôm nay, chúng tôi - thế hệ lớn lên sau chiến tranh mới có dịp về thăm “vùng đất chết” đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc ta…
Đã 66 năm hình thành khu căn cứ kháng chiến miền Đông Nam Bộ (Chiến khu Đ) và 37 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hôm nay, chúng tôi - thế hệ lớn lên sau chiến tranh mới có dịp về thăm “vùng đất chết” đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc ta…
Khu tưởng niệm Chiến khu Đ |
Huyền thoại Chiến khu Đ
Tôi được nghe về Chiến khu Đ (CKĐ) qua lời kể của cha tôi ngày xưa ông tham gia kháng chiến; lớn lên đi học, đọc trong sách sử, xem phim tài liệu và nhấn nha câu hát “Ai đã qua rừng miền Đông đất đỏ…”. Đặc biệt, đọc hai câu thơ nổi tiếng của vị “Thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ - người con anh hùng của vùng đất Tân Uyên và miền Đông bất khuất: “Từ độ mang gương đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” đã gieo vào lòng tôi niềm cảm xúc dâng tràn !
Từ lâu, tôi mong ước một lần được về thăm vùng đất “gian nan mà anh dũng”, gặp những con người chân chất mà kiên trung một lòng theo Đảng đã góp phần đánh thắng hai đế quốc hung hãn làm rạng danh non sông đất nước. Và rồi, giữa những ngày tháng 7 nồng nàn nắng hạ năm nay, khi quân và dân cả nước sôi nổi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), tôi may mắn có chuyến công tác về thăm căn cứ CKĐ trong niềm hân hoan rất khó tả. Từ TP.HCM, xe ô tô đi theo hướng Bắc chừng 40 km tới Ngã 3 Trị An, xe rẽ trái vào con đường đất đỏ 322. Con đường này còn có tên đường Trần Lệ Xuân (ngày trước bà vợ Ngô Đình Nhu cho mở con đường này để khai thác gỗ, bòn rút tài nguyên của khu rừng nguyên sinh với nhiều lâm sản quý nhét đầy túi tham cho gia đình họ Ngô). Từ đây, ô tô vượt hơn 30 km đường rừng nữa mới đến khu di tích CKĐ. Dọc hai bên đường bạt ngàn rừng xanh núi thẳm với những cây sao, dầu đặc trưng của rừng miền Đồng Nam Bộ. Đi sâu thêm chừng 3 km là địa phận của Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hoá Đồng Nai nằm trên diện tích 97.152,1 ha (gồm Hồ Trị An, rừng miền Đông Nam Bộ của 9 tỉnh lân cận và khu di tích CKĐ).
Khu căn cứ CKĐ có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia được công nhận: Địa đạo Suối Linh, Trung ương Cục miền Nam và Khu uỷ miền Đông Nam Bộ, có diện tích 39,8 ha, trải dài từ địa phận huyện Tân Uyên (Bình Dương) và các xã Mã Đà, Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Lịch sử chép lại: CKĐ là căn cứ cách mạng qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở miền Đông Nam Bộ. Khởi thủy CKĐ thuộc tỉnh Biên Hòa được thành lập tháng 2/1946 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau khi Pháp chiếm Biên Hòa, các lực lượng vũ trang rút về vùng rừng núi Tân Uyên (thuộc quận Tân Uyên, Biên Hòa) để đứng chân. Thời kỳ đầu, CKĐ từ hạt nhân của 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An, sau đó được