Xôn xao về hai “báu vật” của người Chăm

08:08, 31/08/2012

Trong những ngày gần đây, giới sưu tầm đồ cổ ở Lâm Đồng bỗng xôn xao về việc ông Nguyễn Đăng Thanh - hội viên CLB UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam tỉnh Lâm Đồng - sưu tầm được hai món hàng “độc”: Dao lệnh của vua Chăm và bộ cồng chiêng arap độc nhất vô nhị (?).

Trong những ngày gần đây, giới sưu tầm đồ cổ ở Lâm Đồng bỗng xôn xao về việc ông Nguyễn Đăng Thanh - hội viên CLB UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam tỉnh Lâm Đồng - sưu tầm được hai món hàng “độc”: Dao lệnh của vua Chăm và bộ cồng chiêng arap độc nhất vô nhị (?). Hai ngày qua, chúng tôi đã đến tận nơi để quan sát hai “món hàng” được cho là “độc” này của ông Đăng Thanh.

“Kho” cổ vật sưu tầm được trong vòng hơn hai mươi năm qua của nhà sưu tầm đồ cổ này khá chật hẹp tọa lạc tại 86 đường Hoàng Diệu, Tp. Đà Lạt. Hơn 10.000 hiện vật của ông Thanh gần như choán tất thảy mọi ngóc ngách của ngôi nhà. Ngay cả với một người sưu tầm cổ vật chuyên nghiệp, con số 10.000 hiện vật có được trong tay không phải ai cũng đạt được. Đằng này, tuy là hội viên của CLB UNESCO Lâm Đồng nhưng ông Thanh vẫn tự nhận mình chỉ là nhà sưu tầm không chuyên, nên con số 10.000 ấy quả là không nhỏ. Song, điều làm chúng tôi quan tâm không ở chuyện có nhiều hay ít hiện vật mà điều khiến chúng tôi đặc biệt quan tâm ở đây là hai món đồ vật được cho rằng vô cùng quý giá mà ông Thanh là người duy nhất có được trong tay, là hai trong hơn 10.000 hiện vật đang được cất giữ tại ngôi nhà chật hẹp của ông ở 86 Hoàng Diệu, Đà Lạt: Dao lệnh của vua Chăm và bộ chiêng arap độc nhất vô nhị (?).

Trước hết, món đồ vật mà chúng tôi đặc biệt quan tâm là “dao lệnh” của vua Chăm hiện được cất giữ ở “kho” đồ cổ này của ông Thanh. Sau một hồi được thuyết phục, cuối cùng, ông Thanh cũng đã lấy chiếc “dao lệnh” ấy ra để khách tận mắt nhìn thấy.

Đó là một con dao dài khoảng 25 cm, được đúc bằng đồng có mạ vàng, bề ngang chỗ lớn nhất khoảng 3 cm. Từ chuôi tới mũi dao đều được trang trí bằng những họa tiết khá độc đáo mang đậm nét văn hóa Chăm. Dao được đặt trên một giá đỡ cao 13 cm, đế giá đỡ hình tròn; từ đế đến thân giá đỡ cũng đều được trang trí hoa văn cầu kỳ; và cả bộ giá đỡ này cũng được đúc bằng đồng mạ vàng. Xét về công năng, đây không phải là con dao thường dùng để cắt, xắt, đâm… mà thiên về biểu tượng để trang trí hoặc là tín vật sử dụng trong các nghi lễ nào đó. Ông Thanh nói: “Những nhà nghiên cứu cổ vật và giới am hiểu cổ vật thì cho rằng đây là “dao lệnh” của vua Chăm ngày trước giao cho một tướng lĩnh nào đó thay mặt vua cai quản quân đội. Nhìn lại lịch sử, vua Chăm đã từng thất thế trước các quốc gia lân cận và vì vậy, đội quân của triều đình Chăm đã từng lánh nạn lên đất Nam Tây Nguyên này. Vậy, có thể đây là “dao lệnh” của nhà vua giao cho một tướng lĩnh nào đó dẫn quân từ duyên hải miền Trung lên miền núi Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng?”. Khi được hỏi về nguồn gốc con “dao lệnh” của vua Chăm, ông Thanh kể: “Cách nay chưa lâu, trong một chuyến đi chơi về huyện Đơn Dương, thông qua một người quen là người Churu bản địa, tôi tiếp cận được món vật này và đã tìm mọi cách để mua cho bằng được…”. Hỏi thêm, ông Thanh chỉ trả lời một cách… lấp lửng: “Nghe bảo, chiếc “dao lệnh” ấy được gia đình nọ tìm thấy trong lòng đất…”.

