Tuy còn gặp không ít khó khăn, nhưng cơ bản bà con DTTS địa phương đã có cuộc sống ổn định, các chính sách đầu tư phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS đã được chính quyền địa phương triển khai có kết quả.
Ban Dân tộc tỉnh vừa có đợt kiểm tra tình hình dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc tại huyện Đam Rông - “huyện 30a” duy nhất của tỉnh. Tuy còn gặp không ít khó khăn, nhưng cơ bản bà con DTTS địa phương đã có cuộc sống ổn định, các chính sách đầu tư phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS đã được chính quyền địa phương triển khai có kết quả.
Kết quả kiểm tra của Ban Dân tộc tỉnh cho thấy vụ đông xuân 2012 tổng sản lượng lương thực của Đam Rông ước đạt 19.099 tấn, năng suất lúa đạt trên 4 tấn/ha; dịch bệnh không xảy ra trên cây trồng, vật nuôi. Huyện đang tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, năm học mới đã được khai giảng với cơ sở vật chất đã được đầu tư đầy đủ, khang trang so với các năm học trước. Điều đáng phấn khởi là tuy đang là mùa giáp hạt và tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao (34,19%) so với tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh nhưng tại Đam Rông hiện đã không còn hộ đói Nhà nước phải trợ cấp khó khăn về lương thực. Điều này cho thấy Đam Rông cơ bản đã bảo đảm được an ninh lương thực tại chỗ, và là kết quả của việc Đảng bộ và chính quyền huyện cũng như các địa phương của huyện đã huy động được các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; triển khai đồng bộ các chương trình, dự án Nhà nước đang đầu tư tại địa bàn như Đề án 30a, Chương trình 135 (giai đoạn 2), Chương trình Định canh - Định cư…
Năm 2012 này, nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho Chương trình 135 (giai đoạn 2) tại Đam Rông là 19,443 tỷ đồng (trong đó vốn năm 2011 thực hiện năm 2012 là 11,443 tỷ, vốn kế hoạch năm 2012 gần 8 tỷ cho 8 xã) để xây dựng 20 công trình hạ tầng như trường học, đường giao thông nông thôn, đào tạo cán bộ thôn xã và cán bộ cộng đồng, hỗ trợ sản xuất… đều đang được giải ngân theo tiến độ. Chương trình Định canh - Định cư triển khai tại thôn 4, xã Rô Men và tiểu khu 194, xã Liêng Srônh khối lượng thực hiện đạt từ 67% tới 90%. Các mặt hàng chính sách tổng trị giá gần 1,6 tỷ đồng cũng đã được hỗ trợ trực tiếp cho 3.096 hộ và cấp không thu tiền (dầu lửa) cho 1.565 hộ; hiện nay, Đam Rông đang tiến hành thực hiện kế hoạch hỗ trợ giống cây trồng để đồng bào DTTS trồng mới 20 ha cà phê catimo, 15 ha dâu tằm và 15 ha cây ăn quả.
Là địa phương đang được thụ hưởng Đề án 30a về “Xoá nghèo nhanh và bền vững” của Nhà nước, từ đầu năm 2012 tới nay, Đam Rông đã chuẩn bị hiện trường, phát dọn thực bì và ươm 3 triệu cây giống lâm nghiệp để giao khoán cho các hộ DTTS nghèo trồng mới 600/700 ha rừng tập trung thuộc kế hoạch 2012, qua các chương trình lồng ghép cũng đã có 3.194 hộ dân được nhận quản lý bảo vệ 43.368,5 ha rừng. Đồng thời huyện cũng đã mở được 15 lớp đào tạo các nghề đan móc, xây dựng và hàn tiện ngắn hạn cho 128 học viên (trong đó 15 lao động sau học nghề đã đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc và Malaixia), các lớp dạy nghề về kỹ thuật thâm canh cà phê và sửa chữa xe máy cũng đang được chuẩn bị tổ chức. Tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản thuộc Đề án 30a là 40,919 tỷ đồng - chưa kể nguồn vốn từ các đơn vị tài trợ - đã được bố trí cho 11 công trình chuyển tiếp và 5 công trình có tính thiết yếu cao khởi công mới trong năm.
Khẳng định của Ban Dân tộc tỉnh sau khi kiểm tra thực tế tình hình dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc tại huyện Đam Rông từ đầu năm 2012 tới nay là bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa của huyện đã có nhiều thay đổi tích cực. Việc thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và chính quyền các cấp địa phương đã tạo được bước chuyển biến về phát triển nông - lâm nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, cải thiện hệ thống hạ tầng, tập trung xóa đói giảm nghèo, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào DTTS đã từng bước được cải thiện, năng lực của cán bộ cơ sở cũng đã nâng lên so với trước; Đặc biệt là qua việc thực hiện chính sách dân tộc thông qua các chương trình dự án do Nhà nước đầu tư bà con DTTS đã biết sử dụng giống mới, biết ứng dụng KHKT vào thực tế sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, từ đó nâng cao thu nhập và đời sống…
Để đời sống của bà con DTTS ngày càng tốt hơn, hiệu quả của những chương trình dự án được Nhà nước đầu tư thực hiện chính sách dân tộc tại địa bàn ngày càng cao, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã chỉ ra những vấn đề mà huyện Đam Rông cần sớm khắc phục như: Kết quả giảm nghèo chưa có tính bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo còn cao. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cần được thực sự quan tâm hơn khi quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng. Tình trạng dân di cư tự do tới địa phương lấn chiếm đất rừng trái phép và lấn chiếm đất sản xuất của bà con DTTS địa phương để sản xuất nông nghiệp, vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực Tây Sơn cũ vẫn đang xảy ra gây bức xúc cho nhân dân và làm ảnh hưởng xấu tới an toàn xã hội tại địa phương.
Xuân Đức