Khởi sắc báo chí Lâm Đồng

07:09, 26/09/2012

Đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp tăng về chất và lượng. Cùng với sự phát triển chung của báo giới cả nước, 5 năm qua, báo chí Lâm Đồng đã không ngừng đổi mới, khẳng định và giữ vững vị thế của mình trong đời sống chính trị - xã hội.

Tính đến nay, hệ thống báo chí Lâm Đồng có 4 cơ quan báo chí, trong đó có 2 cơ quan báo chí do tỉnh trực tiếp quản lý và lãnh đạo; 1 tạp chí trực thuộc sự quản lý chỉ đạo của Hội VH-NT tỉnh, 1 tạp chí trực thuộc sự quản lý, chỉ đạo của Học viện Lục quân. Toàn tỉnh có trên 10 đặc san và bản tin của các ban ngành; 9 văn phòng đại diện các cơ quan báo chí TW, địa phương, ngành và Thông tấn xã. Đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp tăng về chất và lượng. Cùng với sự phát triển chung của báo giới cả nước, 5 năm qua, báo chí Lâm Đồng đã không ngừng đổi mới, khẳng định và giữ vững vị thế của mình trong đời sống chính trị - xã hội.

PV Báo Lâm Đồng đang tác nghiệp
PV Báo Lâm Đồng đang tác nghiệp

 Báo Lâm Đồng

 Là cơ quan của Đảng bộ Đảng CSVN tỉnh; tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng được tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên, tạo điều kiện trên nhiều lĩnh vực để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Tháng 10 - 2010, Báo Lâm Đồng tăng kỳ xuất bản từ 3 số/tuần lên 4 số/tuần, trong đó Báo Lâm Đồng Cuối tuần được đổi mới và cải tiến tích cực. Hiện báo đang chuẩn bị các điều kiện để sắp tới tăng lên 5 kỳ/tuần, tăng mỗi số lên 12 trang. Hơn 2 năm qua, Báo Lâm Đồng Điện tử đã chính thức ra mắt bạn đọc; sự kiện này đã đánh dấu bước phát triển mới của Báo Lâm Đồng trong thời kỳ CNH-HĐH. Mặc dù mới ra đời nhưng Báo Lâm Đồng Điện tử đã nhanh chóng hòa nhập vào hệ thống báo điện tử trong cả nước, với lượng truy cập bình quân mỗi ngày gần 5.000 lượt. Ngoài ra, Báo Lâm Đồng cũng đã thực hiện tốt việc xuất bản bản tin ảnh “Dân tộc - miền núi” định kỳ mỗi tháng một số, với số lượng 4.500 bản, phục vụ nhu cầu thông tin của hệ thống chính trị vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.Cũng trong thời gian này, Báo Lâm Đồng thành lập Văn phòng thường trú tại thành phố Bảo Lộc, phục vụ tích cực cho hoạt động báo chí khu vực 7 huyện, thành phía Nam tỉnh.

Cùng với việc tăng trang, tăng kỳ, duy trì và nâng cao chất lượng các mục "Thời sự - Chính trị; Kinh tế; Văn hóa - Xã hội; Đời sống - Pháp luật; Tòa soạn - Bạn đọc", Báo Lâm Đồng cũng đã mở rộng nội dung thông tin, tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, kịp thời cập nhật những sự kiện chính trị, thời sự, phục vụ nhu cầu thông tin của nhân dân các dân tộc tỉnh nhà như chuyên mục: Du lịch; Văn hóa - Nghệ thuật; Gia đình - Đời sống; Nhìn ra 4 phương và Thể thao cuối tuần. Thành công nổi bật nhất của Báo Lâm Đồng trong nhiệm kỳ qua là sự cải tiến, đổi mới về nội dung và hình thức. Mặc dù đội ngũ phóng viên còn mỏng, chỉ có hơn 20 nhà báo trực tiếp tác nghiệp, nhưng nhờ củng cố tổ chức, chú trọng phát triển Đảng trong đội ngũ phóng viên, tăng cường tính định hướng chính trị; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp và tích cực xây dựng đội ngũ cộng tác viên chuyên nghiệp nên Báo Lâm Đồng đã bám sát cơ sở, nắm bắt kịp thời những sự kiện chính trị, cũng như những vấn đề nẩy sinh từ thực tiễn. Từ đó làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều bài viết mang hơi thở cuộc sống. Nhờ đi sát thực tế, 5 năm qua Báo Lâm Đồng đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, phát hiện và nêu gương nhiều nhân tố điển hình, nhiều tấm gương sáng tạo; người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; kịp thời đăng tải nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm, mạnh dạn đấu tranh chống tiêu cực; chống tham ô, lãng phí.

