Cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao giống rau, hoa, quả tốt

10:09, 30/09/2012

(LĐ online) - Lâm Đồng là vùng chuyên canh rau, hoa, quả lớn, đặc biệt là sản xuất hoa với nền sản xuất nông nghiệp cao dẫn đầu toàn quốc. Định hướng phát triển sản xuất hoa của Lâm Đồng nhắm tới mục tiêu 3.800 ha vào năm 2015.

(LĐ online) - Theo quy hoạch phát triển rau, quả của Bộ NN&PTNT đến năm 2015 diện tích rau cả nước đạt 900 nghìn ha (tăng 15,4%) và đến năm 2020 đạt 1.200 ha (tăng 54% so với hiện nay). Lâm Đồng là vùng chuyên canh rau, hoa, quả lớn, đặc biệt là sản xuất hoa với nền sản xuất nông nghiệp cao dẫn đầu toàn quốc. Định hướng phát triển sản xuất hoa của Lâm Đồng nhắm tới mục tiêu 3.800 ha vào năm 2015. Trong đó Đà Lạt là trung tâm xuất khẩu hoa lớn nhất cả nước do khả năng sản xuất hoa với chất lượng cao quanh năm, có tiềm năng mở rộng diện tích. Vì vậy nhu cầu về giống mới là một nhu cầu cấp thiết…

Thực trạng sản xuất rau, hoa, quả Việt Nam

Việt Nam có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá thuận lợi cho việc trồng trọt các loại rau, hoa, quả (RHQ) để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện diện tích trồng rau, hoa cả nước có khoảng 780 nghìn ha, đạt giá trị 650 nghìn tỷ đồng, chiếm 9% GDP của ngành nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu RHQ có chiều hướng tăng nhưng còn chậm. Năm 2005 đạt 230 triệu USD và năm 2009 đạt 431 triệu USD. Trong nước xuất hiện một số mô hình phát triển sản xuất và xuất khẩu RHQ đạt hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất trên 1 ha từ 400 – 500 triệu đồng/năm (cá biệt nhiều trang trại đạt hơn 1 tỷ đồng), cũng có những doanh nghiệp xuất được hàng chục triệu USD/năm.

Như vậy, ngành sản xuất RHQ xuất khẩu có thể mang lại thu nhập cao và là một tiềm năng rất lớn của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam thế nhưng theo Ths. Nguyễn Thế Nhuận – PGĐ Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam) đóng tại Đà Lạt: Tình hình sản xuất và xuất khẩu RHQ của Việt Nam còn nhiều khó khăn và bất cập. Hiện còn thiếu một chương trình đồng bộ có mục tiêu về phát triển sản xuất và xuất khẩu RHQ. Công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mực và tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập nên nhiều quy hoạch diện tích trồng RHQ trở thành quy hoạch treo. Một số nhà máy xây dựng xong lại thiếu nguyên liệu hoặc có nguyên liệu nhưng không bảo đảm các yêu cầu chất lượng, không thể chế biến xuất khẩu. Vấn đề áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến chưa được hỗ trợ giải quyết thoả đáng, diện tích canh tác quy mô nhỏ gây trở ngại cho việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến. Những vấn đề hạn chế xuất khẩu có tính chiến lược của ngành hàng rau, hoa được xác định là: thiếu hệ thống tiếp thị hợp tác, thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ (kho vận lạnh, kho bãi xử lý hoa, giao thông nội vùng). Thiếu những người sản xuất có năng lực xuất khẩu, chất lượng hoa thấp, không đồng đều. Ngoài ra, giống là yếu tố đặc biệt quan trọng liên quan đến xuất khẩu vì hiện các giống rau, hoa đang được sản xuất chủ yếu là giống nhập nội nên kinh danh xuất khẩu rau, hoa có những trở ngại nhất định và gặp nhiều khó khăn khi Việt Nam chính thức hội nhập WTO và tham gia UPOV (Công ước Quốc tế về Bảo hộ Giống cây trồng mới). Phần lớn các giống rau lai F1 phải nhập khẩu từ nước ngoài, giá thành hạt giống cao và chất lượng giống bấp bênh gây ảnh hưởng tới sản xuất. Mỗi năm Việt Nam phải chi tới 200 triệu USD nhập khẩu các loại hạt giống phục vụ ngành trồng trọt.

