Vào lúc 4 giờ mỗi sáng, ở xã Đại Lào (Bảo Lộc), người ta thường thấy một ông già trên 80 tuổi, da ngâm với gương mặt phúc hậu đi bộ để tập thể dục trước cổng Trường Lê Thị Pha. Gặp người quen, ông chào thân mật, rồi lặng lẽ bước…
Vào lúc 4 giờ mỗi sáng, ở xã Đại Lào (Bảo Lộc), người ta thường thấy một ông già trên 80 tuổi, da ngâm với gương mặt phúc hậu đi bộ để tập thể dục trước cổng Trường Lê Thị Pha. Gặp người quen, ông chào thân mật, rồi lặng lẽ bước…
Ông Phan Văn Toan |
Ông già ấy tên là Phan văn Toan, sinh năm 1930 tại Viêng Chăn, lớn lên ở Xiêng Khoảng. Cả đời ông dường như đã đi và sống khắp đất nước Triệu Voi này, nơi ông ở lâu nhất là tỉnh Xiêng Khoảng. Trên bản đồ Lào, Xiêng Khoảng là một cao nguyên rộng lớn phía Đông giáp với Nghệ An. Đó là nơi rừng rậm nhiều tầng, núi đồi trùng điệp. Xiêng Khoảng cũng là mảnh đất bị hàng trăm lần cày xới bằng bom đạn hủy diệt. Và, cũng chính nơi ấy đã hình thành những con người “chai lì” với bom đạn, không tiếc máu xương giành từng tấc đất của cha ông để lại, giữ được truyền thống lịch sử, đoàn kết và thương yêu nhau trong chiến tranh cũng như hòa bình. Giữa khu rừng ở phía Đông của tỉnh lỵ này là Cánh đồng Chum. Mãi đến bây giờ, cánh đồng mang tên các hiện vật chum chóe này vẫn còn nhiều kỳ bí chưa được giải mã vì lượng bom đạn dầy đặc trong thời chiến. Vị lãnh đạo Neo Lào Hắc Xạt từng đánh giá nước Lào như một con voi trắng, khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, là đầu voi. Ai cưỡi được trên đầu voi, thì người đó làm chủ nước Lào. Chính vì vậy, Cánh đồng Chum trải qua các triều đại vẫn là điểm “nóng” của các thế lực. Tại cánh đồng này, còn là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt - Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Đó không chỉ là tuyến vận tải chiến lược, mà còn là một căn cứ kháng chiến với những tuyến đường huyết mạch nối liền cả 3 nước Đông Dương, tạo thế liên hoàn vững chắc.
Được hỏi vì sao ông sinh ra ở Lào, nhưng cuối đời lại về Việt Nam sinh sống. Ông vui vẻ hẳn lên như nhớ thời oanh liệt trai trẻ của mình sống trên nước bạn. Ông chậm rãi kể: Bố tôi người Nam Định. Năm 1922, ông đi phu làm đường từ Nghệ An qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Đến năm 1923, ông tiếp tục mở đường sang Savanakhet, Tà Khẹt, Pà Thụi đến Viêng Chăn rồi định cư tại Lào. Tôi được sinh ra ngay tại thủ đô nước bạn. Sau khi học hết phổ thông, tôi chuyển sang học chương trình Pháp. Năm 1952, tôi lập gia đình với một phụ nữ Việt kiều Thái Lan (cũng ở tại Lào). Chúng tôi sống với nhau đến năm 1970 mới về nước. Tôi sống ở Lào tổng cộng được 40 năm và là một công dân nước Lào thật sự. Sau này, tôi tham gia quân đội ở Đoàn 83 Hạ Lào. Chuyện chiến tranh và tình đoàn kết Việt - Lào, báo, đài mình đã đưa tin nhiều rồi, nên chúng ta chỉ chia sẻ với nhau về văn hóa và lịch sử. Nước Lào rộng 236.800 km2 với dân số trên 7 triệu người. Về lịch sử, Lào có những nét tương đồng như Việt Nam mình. Nghĩa là các triều đại, vua chúa trị vì; sau đó, đến thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ và cuối cùng là đức vua thoái vị nhường lại cho Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lãnh đạo các bộ tộc đứng lên giành độc lập trở thành nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân. Tuy nhiên, về phong tục tập quán vẫn mang bản sắc rất riêng. Đó là văn hóa Lào. Thuật ngữ “Triệu Voi” bắt đầu từ Vương Quốc Lạn Xang. Theo tiếng