Có thể khẳng định rằng, 5 năm qua là thời kỳ Báo Lâm Đồng đã thể hiện sự năng động, sáng tạo trong hoạt động báo chí chuyên nghiệp… Với những thành tích nêu trên, tháng 8 năm 2012, Báo Lâm Đồng vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều Bằng khen của Tỉnh ủy; UBND tỉnh.

Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng

Thực hiện Thông tư 17 của Bộ Thông tin- Truyền thông về việc tổ chức sắp xếp mô hình quản lý TT-TH cơ sở, đầu năm 2010, hệ thống các Đài Truyền thanh, Truyền hình huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh được tách ra khỏi Đài PT-TH tỉnh, trực thuộc sự quản lý của các huyện, thành phố. Sự thay đổi này đã tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động thông tin tuyên truyền đối với loại hình báo chí PT-TH.

Được sự quan tâm của tỉnh, 5 năm qua, Đài PT-TH Lâm Đồng đã được đầu tư bổ sung các thiết bị chuyên dụng, phục vụ hoạt động tác nghiệp của phóng viên và bộ phận sản xuất chương trình. Đặc biệt, năm 2009, Đài được trang bị hệ thống lưu động thu phát hình trực tiếp khá hiện đại, trị giá hơn 10 tỷ đồng. Tháng 9 năm 2011, Truyền hình Lâm Đồng đã chính thức phát sóng lên vệ tinh VINASAT đưa thông tin về kinh tế - xã hội Lâm Đồng đến với hơn 40 tỉnh, thành trong cả nước. Đây được coi là bước đột phá của Đài trong sự nghiệp phát triển báo chí tỉnh nhà nói chung và báo nói, báo hình nói riêng. Bên cạnh đó, việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tổ chức sắp xếp bộ máy được chú trọng. Hiện nay, Đài PT-TH Lâm Đồng có trên có 170 cán bộ, viên chức, trong đó có 129 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, 10 phòng chuyên môn, tạo điều kiện cho công tác quản lý và hỗ trợ phối hợp thực hiện tốt nghiệp vụ. Mặt khác, nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, được sự đồng ý của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đài đã thành lập Đảng bộ Đài PT-TH Lâm Đồng thay cho chi bộ trước đây.

Những thay đổi nói trên đã góp phần tạo nên những bước chuyển mới trong hoạt động báo nói và báo hình. Đối với Phát thanh, ngoài việc phát huy hiệu quả các chuyên mục đã được xây dựng từ trước, Đài đã xây dựng mới một số chuyên mục; thường xuyên cải tiến phương pháp thể hiện. Đặc biệt, việc tăng thời lượng phát thanh trực tiếp từ 120 phút/ngày lên 150 phút/ngày, đã cập nhật kịp thời những sự kiện quan trọng trong tỉnh, trong nước, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu nghe đài của nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.

Chương trình Truyền hình Lâm Đồng cũng đã có những bước phát triển mới. Số giờ phát sóng từ chỗ chỉ thực hiện 16 tiếng/ ngày nay đã tăng lên 22 tiếng/ngày với các chuyên mục được xây dựng mới như "Du lịch cuối tuần", được thực hiện với sự phối hợp với các Đài PT-TH Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên;... Thời lượng và chương trình Truyền hình phát sóng trực tiếp cũng đã tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Là một tỉnh Nam Tây Nguyên có nhiều dân tộc anh em, 5 năm qua, Đài đặc biệt quan tâm nâng chất lượng các chương trình phát thanh và truyền hình tiếng dân tộc thiểu số. Chọn lọc, gởi cộng tác phát trên sóng VTV5 Đài THVN nhiều chương trình, bản tin, phóng sự có chất lượng cao. 5 năm qua, Đài PT-TH Lâm Đồng đã có nhiều tác phẩm, nhiều chương trình về đề tài dân tộc thiểu số đoạt được giải cao tại các kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc. Bên cạnh đó, Đài PT-TH tỉnh còn tiếp tục trang bị các phương tiện nghe nhìn cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đưa tiếng nói của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, cơ bản khắc phục vùng trắng sóng PT-TH. Với những kết quả đạt được, từ năm 2007 đến nay, Đài PT-TH Lâm Đồng đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Hai cùng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh; được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc toàn ngành…

Cùng với các cơ quan báo chí trong tỉnh, văn phòng đại diện các báo tại Đà Lạt - Lâm Đồng cũng đã góp phần làm sinh động hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh các hoạt động tác nghiệp, văn phòng đại diện các báo, phóng viên thường trú đều có mối quan hệ gắn bó với Hội Nhà báo VN tỉnh Lâm Đồng.

