Đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Liên hiệp hội trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước

02:09, 18/09/2012

Tiến tới Đại hội Đại biểu Liên hiệp các Hội KH&KT Lâm Đồng (gọi tắt là LHH) lần thứ IV, nhiệm kỳ 2012 - 2017, PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Lâm Đồng về tình hình hoạt động của LHH trong nhiệm kỳ qua.

PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh
PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh

LTS: Tiến tới Đại hội Đại biểu Liên hiệp các Hội KH&KT Lâm Đồng (gọi tắt là LHH) lần thứ IV, nhiệm kỳ 2012 - 2017, PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Lâm Đồng về tình hình hoạt động của LHH trong nhiệm kỳ qua.

PV: Xin PGS.TS cho biết vài nét về những kết quả đạt được trong công tác tập hợp đội ngũ trí thức KHCN tại địa phương trong nhiệm kỳ qua?

PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh: Công tác tập hợp đội ngũ trí thức KHCN tại địa phương trong nhiệm kỳ qua được triển khai thực hiện theo hai hướng. Thứ nhất, là phát triển các tổ chức thành viên mới của LHH tỉnh, trong đó có các hội KH&KT được thành lập mới hoạt động khá hiệu quả như: Hội Đơn Dương, Đà Lạt, Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Lâm Đồng. Qua quá trình hoạt động, có nhiều đơn vị nghiên cứu KHCN, giáo dục đào tạo đã tình nguyện tham gia làm thành viên tập thể của LHH tỉnh. Việc kết nạp các đơn vị mới góp phần nâng tổng số thành viên của LHH tỉnh lên 18 hội thành viên và 15 tổ chức hội thành viên tập thể, với lực lượng đội ngũ trí thức KHKT khoảng 12 ngàn người. Hướng thứ 2, thông qua vai trò, vị trí của LHH đã tạo sự gắn kết, hợp tác của đội ngũ trí thức KHCN trong tỉnh thông qua các hoạt động chuyên đề, hoạt động sáng tạo kỹ thuật, triển khai nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KHKT, phục vụ cho công cuộc CNH-HĐH và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

PV: Dấu ấn của các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được thể hiện như thế nào qua các phong trào sáng tạo kỹ thuật, thưa PGS.TS?

PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh: Trong nhiệm kỳ qua, các hội thành viên và các đơn vị thành viên tập thể đã có nhiều thành tựu lớn trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt trong phong trào sáng tạo kỹ thuật. Có thể kể ra một số thí dụ điển hình như: việc tạo ra giống khoai tây PO3, O7, Atlatic; giống dâu tây Lang Biang ở Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa; việc chế tạo hệ thống súc rửa dạ dày kín và áp dụng trong xử lý ngộ độc đường tiêu hoá ở Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng; chế tạo thiết bị chụp ảnh cắt lớp đường ống của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp… Cần nói thêm là thiết bị chụp ảnh cắp lớp này là sản phẩm mang thương hiệu Việt đã được một số tổ chức ở nước ngoài mua và trở thành một trong 10 sự kiện KH-CN nổi trội của Việt Nam trong năm 2011.

PV: Thưa PGS.TS, vai trò của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được LHH thể hiện ra sao và có tác động thế nào đến các hoạt động nghiên cứu KH&KT tại địa phương?

PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh: Tư vấn, phản biện, giám định xã hội luôn được nhìn nhận như là một trong những hoạt động chức năng mang tính chuyên môn, đặc thù của lực lượng trí thức KH&KT nói chung và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp nói riêng. Một số hội thành viên đã triển khai tương đối có hiệu quả hoạt động này, góp phần hoạt hoá hoạt động nghiên cứu KH&KT tại địa phương, mang lại những hiệu quả thiết thực trong việc định hình, định hướng và điều chỉnh, bổ sung, chỉnh sửa cho các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh. Thông qua đầu mối LHH tỉnh, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng đã tham gia vào các Hội đồng KHCN cấp tỉnh, cấp ngành, cấp bộ và cấp Nhà nước để xét duyệt, thẩm định, nghiệm thu nhiều nhiệm vụ, đề tài, dự  án KHCN của Trung ương và địa phương. LHH tỉnh cũng được mời tham gia đóng góp ý kiến cho một số dự án luật và đề án quy hoạch của tỉnh như: Đề án Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, Quy hoạch phát triển khoa học công nghệ đến năm 2020…

PV: Vậy những bài học kinh nghiệm nào được LHH đúc rút ra trong quá trình lãnh, chỉ đạo của mình?

PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh: Qua thực tiễn hoạt động có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là: Việc gắn kết chặt chẽ sự lãnh đạo của Đảng với trí thức, trí thức với Đảng bằng quyết tâm chính trị cao là nhân tố quyết định đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của LHH. Việc không ngừng củng cố, phát triển tổ chức LHH, các hội thành viên, tạo lập môi trường với những cơ chế thích hợp và những điều kiện cụ thể để LHH tổ chức triển khai các hoạt động thực tiễn như các hội thảo khoa học, hội thi sáng tạo kỹ thuật, thực hiện các đề tài dự án khoa học, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội… là những yếu tố cốt lõi để tập hợp đội ngũ trí thức, phát huy vai trò và sự đóng góp của lực lượng trí thức phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

PV: Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của LHH tỉnh Lâm Đồng trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, trong nhiệm kỳ tới, LHH đặt mục tiêu thực hiện nhiệm vụ, giải pháp này như thế nào? thưa PGS.TS!

PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh: Các mục tiêu lớn được đặt ra là: Tập trung xây dựng và phát triển LHH Lâm Đồng thành một tổ chức chính trị xã hội thực sự vững mạnh của đội ngũ trí thức KHCN tỉnh nhà; trong đó triển khai thực hiện có hiệu quả đề án củng cố, kiện toàn, phát triển tổ chức và đổi mới tổ chức hoạt động của LHH tỉnh; chú trọng xây dựng phát triển các hội thành viên mới ở địa bàn các huyện thị, thành phố cũng như các hội nghề nghiệp. Tạo ra sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thành viên với nhau, giữa các đơn vị thành viên với bộ máy của LHH, giữa LHH với các sở, ban ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội khác và với LHH Việt Nam. Thiết lập mối quan hệ với một số tổ chức phi chính phủ quốc tế được Nhà nước cho phép hoạt động tại Việt Nam để tiếp nhận sự giúp đỡ, hỗ trợ cần thiết trong việc giải quyết những nhiệm vụ phát triển KT - XH tại địa phương. Tăng cường các hoạt động chuyên đề, tham gia hoặc trực tiếp đăng ký thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, dự án KHCN cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp Nhà nước có liên quan trực tiếp đến KHCN và kinh tế - xã hội của địa phương. Tổ chức và triển khai có hiệu quả hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh góp phần xã hội hoá hoạt động KHCN, giáo dục đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.

PV: Xin cảm ơn PGS.TS!

Hồng Hải (thực hiện)