Giấc mơ sáng mắt của một anh hùng

10:09, 17/09/2012

(LĐ online) - Anh hùng lao động nổi tiếng của ngành bưu điện VN và của tỉnh Lâm Đồng Cill Mup Ha Kriêng.

(LĐ online) - Trong hai ngày 14 và 15.9 vừa rồi, một đoàn bác sỹ từ thiện ở TP HCM đã đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt tiến hành khám sàng lọc cho gần 600 bệnh nhân; trong đó, đã phẫu thuật đục thủy tinh thể cho gần 200 người. Anh hùng lao động nổi tiếng của ngành bưu điện VN và của tỉnh Lâm Đồng Cill Mup Ha Kriêng là một trong 600 bệnh nhân được khám sàng lọc nhưng không là một trong gần 200 người được mổ. Bác sỹ khám cho Ha Kriêng xong, lắc đầu: “Mắt mù có nguyên nhân từ bên trong, từ trên não bộ. Không thể phẫu thuật được!”. Tôi thấy Cill Mup Ha Kriêng rơm rớm nước mắt sau khi nghe bác sỹ nói.

Ha Kriêng cùng gia đình
Ha Kriêng cùng gia đình

Cách nay khoảng nửa tháng, buổi chiều, bỗng thấy… rảnh, tôi phóng xe từ Đà Lạt xuống dưới chân núi Langbian, đến thôn Bneur C, làng dệt thổ cẩm truyền thống khá nổi tiếng của người Chil, thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, để thăm Cill Mup Ha Kriêng. Tôi thăm anh như là hai người quen biết ghé thăm nhau vậy thôi. Bởi lẽ, tôi quen với bố vợ Ha Kriêng từ đầu những năm 90, khi ấy Cill Mup Ha Riêng chỉ mới là một anh nhân viên bưu tá bình thường chứ chưa phải là một anh hùng lao động như bây giờ.

Năm nay, Cill Mup Ha Kriêng chỉ mới 56 tuổi nhưng anh đã về hưu cách nay 7 năm – năm 2008. Sau khi về hưu khoảng hơn một năm, bất ngờ bệnh u não trong anh bùng phát. Và, sau khi phẫu thuật, mắt anh bỗng mờ dần và đến lúc này gần như mù hẳn, còn “đôi chân huyền thoại” ngày nào giờ bước đi không vững và cả hai tay cũng cứ lập cập, lẩy bẩy, chẳng còn tuân theo sự điều khiển của cái đầu.

Chị Rơông Ka Hai, vợ anh hùng lao động Cill Mup Ha Kriêng, thấy tôi đến vội bỏ dở khung dệt để vào bên phòng trong dìu chồng ra ngoài ngồi ở bộ salon cũ kỹ giữa nhà. Cill Mup Ha Kriêng khó nhọc lê từng bước chân. Anh chào tôi bằng cái giọng thều thào nghe đến não ruột: “Mắt mờ, không nhìn thấy gì, buồn lắm!”. Chị Ka Hai ngồi gần bên chồng để… phiên dịch: “Anh ấy bảo muốn mổ cái mắt cho nó sáng để còn nhìn thấy đứa cháu ngoại…”. Rồi, giọng chị trở nên trầm ngâm: “Nhà khó khăn quá! Nghe nói một ca mổ như vậy là tốn bảy triệu hay chục triệu đồng gì đó. Mình không có tiền! Cũng nghe nói có mổ mắt đục thủy tinh thể gì đấy, anh Ha Kriêng cũng muốn đi mổ, nhưng không biết đường đi nước bước gì hết…”. Tôi hứa chắc: “Nếu là mổ đục thủy tinh thể thì mình xin cho Ha Kriêng một suất miễn phí. Chỉ sợ là mổ không được, vì anh ấy từng bị mổ u não…”. Chị Ka Hai lưỡng lự nhưng không giấu được niềm vui: “Đó là cái nguyện vọng của Ha Kriêng mà!”. Vài hôm sau, tôi điện thoại cho chị Ka Hai: “Chuẩn bị đến ngày hẹn, xe Bưu điện Lâm Đồng xuống đón Ha Kriêng lên Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt để khám nhé! Và nếu mổ được thì mổ luôn!”. Và rồi, cuối cùng thì cái lắc đầu của vị bác sỹ dẫu vô tình nhưng đã làm “sụp đổ” mọi hy vọng của người anh hùng lao động này và của cả người nhà anh ấy về một đôi mắt sáng!

Hôm ở nhà Cill Mup Ha Kriêng, tôi rõ hơn căn bệnh quái ác của anh qua lời kể rời rạc và ngọng nghịu trong giọng nói của anh (nhưng nhờ chị Rơông Ka Hai “phiên dịch” lại): Về hưu được hơn một năm thì cái đầu Ha Kriêng bỗng đau dữ dội. Đau cứ như là có ai ngồi ở bên trong vác búa tạ đập vào hộp sọ vậy. Lúc đầu, chị đưa anh đến vài cơ sở y tế trong tỉnh Lâm Đồng để khám. Biết Ha Kriêng là anh hùng của ngành bưu điện nên bác sỹ khám kỹ lắm, nhưng cuối cùng vẫn không tìm ra bệnh. Đành đưa Ha Kriêng về lại nhà. Nhưng cái đầu ấy cứ càng ngày càng đau. Cuối cùng, chị Ka Hai “bạo chân” lên Đà Lạt vào thẳng phòng GĐ Bưu điện tỉnh để cầu cứu: “Giúp chồng mình với, bác giám đốc ơi! Cho “nó” cái xe chở xuống Sài Gòn khám cái đầu!”. Bưu điện Lâm Đồng không những “Cho “nó” cái xe” mà còn trực tiếp liên hệ với bệnh viện của ngành ở TP HCM để “cho “nó” khám”. Khám xong, bác sỹ của bệnh viện ngành “phán”: “Đưa bệnh nhân qua gấp Bệnh viện Chợ Rẫy!”. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sỹ tiếp tục “lệnh”: “Đưa ngay lên bàn mổ!”.

Chị Rơông Ka Hai còn nhớ rất rõ: “Bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy nói chồng mình có hai cái u trong não. Phải mổ gấp! Mổ, dễ chết lắm; mà không mổ cũng chết! Chồng Ha Kriêng của mình lên cái bàn mổ ở Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 17.3.2010. Ca mổ dài 8 tiếng đồng hồ và sau đó Ha Kriêng “nằm lỳ” ở phòng hồi sức đến 8 ngày liền trong trạng thái hoàn toàn hôn mê”. Cứ chặp chặp, Rơông Ka Hai lại hỏi bác sỹ: “Chồng mình “nó” có làm sao không, bác sỹ ơi?”. Và lần nào cũng vậy, bác sỹ đều trả lời: “Sống thì sống rồi đấy! Nhưng tỉnh thì chưa. Chờ vài hôm nữa!”. Sau 8 ngày hôn mê, bệnh nhân Ha Kriêng được chuyển ra khỏi phòng hồi sức và tiếp tục được chăm sóc đến hơn một tháng sau mới xuất viện.

Vậy là sinh mệnh của anh hùng lao động Cill Mup Ha Kriêng đã được giành lại từ ngay trong tay tử thần. Nhưng, sức khỏe của anh ngày một suy sụp: Mắt mờ dần, đôi chân không còn đứng vững, đôi tay cũng trở nên mất cảm giác và khó điều khiển được; rồi, toàn thân phù nề…

Khắc Dũng