Tích cực xây dựng phong trào “Trường học thân thiện - học sinh tích cực”

02:09, 23/09/2012

Trong những năm qua, cùng với Phòng Giáo dục huyện, Công đoàn Ngành Giáo dục huyện Đức Trọng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực” tại tất cả các CĐCS trong huyện, góp phần không nhỏ vào việc tạo ra một diện mạo mới về môi trường sư phạm tại các nhà trường trong huyện.

Trong những năm qua, cùng với Phòng Giáo dục huyện, Công đoàn Ngành Giáo dục huyện Đức Trọng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực” tại tất cả các CĐCS trong huyện, góp phần không nhỏ vào việc tạo ra một diện mạo mới về môi trường sư phạm tại các nhà trường trong huyện.

Học sinh xuất sắc năm học 2011-2012 nhận Giấy khen của UBND huyện Đức Trọng
Học sinh xuất sắc năm học 2011-2012 nhận Giấy khen của UBND huyện Đức Trọng


Ngay từ đầu năm học 2008-2009, Công đoàn Giáo dục huyện Đức Trọng đã xây dựng kế hoạch số 07/2009-KH-CĐGD về hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực” do Bộ và Sở Giáo dục - Đào tạo phát động. Cụ thể, Công đoàn Giáo dục huyện đã chỉ đạo 72 CĐCS triển khai phong trào thi đua theo từng thời gian cụ thể của từng năm học. Ví dụ, trong khoảng thời gian tháng 8, 9, các cấp CĐCS tập trung thực hiện tốt công tác vận động học sinh ra lớp theo địa bàn được phân công, làm tốt công tác tuyển sinh đầu năm học; trong khoảng tháng 10, 11: Thông qua các ngày lễ như 20-10, 20-11, tổ chức sinh hoạt chính trị sâu rộng trong đội ngũ GV-CNV-LĐ về phong trào thi đua “Trường học thân thiện - học sinh tích cực”, phối hợp với chính quyền tổ chức thao giảng, dự giờ, xây dựng các chuyên đề nhằm đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao khả năng giao tiếp, ứng xử sư phạm và nâng cao hiệu quả đào tạo, tích cực phụ đạo học sinh yếu để nâng cao hiệu quả giảng dạy và duy trì sĩ số; tháng 12 và 1: Tích cực phụ đạo học sinh yếu, tổ chức kỳ thi học kỳ nghiêm túc theo tinh thần cuộc vận động “Hai không”…

Bên cạnh đó, các CĐCS phối hợp cùng nhà trường tuyên truyền vận động đoàn viên là giáo viên chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phân hóa với từng đối tượng học sinh; tăng cường khả năng giao tiếp, ứng xử sư phạm trong trường học; chú trọng công tác giáo dục rèn kỹ năng sống cho học sinh, quan tâm quyên góp giúp đỡ, chăm sóc các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, ốm đau, bệnh tật…

Từ chỉ đạo cụ thể của Công đoàn Ngành Giáo dục huyện, hàng năm, các CĐCS đều xây dựng kế hoạch về “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực”; coi đây là một tiêu chí thi đua của tập thể, cá nhân và bình xét vào cuối học kỳ, năm học. Đồng thời, tập trung triển khai bằng nhiều hoạt động khác như: Phát động mỗi đoàn viên công đoàn sưu tầm một trò chơi dân gian vào trường học; các CĐCS còn tích cực đăng ký các công trình cây xanh, mua hàng trăm chậu hoa, cây cảnh trang trí trường học, phòng nghỉ của giáo viên, phòng họp hội đồng… Mỗi trường với khả năng của mình, đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục về bảo vệ, xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp và an toàn. Đến nay, hầu hết các trường học trong huyện đã có sân trường, hàng rào, cổng trường, khu vệ sinh, khuôn viên cây xanh, cây cảnh thoáng mát, sạch sẽ…

Cùng với phong trào “5 có” trong nhà trường, học sinh cũng được chăm lo hơn qua phong trào "3 đủ" (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) và phong trào “Trường giúp trường” cũng được các trường nhiệt tình tham gia. Cụ thể, trong năm học vừa qua, Trường THCS Lê Hồng Phong giúp Trường THCS Tà Năng quà và học bổng cho học sinh với số tiền trị giá 7 triệu đồng, Trường THCS Hiệp Thạnh giúp Trường Tiểu học K’Nai trị giá trên 4 triệu đồng… và hàng ngàn cuốn sách, vở, bút viết, hàng chục thùng quần áo cũng đã được các CĐCS tại các trường triển khai, nhằm giúp đỡ các em học sinh vùng sâu, vùng xa. Phương pháp giáo dục cũng ngày càng được đổi mới, giúp học sinh hứng thú hơn với việc học. Không chỉ học chữ, các em còn được nhà trường rèn luyện kỹ năng sống; các hoạt động ngoại khóa được tăng cường; trò chơi dân gian được khơi dậy trong trường học...

Ông Nguyễn Thiện Tiến, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục huyện Đức Trọng cho biết, song song với các hoạt động của những nội dung đã nêu trên, từ năm học 2009-2010, dưới sự chỉ đạo của Công đoàn Giáo dục huyện Đức Trọng, các cơ sở giáo dục rất quan tâm triển khai xây dựng “Văn hóa nhà trường”, nhằm xây dựng phong cách giao tiếp, ứng xử nơi công sở, phong cách giao tiếp giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh; tập trung xây dựng, chấn chỉnh nề nếp, kỷ cương, tác phong, kỷ luật lao động. Mỗi một trường học đã xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa riêng của trường mình, tập trung xây dựng mối quan hệ bình đẳng, ứng xử văn hóa, nêu cao tinh thần trách nhiệm của CB-GV-CNV. Kết quả nổi bật của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực” trên địa bàn huyện Đức Trọng trong thời gian qua chính là đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục và nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ trong mọi cấp, mọi ngành và được phụ huynh học sinh đồng tình ủng hộ.

THY VŨ