Ghi nhận từ việc thực hiện một quyết định phân cấp quản lý của UBND tỉnh

04:09, 02/09/2012

Ngày 2/4/2010, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 779/QĐ-UBND về phân cấp quản lý cấp, đổi và gia hạn giấy phép kinh doanh karaoke cho UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và Tp. Đà Lạt.

Ngày 2/4/2010, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 779/QĐ-UBND về phân cấp quản lý cấp, đổi và gia hạn giấy phép kinh doanh karaoke cho UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và Tp. Đà Lạt. Đây là một chủ trương đúng nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh karaoke trong tỉnh, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Sau 2 năm triển khai thực hiện (4/2010 - 4/2012), với sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, công chức, Phòng VH-TT đã tham mưu cho UBND các huyện, Tp. Đà Lạt và Tp. Bảo Lộc cấp, đổi và gia hạn được 393 giấy phép; trong đó cấp mới được 97 và gia hạn được 296 giấy phép. Giấy phép kinh doanh karaoke được cấp mới, đổi và gia hạn theo quy định tại Thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL ngày 16/12/2009 của Bộ VHTT&DL quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ, có giá trị là 2 năm.

Việc tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh karaoke và trả kết quả không thực hiện ở bộ phận một cửa của UBND cấp huyện mà giao phòng VH-TT nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ xin cấp, đổi, gia hạn giấy phép và trình UBND cấp huyện cấp phép nếu cơ sở đảm bảo các điều kiện theo quy định. Để thẩm định hồ sơ, Phòng VH-TT đã phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn tiến hành kiểm tra điều kiện cơ sở xin cấp giấy phép kinh doanh karaoke. Quá trình kiểm tra, đã đối chiếu theo Điều 30 của Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; Điều 13 của Thông tư số 04. Phòng VH-TT đã mở sổ cấp giấy phép kinh doanh karaoke cho tổ chức, cá nhân tại địa phương.

Ngày 7/6/2011, Bộ VHTT&DL ban hành Thông tư số 07/2011/TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ VHTT&DL. Theo đó, giấy phép kinh doanh karaoke được cấp có giá trị không thời hạn. Các địa phương đã triển khai thực hiện là huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Tp. Đà Lạt và Tp. Bảo Lộc.

Theo quy định tại Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 4/1/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ VHTT&DL, bãi bỏ Khoản 5 Điều 30, Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 (địa điểm hoạt động karaoke trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề). Vì vậy, trong hồ sơ và thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh karaoke, bỏ thủ tục văn bản đồng ý của các hộ liền kề hoặc văn bản xác định hộ liền kề không có ý kiến (điểm d, Khoản 2, Điều 13 Thông tư số 04). Các địa phương đã triển khai thực hiện là Tp. Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên.

Các địa phương không thu lệ phí cấp giấy phép kinh doanh karaoke từ khi được ủy quyền, trừ thành phố Đà Lạt có thu lệ phí cấp giấy phép karaoke từ ngày 1/2/2012. Một số địa phương đã tiến hành quy hoạch mới karaoke là Lạc Dương, Đơn Dương và Di Linh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế thiếu sót trong quá trình thực hiện việc cấp, đổi và gia hạn giấy phép kinh doanh karaoke. Đó là, thời gian giải quyết hồ sơ cấp giấy phép karaoke nhìn chung chưa đảm bảo đúng quy định còn vượt quá thời gian cho phép là 10 ngày làm việc và sau này theo Nghị định số 01 là 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; hồ sơ cấp giấy phép còn dư, thừa giấy tờ theo quy định hiện hành; công tác quy hoạch karaoke chưa được một số địa phương quan tâm thực hiện, do đó ảnh hưởng việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh karaoke, công tác thẩm định điều kiện cơ sở kinh doanh karaoke còn chủ quan, sai sót; công tác hậu kiểm các cơ sở kinh doanh karaoke sau khi được cấp phép chưa được tiến hành thường xuyên, việc tổng hợp số liệu cấp, đổi và gia hạn giấy phép karaoke của địa phương báo cáo hàng tháng, quý, năm về Sở VHTT&DL chưa thực hiện theo quy định.

Trong thời gian tới, để việc thực hiện Quyết định số 779/QĐ-UBND có hiệu quả hơn, Phòng VH-TT cần tham mưu để UBND các huyện, Tp. Đà Lạt và Bảo Lộc thực hiện cấp giấy phép kinh doanh karaoke áp dụng tiêu chuẩn ISO nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu xin cấp giấy phép kinh doanh karaoke và việc tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả vẫn được thực hiện tại Phòng VH-TT.

Vì vậy, các Phòng VH-TT cần tiếp tục nghiên cứu để thực hiện tốt Thông tư số 07 của Bộ VHTT&DL, Nghị định số 01 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Sở VHTT&DL đã ban hành. Tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh karaoke chỉ nhận đủ, nhận đúng các loại giấy tờ theo quy định; niêm yết thủ tục, hồ sơ cấp phép; quá trình thẩm định điều kiện hồ sơ, phải tuân thủ đúng các quy định hiện hành. Tổ chức kiểm tra rà soát lại điều kiện các cơ sở đã được cấp phép trên địa bàn. Đối với địa phương chưa thực hiện việc quy hoạch karaoke, các Phòng cần khẩn trương tham mưu cho UBND cấp huyện triển khai thực hiện, để việc cấp giấy phép kinh doanh karaoke theo đúng quy định, đồng thời báo cáo kết quả việc cấp giấy phép kinh doanh karaoke hàng tháng, quý, năm về Sở VHTT&DL theo quy định. UBND các huyện, Tp. Đà Lạt và Bảo Lộc chỉ đạo Phòng Kế hoạch - Tài chính cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề karaoke cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu, không cần lấy ý kiến của Phòng VH-TT để việc cấp giấy phép kinh doanh karaoke được theo đúng quy định của pháp luật. Về lệ phí, Sở VHTT&DL sẽ tham mưu UBND tỉnh để trình Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành mức thu lệ phí cấp phép kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Phát hiện những vấn đề bất cập trong các quy định về thủ tục hành chính và đưa ra các giải pháp cải cách cụ thể giúp cắt giảm các “gánh nặng” và chi phí do các thủ tục hành chính không hợp lý, không hợp pháp, không cần thiết nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước là bổn phận của mỗi cán bộ, công chức. Do đó, việc thực hiện Quyết định của UBND tỉnh về phân cấp quản lý cấp giấy phép kinh doanh karaoke cho UBND cấp huyện tiếp tục mang lại hiệu quả cao hơn.

Lưu Tuấn Tú