Những nỗ lực của một đơn vị nghiên cứu

Là một đơn vị nghiên cứu trên địa bàn Đà Lạt với nhiều tiềm năng và lợi thế đối với sản xuất các loại RH, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa có chức năng nghiên cứu chọn tạo giống, phát triển công nghệ sản xuất, chuyển giao tiến bộ KHKT nông nghiệp thuộc các lĩnh vực khoai tây, rau và hoa phục vụ sản xuất tại Lâm Đồng và cả nước. Do vậy, thời gian qua, TT định hướng nghiên cứu lai tạo giống rau, hoa phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng Đà Lạt, Lâm Đồng và những vùng có điều kiện sinh thái tương tự. Từ việc thực hiện tốt các đề tài nghiên cứu, TT đã sưu tập, nhập nội và lưu trữ nhiều nguồn vật liệu quý cho công tác lai tạo giống. Hiện tại TT đang lưu giữ hơn 200 nguồn gen khoai tây, 30 nguồn gen dâu tây, 20 nguồn gen cà chua, 50 nguồn gen đậu và hơn 100 nguồn gen giống hoa các loại. Bằng phương pháp lai hữu tính, nhân nhanh bằng phương pháp nuôi cây invitro để phục vụ công tác chọn lọc, 5 năm qua, TT chọn lọc, khảo nghiệm và chuyển giao cho sản xuất nhiều giống RH (giống được Bộ NN –PTNT công nhận) có năng suất, chất lượng cao góp phần bổ sung nguồn giống tốt cho sản xuất, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Hiện tại, các giống RH do TT lai tạo được nông dân và một số doanh nghiệp tiếp nhận như các giống khoai tây: PO3, Atlantíc, TK96.1, giống dâu tây Langbiang2, giống dậu Hà Lan EG623, CPX58, giống hoa đồng tiền GO 4.6, GO 4.7, giống hoa cúc CO 5.1, CO 5.3… Có thể điểm qua một số giống rau, hoa có ưu tính vượt trội được TT chọn tạo: Dâu tây Langbiang có khả năng kháng một số bệnh hại chính tốt, cho năng suất cao, có thể đạt 25 – 30 tấn quả/ha, cao hơn gấp 1,47 lần so với giống Mỹ Đá; hiện là giống phổ biến nhất tại Đà Lạt, với tỷ lệ quả thương phẩm cao và đồng đều, tỷ lệ quả hư hỏng, kém phẩm chất thấp. Giống khoai tây PO 3 là giống nhập nội, sản xuất chủ yếu ở Lâm Đồng, hiện chiếm 70 – 80 % (700 – 800 ha) toàn diện tích sản xuất khoai tây; năng suất trung bình 25 – 30 tấn/ha, đem lại 35 – 40 tỷ đồng cho sản lượng khoai tây nói chung của tỉnh. Giống hoa cúc CO 5.3 sinh trưởng khoẻ, thời gian sinh trưởng 85 – 90 ngày, chiều cây cao trên 80 cm; cây cứng, khoẻ, kháng rỉ sắt do nấm Puccinia tanaceti và kháng ruồi đen (Liriomyza spp) tốt, có giá trị xuất khẩu, thích ứng với điều kiện sản xuất của Đà Lạt và các vùng tương tự…

Thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa tiếp tục chú trọng thúc đẩy một số hướng nghiên cứu có chiều sâu mang tính chất cơ sở cho công tác nghiên cứu ứng dụng, triển khai; trong đó đẩy mạnh công tác chọn lọc giống, công nghệ nhân giống, công nghệ sản xuất ứng dụng công nghệ cao và đặc biệt là tham gia tích cực vào bước “đột phá”, phát triển để hướng tới xuất khẩu của vùng rau, hoa Đà Lạt nổi tiếng. 

Bình Nguyên