Đổi đất xây trường học

02:09, 18/09/2012

Người dân địa phương bán các khoảng đất rộng bên trong cho trường học, nhường mảnh đất hẹp mặt tiền đường lộ của trường lại cho các hộ dân này làm ăn.

Để có ngôi trường đạt chuẩn quốc gia, nhà trường cùng các cấp chính quyền Di Linh đã vận động người dân địa phương bán các khoảng đất rộng bên trong cho trường học, nhường mảnh đất hẹp mặt tiền đường lộ của trường lại cho các hộ dân này làm ăn.

Trường Tiểu học Phú Hiệp
Trường Tiểu học Phú Hiệp


Nằm gần đèo Phú Hiệp trên Quốc lộ 20 đường nối Đà Lạt đi TP HCM, Tiểu học Phú Hiệp, thôn Phú Hiệp 1, xã Gia Hiệp Di Linh, năm học 2012 - 2013 này có gần 400 học sinh ở 15 lớp, từ lớp 1đến lớp 5. Trước đây, đây là phân hiệu của Tiểu học Gia Hiệp, được tách ra trong năm 1997 để hình thành thêm một trường mới trên địa bàn. Trường mới xây dựng nơi đây nhằm mục tiêu huy động học sinh trong độ tuổi đi học của 4 thôn phía bắc xã Gia Hiệp, trong đó có những thôn khó khăn, thôn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đến trường. Trường hiện có 61 học sinh người K’ho địa phương đang cùng học sinh người Kinh tại các lớp.

Để từ một phân hiệu xập xệ trở thành một ngôi trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, có chất lượng dạy và học vào loại hàng đầu của GD Di Linh hiện nay dù nằm ở vùng xa vùng dân tộc khó khăn là một hành trình đầy thú vị của Tiểu học Phú Hiệp, trong đó nổi lên việc “đổi đất xây trường” - một cách làm rất độc đáo của chính quyền và ngành GD Di Linh.

Theo ông Đỗ Quang Đức, Hiệu trưởng Tiểu học Phú Hiệp, tháng 8/1997 khi tách ra từ Tiểu học Gia Hiệp, trường lúc đó hầu như chẳng có gì. Ngày ngày thầy trò chen chúc trong dãy phòng học 7 lớp chật chội ven Quốc lộ 20 đã xuống cấp trầm trọng. Đất sân trường chật, thiếu sân chơi cho học sinh, nhà vệ sinh ngoài trời không mái che tạm bợ, mùa khô chẳng có nước không dùng được. “Không đủ điều kiện tối thiểu cho việc dạy và học của học sinh” - ông Đức nhớ lại.

Không thể phát triển trường trên nền đất chật hẹp này, Ban Giám hiệu nhà trường đã đề xuất với chính quyền xã “đổi đất xây trường”: đất của trường với mặt tiền bên ngoài vốn có giá trị hơn sẽ bán lại cho người dân làm ăn, dùng tiền mua lại đất của dân sâu bên trong để có diện tích rộng hơn xây thêm lớp học, có chỗ cho học sinh chơi, không lo chuyện tai nạn giao thông. Đề xuất này được chính quyền địa phương ủng hộ. Trực tiếp các ngành chức năng của huyện đã xuống phối hợp với xã cùng ngành GD và trường đi vận động người dân nơi đây bán đất. Phương án được địa phương đưa ra: chia khoảnh đất của trường sát mặt lộ thành 9 lô, bán đấu giá cho người dân trong vùng, trong đó ưu tiên cho 5 hộ - bán đất cho trường.

Phải 4 năm, từ 2003 đến 2007, sau rất nhiều lần thuyết phục, 5 hộ dân mới đồng ý bán đất của mình cho chính quyền để xây trường mới. Cả 5 hộ này đã mua lại đất của trường cũ ven đường, xây nhà ổn định cuộc sống. Riêng nhà trường, từ khoảng 1.500 m2 đất ven lộ ban đầu, nay phần đất mới mua lại rộng gần 10 nghìn m2. Đất mới cách trường cũ chỉ chừng 200 m vào bên trong. Trên nền đất mới này, một ngôi trường mới 2 tầng 12 phòng học được xây dựng. Kinh phí xây dựng trường 2,9 tỷ đồng từ tiền bán đất đấu giá trường cũ còn lại sau khi đã thanh toán tiền mua đất xong, phần còn lại từ ngân sách huyện bù thêm vào.

Tháng 1/2009 ngôi trường trên đất mới hoàn tất. Nhưng sân trường lúc đó như một bãi hoang, cây cối, xà bần, gạch vôi vữa từ các nền nhà, tường rào cũ của người dân tháo dỡ bỏ lại ngổn ngang, hầm cầu nhà vệ sinh, hố phân từ các khu chăn nuôi cũ trên đất bốc mùi, nền thì cao thấp khác nhau. Con đường đất từ Quốc lộ 20 dẫn vào trường mùa mưa lầy lội đầy bùn. Nhà trường bước đầu vận động phụ huynh chung tay san lấp mặt bằng, trồng lại cây xanh cho trường. Tiếp đó, trường đến các doanh nghiệp trên địa bàn (trong đó có Xí nghiệp Gạch Tuy nen Hiệp Thành) để vận động giúp đỡ sửa lại con đường. Khi học sinh ổn định, nhà trường tiếp tục vận động doanh nghiệp trong huyện ủng hộ để làm nhà xe, phòng y tế, khu vệ sinh cho giáo viên và học sinh, xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho học sinh sử dụng hằng ngày. Trong 3 năm nay, từng bước, nhà trường đã vận động được tổng cộng trên 300 triệu đồng để biến sân trường phía trước thành một sân chơi cho học sinh, làm một sân bóng đá trồng cỏ lá gừng với đường chạy bao quanh, 2 nhà đọc sách mở, cầu trượt…

Điều ngạc nhiên cho nhiều người khi đến đây là ngôi trường tiểu học vùng nông thôn lại có khung cảnh đẹp như một công viên. Cây cỏ hoa lá trồng khắp nơi, bố trí hài hòa từ cổng vào đến sân trường, được chăm sóc cẩn thận và đặc biệt là trường cực kỳ sạch sẽ. Học sinh rất tuân thủ nội quy giữ gìn vệ sinh chung. Hằng ngày các em có hệ thống vòi rửa tay bằng nước sạch và xà phòng do nhà trường vận động tài trợ. Các lớp học được được trang trí vui mắt không thua kém các trường trong vùng đô thị.

Nhưng ấn tượng nhất vẫn là chất lượng dạy và học mà ngôi trường vùng nông thôn này đạt được. Trong những năm gần đây nhà trường hầu như không có học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh yếu kém không đáng kể, trên 80% học sinh khá giỏi. Năm học vừa qua trường có 13 học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, có nhiều học sinh tham gia giải toán qua mạng (trường có 1 phòng với 15 máy tính nối mạng). Toàn bộ giáo viên của trường đều đạt chuẩn đào tạo, trong đó 71 % vượt chuẩn, góp phần hình thành nên một bộ khung vững chắc cho trường. Trong 4 năm liền gần đây, nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, liên tục đạt tập thể lao động tiên tiến, xuất sắc cấp tỉnh và huyện. Không chỉ là một trong những trường tiểu học có chất lượng giáo dục hàng đầu của GD Di Linh hiện nay, trường còn là một trong những đơn vị tiêu biểu của phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của huyện và đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trong tháng 1/2011.

Viết Trọng