mở rộng ra và trở thành căn cứ địa không chỉ của tỉnh Biên Hòa mà còn của Khu 7 (từ năm 1947 đến 1950). Đến năm 1951, CKĐ trở thành một trong hệ thống căn cứ địa của Nam Bộ gồm: CKĐ, Chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Đồng Tháp Mười, Chiến khu U Minh. Với địa thế rừng rậm, núi sâu hiểm trở, trung tâm tiếp giáp các tỉnh trong khu vực miền Đông, có suối nước, hệ động thực vật phong phú, là một khu vực lý tưởng cho việc xây dựng căn cứ, nơi tập kết lực lượng, cất giấu kho tàng, vũ khí và phát triển mọi mặt của một căn cứ địa kháng chiến lâu dài, nên CKĐ được chọn xây dựng rất vững chắc, là “bàn đạp” cho các cuộc tấn công nổi dậy của quân và dân miền Đông Nam Bộ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, CKĐ được mở rộng, phát triển thêm về phía Đông và Đông Bắc giáp biên giới Campuchia và Đắc Lắc. Vùng căn cứ CKĐ là nơi thành lập đầu tiên của các đơn vị vũ trang miền Đông và chủ lực miền, nơi đứng chân của Khu ủy miền Đông và đặc biệt là nơi thành lập đầu tiên của Trung ương Cục miền Nam vào năm 1961; sau đó, năm 1962, Trung ương Cục miền Nam chuyển về Tây Ninh. Trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, từ CKĐ, lực lượng cách mạng tổ chức nhiều trận tấn công vào kẻ thù giành chiến thắng vang dội. Kẻ thù luôn tìm mọi cách đánh phá nhưng thất bại. Ngô Đình Diệm và các tướng tá Ngụy quyền Sài Gòn từng chua xót nhận định: “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”. Giai đoạn 1962 - 1967, CKĐ trở thành căn cứ khá vững chắc đã dốc sức cùng toàn miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của nhân dân ta Tết Mậu Thân (1968), cũng như sau này vùng lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975)…
Xe ô tô của đoàn chúng tôi lượn lách dưới tán rừng nguyên sinh xanh um tùm và lội qua những con suối nước trong vắt, theo cánh tay của cô hướng dẫn viên, chúng tôi thấy bên đường nhấp nhô những ngôi nhà sàn của người đồng bào dân tộc Ch’Ro. Đồng bào Ch’Ro rất yêu nước, đã cùng bộ đội ta đánh giặc giữ vững căn cứ cách mạng và đã có nhiều hy sinh xương máu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, đuổi Mỹ trên vùng “đất chết” này. Những giai thoại về loài “cọp 3 móng” rất hung dữ, nơi rừng thiêng nước độc: rắn, rết, muỗi, vắt và những cuộc sốt rét rừng… cô hướng dẫn viên kể lại làm tôi chợt rùng mình! Tên gọi “CKĐ” có nhiều cách giải thích: “Đ” là chữ cái đầu viết tắt địa danh “Đất Cuốc” - nơi bộ đội Huỳnh Văn Nghệ khởi cứ điểm đầu tiên kháng chiến chống pháp (1945 - 1954); “Đ” là mật danh chỉ vị trí tổng hành dinh của Khu VII trong hệ thống các vị trí căn cứ quân sự được tính theo các chữ cái A, B, C...; “Đ” chỉ Chiến khu “Đỏ” (Chiến khu Đảng); cũng là chữ đầu của tỉnh Đồng Nai, chiến khu miền Đông, chiến khu đầu tiên... Song, các cô hướng dẫn viên của khu di tích này thì có khái niệm rất gọn, hóm hỉnh mà sâu sắc “CKĐ là Chiến khu Đỏ, CK Đau, CK Đói” !...