Phân xã Lâm Đồng (TTXVN), dù chỉ có 2 phóng viên chính thức, 2 phóng viên hợp đồng nhưng đã thường xuyên bám sát chủ đề tuyên truyền, phản ảnh kịp thời những sự kiện thời sự trên địa bàn tỉnh. Tất cả những nội dung thông tin của Phân xã Lâm Đồng đều đảm bảo tính trung thực, có định hướng. Nhiều tác phẩm đã đi vào phân tích lý giải vấn đề một cách sâu sắc. Từ năm 2010, Phân xã Lâm Đồng được tăng cường nhân lực, đầu tư thiết bị tác nghiệp truyền hình, từ đó Phân xã Lâm Đồng đã thông tin, tuyên truyền về Lâm Đồng trên hai loại hình báo chí: Báo in và Truyền hình. 5 năm qua, Phân xã Lâm Đồng đã thực hiện hơn 3.000 tin bài cho Thông tấn xã Việt Nam và hơn 200 tin, bài truyền hình phát trên kênh Truyền hình TTXVN.

Văn phòng đại diện các báo: Nhân dân, Thanh niên, Sài Gòn giải phóng, Quân đội Nhân dân, Tuổi trẻ, Đời sống - Pháp luật, Doanh nghiệp và phóng viên thường trú  các cơ quan báo chí: Tiền phong, Công an thành phố Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã đi sâu, đi sát cơ sở, thông tin toàn diện về chính trị - kinh tế - xã hội, các sự kiện quan trọng của Lâm Đồng. Đồng thời các báo cũng thẳng thắn phản ánh, phê phán những việc làm chưa tốt trên mọi lĩnh vực, góp phần làm lành mạnh đời sống xã hội; trong đó nhiều bài báo được dư luận đồng tình, nhất là những bài báo mang tính phát hiện cao trên các lĩnh vực: Bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa, cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch đô thị, bảo vệ rừng, và các vấn đề xã hội. Tính chung trong nhiệm kỳ qua, văn phòng đại diện các báo và phóng viên thường trú đã thực hiện hàng chục ngàn tin, bài, ảnh báo chí, trong đó Báo Nhân dân, Báo Sài Gòn giải phóng, Báo Quân đội nhân dân, Thanh niên, Tuổi trẻ, Thường trú Đài TNVN đã dành dung lượng đáng kể thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và những sự kiện quan trọng của Lâm Đồng. Tuy nhiên, bên cạnh các tin bài phản ánh trung thực vẫn còn có những trường hợp nhà báo đưa thông tin thiếu chính xác, phản biện thiếu tính xây dựng ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành của chính quyền các cấp cũng như các ban ngành địa phương...  

Tạp chí "Chiến thuật, chiến dịch" Học viện Lục quân; các đặc san, bản tin: Thông tin - Truyền thông (Sở TT-TT); Văn hóa - Thể thao - Du lịch (Sở VH-TT-DL); Khoa học - Công nghệ (Sở Khoa học - Công nghệ); Bản tin Y tế (Sở Y tế); Bản tin Thanh niên (Tỉnh Đoàn); Lao động Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh); Lý luận chính trị và thực tiễn (Trường Chính trị); Cao nguyên xanh (Hội Nông dân); Khuyến công (Sở Công Thương), Tạp chí Lang Bian (Hội VH - NT Lâm Đồng), Đặc san “Đà Lạt info” (Trung tâm xúc tiến Thương mại - Du lịch và Đầu tư tỉnh)… đã có những cải tiến phù hợp, duy trì khá tốt định kỳ xuất bản. Nội dung thông tin đúng tôn chỉ, mục đích. Nhiều năm liên tục cùng với Hội Nhà báo VN tỉnh Lâm Đồng thực hiện thành công Hội báo Xuân.

Riêng bản tin nội bộ của Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, 5 năm qua vẫn duy trì đều đặn định kỳ xuất bản mỗi tháng một số. Số lượng mỗi kỳ xuất bản đạt gần 5.000 bản, kịp thời đưa thông tin về các cơ quan, ban ngành và các tổ chức cơ sở Đảng trong toàn tỉnh. Từ năm 2008 đến nay, bản tin nội bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xuất bản hơn 300.000 bản, cập nhật khá đầy đủ và kịp thời các sự kiện, vấn đề quan trọng của đất nước cũng như của địa phương. Thông tin có chọn lọc về tình hình thế giới và các quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại. Đây là kênh thông tin rất bổ ích và cần thiết đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh.

