Cần đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS và THPT

03:09, 19/09/2012

Tâm lý hiện nay của nhiều học sinh cũng như phụ huynh là sau khi tốt nghiệp THCS thì phải vào bằng được THPT, tốt nghiệp THPT xong thì phải vào đại học.

Tâm lý hiện nay của nhiều học sinh cũng như phụ huynh là sau khi tốt nghiệp THCS thì phải vào bằng được THPT, tốt nghiệp THPT xong thì phải vào đại học. Thực tế đã có nhiều em chọn sai nghề, không tìm được việc phù hợp hoặc bỏ giữa chừng vì không đủ năng lực...

Nhận thức đúng năng lực và chọn nguyện vọng thích hợp, giúp học sinh định hướng trong đào tạo, chọn nghề, việc làm phù hợp. Ảnh: N.Minh
Nhận thức đúng năng lực và chọn nguyện vọng thích hợp, giúp học sinh định hướng trong đào tạo, chọn nghề, việc làm phù hợp. Ảnh: N.Minh


Bài toán khó giải

Trong “Chương trình hành động” của Tỉnh uỷ Lâm Đồng về tăng cường phân luồng học sinh sau THCS, đã đề ra chỉ tiêu như sau: Giảm tỷ lệ đối tượng trong độ tuổi 15 theo học THPT đạt 80% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020; thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường dạy nghề đạt tỷ lệ 15% vào năm 2020. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu này sẽ là một lộ trình nhiều khó khăn.

Bởi thực tế, hiện nay hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đều thi vào các trường THPT chính quy hoặc bổ túc, chỉ một số rất ít các em chọn vào trường nghề. Còn học sinh tốt nghiệp THPT xong thì đa phần đều làm hồ sơ dự thi vào đại học, nếu thi trượt thì lại tiếp tục đợi thi vào năm sau chứ không mấy em chọn vào TCCN ngay từ đầu. Xuất phát từ tâm lý “phải học cao thì mới thành đạt” mà nhiều học sinh, phụ huynh đều hướng cho con em mình đến bậc học cao hơn chứ không nhìn nhận năng lực thực sự của con em để chọn hướng đi cho phù hợp.

Ngoài tâm lý đã ăn sâu trong nếp nghĩ và chưa nhìn nhận đúng về đào tạo nghề của học sinh, phụ huynh thì các nguyên nhân xã hội khác cũng ảnh hưởng không nhỏ như tuổi học sinh tốt nghiệp THCS (15 tuổi) chưa phù hợp lắm với việc học xa nhà hoặc trực tiếp đi làm theo Luật Lao động, các trường đào tạo TCCN hay trung cấp nghề cũng chưa thật sự có nhiều chính sách, quan tâm đúng mức để thu hút học viên. Cùng với đó là các em theo học ở các trường TCCN, trung cấp nghề vẫn chưa tìm được công việc phù hợp sau khi ra trường khi mà xã hội hiện có quá nhiều cử nhân...

Những điều này làm nảy sinh không ít mâu thuẫn, trong khi các trường nghề “chật vật” tuyển sinh thì hồ sơ nộp vào các trường đại học, cao đẳng lại “ồ ạt”, học sinh thi nhau xuống các thành phố lớn chọn học trong khi các trường trong tỉnh thiếu sinh viên... Việc chọn sai trường, sai nghề không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, khó khăn cho việc phân hoá nhân lực phù hợp với nhu cầu xã hội.

Bên cạnh đó, việc chọn vào học ở các trường TCCN, trường nghề ở địa phương cũng chưa phải là lựa chọn hàng đầu của các em khi chọn trường. Thầy Lê Mạnh Hà - Trưởng Phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng chia sẻ: “Đa phần các em đều theo xu hướng xuống Tp.Hồ Chí Minh để học tập kể cả học TCCN chứ ít em chọn học tập tại tỉnh nhà mặc dù chất lượng đào tạo là tương đương, chi phí học tập ít hơn”.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do “Em nghĩ học ở Tp. Hồ Chí Minh thì sẽ có chất lượng hơn, hơn nữa đó là môi trường mở, học xong em sẽ dễ dàng xin việc hơn là học ở Đà Lạt” - bạn Ngọc Dung, học sinh Trường THPT Tây Sơn trả lời khi được hỏi về lý do chọn học nghề ở TP. Hồ Chí Minh.

Thay đổi ý thức, tăng cường thu hút

Công tác định hướng, phân luồng học sinh vào các trường nghề, trường TCCN đã được triển khai nhiều năm nay nhưng chưa mấy hiệu quả. Để học sinh sau khi tốt nghiệp THCS xác định được năng lực của mình mà chọn học tiếp lên THPT hay vào học nghề ở các trường nghề, các trường giáo dục thường xuyên và được đào tạo song song bổ túc văn hoá. Còn học sinh tốt nghiệp THPT định hướng cho mình nên thi vào đại học hay chọn những trường TCCN, cao đẳng nghề cho vừa sức? Thực hiện được điều đó với tâm lý hiện tại của đa số phụ huynh và học sinh quả không dễ dàng.

Ông Nguyễn Văn Sang - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Lâm Đồng cho biết: “Theo kế hoạch, trong thời gian tới ngành giáo dục Lâm Đồng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, tăng cường đầu tư nâng cấp trang thiết bị dạy và học nghề, hỗ trợ các trung tâm giáo dục thường xuyên dạy bổ túc văn hoá gắn với dạy nghề, khuyến khích các cơ sở tuyển dụng học sinh sau THCS qua đào tạo nghề, tạo điều kiện để học sinh được học liên thông lên các cấp học cao hơn”.

Ông cũng cho biết, hiện công tác hướng nghiệp cho các học sinh cần được đẩy mạnh hơn nữa ngay từ các cấp dưới chứ không đợi đến năm cuối cấp mới hướng nghiệp. Bởi thay đổi ý thức của học sinh và phụ huynh là một trong những yếu tố quan trọng giúp phân luồng giáo dục đạt hiệu quả, nhất là trong việc các em tự đánh giá, nhận thức đúng năng lực của mình và mạnh dạn chọn hướng đi thích hợp phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu xã hội.

Hiện nhiều trường trung cấp, cao đẳng trong tỉnh Lâm Đồng cũng đã tăng cường tìm nhiều giải pháp thu hút học sinh cả trong và ngoài tỉnh. Điển hình như Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng và Trường Cao đằng nghề Đà Lạt, liên tục nâng cao chất lượng, bổ sung thêm những ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu, xu hướng của học sinh. Tuy nhiên, “để các giải pháp phân luồng đạt hiệu quả, rất cần có sự kết hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội để con, em mình có thể được tiếp tục đào tạo theo những xu hướng thích hợp với chính năng lực của các em, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục, hiệu quả xã hội, từ đó mặt bằng chất lượng giáo dục được nâng lên, cơ cấu nhân lực được cải thiện và tránh lãng phí cho xã hội.” - nâng lên, cơ cấu nhân lực được cải thiện và tránh lãng phí cho xã hội” - Ông Nguyễn Văn Sang – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Lâm Đồng nói.

Diễm Thương