“Báu vật” thứ hai mà chúng tôi quan tâm ở kho hiện vật sưu tầm được của ông Thanh là bộ chiêng 12 chiếc được cho là độc nhất vô nhị hiện nay. Ông Thanh nói: “Đây là bộ chiêng được tôi mua lại của một gia đình người Churu. Gia đình người Churu đó ở tỉnh Ninh Thuận chứ không phải người Churu ở Lâm Đồng. Tôi mua nó cách nay cũng chưa lâu, cũng tình cờ thôi. Đó là bộ chiêng duy nhất của gia đình nọ. Về giá cả, với những hiện vật như thế này, xin lỗi là tôi không tiện tiết lộ…”. Rồi, ông Thanh nói thêm có vẻ… bí hiểm: “Anh xem có phải đây là bộ chiêng ngày trước được dùng trong hoàng triều Chăm không? Nghe có người bảo, nó là bộ cồng chiêng arap…”. Với chút kiến thức về cồng chiêng tích lũy được, tôi đặt câu hỏi cho chủ nhân: “Anh cho rằng đây là một bộ chiêng trọn vẹn, có nghĩa là không thừa không thiếu? Anh có chắc chắn với tôi một lần nữa rằng nguồn gốc của nó là bộ chiêng quý của một gia đình người Churu ở Ninh Thuận bán lại cho anh?”. Ông Thanh nói như đinh đóng cột: “Chính tôi bỏ tiền ra mua nó. Cả 12 chiếc trọn bộ, tôi mua tất! Còn gia đình bán lại bộ chiêng này là người Churu! Đúng, là người Churu, nhưng họ ở Ninh Thuận chứ không phải ở Lâm Đồng!”.

Bộ chiêng được cho là chiêng arap độc nhất vô nhị ở Nam Tây Nguyên hiện đang lưu giữ tại nhà ông Thanh
Bộ chiêng được cho là chiêng arap độc nhất vô nhị ở Nam Tây Nguyên hiện đang lưu giữ tại nhà ông Than

Chúng tôi quan sát và nhận ra: Ở bộ chiêng quý mà ông Thanh cho rằng “độc nhất vô nhị” này quả là quý thật (quý vì đây rất có thể thực sự là đồ cổ), nhưng dường như có gì đó thật đáng tiếc là vì nó như vừa thiếu lại vừa thừa. Từ hiểu biết mà chúng tôi tích lũy được thì chiêng arap là chiêng của người Jarai, Bana - những tộc người rất gần với người Chăm. Theo biên chế thì bộ chiêng arap của người Jarai, Bana, hoặc người Chăm thường phải gồm 8 hoặc 9 chiếc chiêng bằng và đặc biệt là cộng với 3 chiếc cồng không thể thiếu. Như vậy, xét bộ chiêng 12 chiếc của ông Thanh chỉ toàn là chiêng bằng (chiêng không có núm, phân biệt với cồng có núm) thì lại thừa 3 hoặc 4 chiêng nhưng lại thiếu mất 3 chiếc cồng thì mới “ráp đủ” bộ cồng chiêng arap. Còn nếu đây chỉ là chiêng của người Mạ hoặc người Cơho ở Nam Tây Nguyên thì trước hết, nó gồm hai bộ; nhưng, điều quan trọng hơn là hai bộ đó phải có thang âm như thế nào mới có cơ sở khẳng định được (bởi lẽ, về thang âm, bộ chiêng droòng 6 chiếc của người thiểu số Nam Tây Nguyên hết sức nghiêm ngặt!).

Để khẳng định hai món vật trên có giá trị như thế nào và có liên quan gì đến hoàng tộc Chăm trong lịch sử, thiết nghĩ, cần có sự thẩm định của cơ quan chức năng. Đồng thời, qua thẩm định, Lâm Đồng cần có kế hoạch bảo tồn, lưu giữ theo quy định của luật pháp; để khỏi thất thoát những báu vật mà có thể vài chục năm nữa không còn tìm thấy!


Khắc Dũng