Lào, Lạn có nghĩa là Triệu, Xang là Voi. Lào là một quốc gia chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa lớn nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Hoa. Vì vậy, nhân dân Lào đã hấp thụ hai nền văn hóa ấy để hình thành một nền văn hóa đặc sắc cho riêng mình. Thực ra, văn hóa Lào mang nặng tôn giáo Phật giáo theo trường phái tiểu thừa. Cho đến bây giờ, Phật giáo được xem như là quốc đạo, vì có đến gần 90% dân chúng theo đạo Phật. Người Lào gần như thấm nhuần lời Phật dạy, một mực kính trọng các bậc tăng ni và sư sãi trong chùa. Với dân số 7 triệu dân, nhưng có đến 1.400 ngôi chùa lớn, nhỏ. Đối với tết, người Lào không gọi là ăn tết mà gọi là vui tết. Những ngày vui tết, có lẽ Tết Té Nước được ăn sâu vào tâm thức của người Lào nhất. Lễ và hội này được diễn ra vào ngày 13 đến 16 tháng 4 âm lịch hàng năm. Đó là thời điểm giao mùa mưa - nắng, với những sông suối và cánh đồng khô hạn. Buổi lễ bắt đầu từ sáng sớm. Mọi người đều ăn mặc đẹp, lên chùa dự lễ tắm Phật, sau đó té nước cho nhau, thậm chí té cả vào súc vật và cây cối trong vườn mang hình ảnh tặng cho nhau nguồn nước mát. Trong văn hóa giao tiếp, một người Lào lịch sự sẽ không bao giờ xoa đầu hay choàng vai, bá cổ nhau (kể cả trẻ em). Mỗi lần gặp nhau, người dưới chắp tay chào người trên, trẻ em chắp tay chào người lớn. Trong trường hợp bình thường, hai tay chắp trước ngực; còn trong lúc trang trọng, chắp tay lên ngang mặt, đầu cúi xuống. Cuộc sống gia đình và dòng tộc cũng như hàng xóm, họ rất quý trọng chữ “tín”. Vì vậy, trong xã hội Lào, tình trạng ly hôn rất ít khi xảy ra, vì đạo đức và tình người được xem là tiêu chuẩn hàng đầu của một gia tộc…
Thủ đô Viêng Chăn – Lào. Ảnh: Thanh Toàn |
Ông Toan về nước và sống ở Bảo Lộc nhiều năm, nói tiếng Việt thành thạo nhưng phong cách diễn đạt và quan hệ xóm giềng vẫn đậm nét văn hóa Lào, âm điệu từ từ, khoan thai, nhỏ nhẹ rất tình cảm. Ông cho tôi xem những tấm ảnh đã ố vàng thời trai trẻ bên đất nước Triệu Voi. Có ảnh đứng bên cạnh đại sứ Lào và có ảnh được chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tất cả được ông xem như những kỷ niệm quý báu của đời người. Hàng ngày 4 giờ sáng, tôi thường theo ông đi bộ, được nghe về huyền thoại của xứ sở hoa Chămpa, của từng ngôi chùa, những đặc trưng về tu hành của phái tiểu và đại thừa của Phật Giáo…. Ông nói: “Cả một đời người, tôi sinh ra và lớn lên trên đất Triệu Voi. Tôi xem đất nước Lào như là Tổ quốc thứ hai của mình. Khi trở về Việt Nam, tôi mang theo hình ảnh con người và văn hóa Lào về nước kết hợp với cuộc sống thực tại nước mình. Trong cuộc sống mà vật chất “lên ngôi” như hôm nay, không ít người chạy theo sở thích riêng, đã quên đi tính bản thiện mỗi con người. Tôi thích nhất câu triết lý của người Lào là: “Điều gì không giúp cho người ta được, thì đừng gây khó khăn cho họ!”. Có lẽ, tôi được ảnh hưởng nhiều về văn hóa Lào. Người Lào không thích chiến tranh cũng không thích gây bất hòa với ai. Họ thích sống hòa bình, lặng lẽ đặc quánh tình người, từ những lúc cơ hàn đến khi giàu có. Hiện nay, những anh em, bạn bè tôi còn rất nhiều ở đấy. Cuộc sống đã đổi thay, nhưng mỗi lần có dịp gặp nhau, họ vẫn tình cảm như xưa. Đó là nét đặc trưng của người Lào bản địa. Tôi mong thế hệ kế thừa luôn luôn học tập và nhớ lời Bác Hồ dạy: “Việt Lào hai nước chúng ta, vừa là đồng chí vừa là anh em”. Đó là tình đoàn kết keo sơn hai dân tộc của tôi.
Ghi chép: TRẦN ĐẠI