Dấu ấn CKĐ
Sau gần 2 giờ vượt trên 80 km, trước mắt tôi khu di tích CKĐ đã hiện ra giữa mênh mông rừng nguyên sinh cổ thụ. Ngôi nhà nằm trước cổng khu Di tích là Nhà tưởng niệm, trước khoảnh sân đặt chiếc lư hương lớn nghi ngút khói nhang, trong ngôi nhà đặt hai dãy tượng ghi tên 14 cán bộ đã từng sống và lãnh đạo phong trào cách mạng của Khu ủy miền Đông, Trung ương Cục miền Nam chiến đấu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; trong đó, nhiều người đã hy sinh tại CKĐ và trên chiến trường miền Đông. Đoàn người lặng lẽ đặt vòng hoa, thắp hương tưởng niệm. Lối dẫn vào từng điểm tham quan trong Khu di tích CKĐ là những con đường nhỏ được rải sỏi phẳng lì núp dưới những tán cây rừng cao vút giữa đại ngàn. Thấp thoáng trong khu rừng rộng chừng 10 ha là những ngôi nhà cột gỗ, mái được lợp bằng lá Trung quân (loại lá cây rất đặc biệt, khó bắt lửa và không cháy lan) nhằm chống lửa của bom Napan, pháo kích. Nối giữa các ngôi nhà bằng hệ thống đường thông hào sâu dưới lòng đất. Trong Khu di tích hiện đang lưu giữ, tôn tạo 19 căn nhà và tái hiện 24 hình tượng người, phân bổ thành 4 Ban (Văn phòng làm việc của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy miền Đông, Ban cơ Yếu, Ban Quản trị - Hành chính và Ban Vệ binh Khu ủy).
Tạo dựng hình ảnh cuộc họp cấp ủy Chiến khu Đ |
Di tích lịch sử CKĐ hôm nay (thuộc địa phận Lâm trường Hiếu Liêm, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) trở thành nơi tham quan, nghiên cứu và du lịch sinh thái nên mỗi ngày đón hàng chục đoàn khách từ khắp mọi miền đất nước về thăm. Bởi vậy, lực lượng cán bộ, nhân viên phục vụ khu di tích khá đông, làm việc rất chu đáo, đã hướng dẫn, giới thiệu chi tiết từng điểm, vị trí trong toàn bộ khu di tích cho du khách. Cô hướng dẫn viên tên Hương, vóc người nhỏ nhắn trong chiếc áo bà ba đen, đội mũ tai bèo, cổ quấn khăn rằn rất…Nam Bộ đã đưa chúng tôi đi thăm, giới thiệu từng điểm di tích của CKĐ: đây là căn nhà làm việc và nơi tổ chức các cuộc họp cấp ủy, chi bộ để triển khai công tác chiến đấu; ngay dưới gian nhà là hệ thống hầm trú ẩn; kế bên là một căn hầm có diện tích rộng hơn, nằm sâu trong lòng đất làm nơi họp cán bộ, chiến sĩ cả CKĐ; đi xa thêm chừng 200m là khu vực bếp Hoàng Cầm được tái hiện các dụng cụ làm bếp và tượng hình một anh nuôi đang nấu ăn cho bộ đội; rồi khu vực nhà Y tế (cũng được khoét sâu dưới lòng đất chừng 2m, có tủ thuốc, chai lọ và trên chiếc giường tre tượng hình cô y tá đang băng bó cho một thương binh; gian nhà kế bên nhà Y tế là khu trưng bày những mảnh bom B52 nằm nhăn nhó, lạnh lùng…. Tất cả, tất cả những hình ảnh ấy cứ đập vào tâm khảm chúng tôi một thứ cảm xúc rất mãnh liệt. Giữa không gian tứ bề yên ắng, tôi chợt nghe tiếng cô hướng dẫn viên tại khu nhà Y tế giới thiệu cho đoàn công tác việc chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, rồi đọc những câu thơ của tướng Huỳnh Văn Nghệ viết về một anh bộ đội bị thương phải cưa chân bằng cưa thợ mộc: “…Bác sĩ cưa chân một thương binh bằng cưa thợ mộc/ Bác sĩ vừa cưa vừa khóc/ Chị cứu thương nước mắt tràn trề/Người chiến sĩ vẫn mê mải hát/Cưa cứ cưa, xương cứ đứt/ máu cứ rơi những giọt đỏ hồng…”. Trong đoàn chúng tôi có nhiều người lau nước mắt !
Rời CKĐ trong cơn mưa chiều đến vội, tôi nghe phía sau xe tiếng cây lá xạc xào. Một đàn khỉ, voọc chuyền cành gọi nhau về tổ ấm. Khu di tích cứ lùi dần vào màn mưa giăng mắc và hoàng hôn tim tím phía chân trời xa…
Ghi chép: THANH DƯƠNG HỒNG