5 năm qua, Truyền hình cáp NTH đã không ngừng phát triển với số lượng thuê bao lên hơn 80.000, tăng hơn 50.000 thuê bao so với cách đây 5 năm. Có thể nói, đây là kênh phát hành báo hình với những ưu thế nhất định, góp phần làm tăng thêm hiệu quả tuyên truyền. Hiện nay, Truyền hình Cáp NTH đã tiếp và phát 65 kênh, tăng 25 kênh, tổng kinh phí đầu tư trên 60 tỷ đồng. Nội dung thông tin đều có sự chọn lọc chặt chẽ.

Phát triển cùng với hệ thống truyền hình cáp, tháng 12 năm 2009, hệ thống truyền hình chất lượng cao qua mạng viễn thông Lâm Đồng với tên gọi MyTV cũng đã chính thức ra đời. Sau gần 3 năm hoạt động, MyTV đã phát triển hơn 9.700 thuê bao, phục vụ khách hàng gần 100 kênh. Sự ra đời của truyền hình chất lượng cao qua mạng viễn thông đã góp phần làm phong phú và nâng cao chất lượng dịch vụ truyền hình, đáp ứng đa dạng các hình thức phát hành loại hình báo chí truyền hình đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội V Hội Nhà báo VN tỉnh về việc nâng cao chất lượng đặc san “Người Làm báo”, ngay từ đầu nhiệm kỳ BCH Hội đã xác định tiêu chí của ấn phẩm để từ đó tiến hành cải tiến nội dung và hình thức. Nếu trước đây, đặc san “Người Làm báo” Lâm Đồng chỉ mang tính chất lý luận nghiệp vụ làm báo, lưu hành nội bộ trong hội viên, thì BCH Hội nhiệm kỳ V đã coi đặc san “Người Làm báo” là tiếng nói của Hội, đồng thời là diễn đàn của những người làm báo cũng như của những người yêu thích nghề báo. Từ việc xác định các tiêu chí nói trên, BCH Hội đã thống nhất cải tiến nội dung, mở rộng phạm vi tuyên truyền, xây dựng mới các chuyên mục phù hợp với vị trí, vai trò của Hội trong tình hình mới. Đi đôi với việc cải tiến nội dung, BCH Hội cũng tiến hành đổi mới hình thức và từ đó mở rộng phát hành đặc san. Sự cải tiến đồng bộ ấy đã thực sự đem lại những kết quả đáng mừng. Nếu cuối nhiệm kỳ trước, đặc san được xuất bản theo định kỳ mỗi tháng một số, 44 trang, số lượng phát hành 2.000 bản, thì nhiệm kỳ qua, số lượng một kỳ xuất bản tăng lên 4.000 đến 4.500 cuốn, số trang cũng tăng lên 54 trang. Đặc biệt, năm 2009, Hội đã phối hợp với Truyền hình Cáp NTH xây dựng mới chuyên mục “Thế giới trong nhà”, đưa đặc san đến với nhân dân thông qua các thuê bao truyền hình cáp với số lượng 3.000 bản cho một kỳ phát hành; phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo; Sở Lao động - Thương binh - Xã hội; Thành ủy, UBND thành phố Đà Lạt và Công ty 7/5 đưa thông tin về cơ sở.

Về nội dung, ngoài việc thông tin, phân tích, bình luận, tuyên truyền những sự kiện quan trọng, đặc san tập trung đi sâu một số chuyên đề về đạo đức người làm báo; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; biển đảo Trường Sa; chuyên đề về văn hóa - du lịch; chuyên đề về rừng... Bên cạnh đó đặc san cũng dành dung lượng nhất định cho các tác phẩm chống quan liêu, tham nhũng, các biểu hiện tiêu cực cũng như những vấn đề còn bất cập trong đời sống xã hội… Nhiều điển hình tiên tiến, nhiều mô hình mới, ý tưởng mới được đặc san phản ảnh khá đậm nét. Ngoài ra, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của đông đảo hội viên và độc giả, BCH Hội mạnh dạn tăng cường những bài viết chính luận, những bài viết phản biện có tính chiến đấu cao.

Dẫu chưa phải đã đáp ứng vẹn toàn nhu cầu thông tin của độc giả, khán thính giả nhưng với những kết quả nêu trên, đã chứng minh rằng 5 năm qua hệ thống báo chí Lâm Đồng phát triển một cách toàn diện, thể hiện rõ vai trò là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân. Báo chí luôn tuân thủ các nguyên tắc của báo chí cách mạng, giữ vững định hướng tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức phát hành đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, đồng thời cũng đưa được tiếng nói của nhân dân đến với Đảng và Nhà nước.

                                         TH.H (Theo Hội Nhà báo VN tỉnh Lâm Đồng)