(LĐ online) - Sáng 7/9/2012, Sở Thông tin Truyền thông phối hợp với Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo “Lồng ghép giới trong công tác truyền thông”, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền của truyền thông, báo chí đối với bình đẳng giới.
(LĐ online) - Sáng 7/9/2012, Sở Thông tin Truyền thông phối hợp với Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo “Lồng ghép giới trong công tác truyền thông”, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền của truyền thông, báo chí đối với bình đẳng giới.
Toàn cảnh buổi hội thảo |
Tham dự hội thảo có đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh cùng nhiều phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí hoạt động trong tỉnh.
Trong thực tế hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng ngoài một số đơn vị báo chí quan tâm tuyên truyền thì vấn đề bình đẳng giới nhất là các vấn đề về gia đình và đời sống xã hội vẫn đang gây “lúng túng”, thậm chí có sự sai lệch trong truyền thông bình đẳng giới.
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các Sở Thông tin Truyền thông, Sở Lao động Thương binh Xã hội, Ban Tuyên giáo tỉnh, Đài Truyền hình Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng… đã lần lượt trình bày các chuyên đề đánh giá vai trò, nhiệm vụ của truyền thông với bình đẳng giới, nhất là nâng cao vị trí của người phụ nữ ở mọi góc độ trong cuộc sống cũng như trong mọi lĩnh vực trong xã hội. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là cơ sở nền tảng của chiến lược phát triển con người của Đảng và Nhà nước.
Theo thống kê, hiện có gần 30% cán bộ nữ làm công tác báo chí chuyên nghiệp trong hơn 700 cơ quan báo chí, thông tấn và hàng trăm đài phát thanh truyền hình từ Trung ương tới địa phương. Chiếm hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy Nhà nước.
Trong chuyên đề về bình đẳng giới gửi tới hội thảo, bà Trần Thị Mai Phương - Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Lâm Đồng đã nêu lên 2 mục tiêu đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin. Cụ thể là đến năm 2015 giảm 60% và đến năm 2020 giảm 80% sản phẩm văn hóa, thông tin mang định kiến giới; Đến năm 2015 có 90% và năm 2020 có 100% đài phát thanh truyền hình ở Trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền nâng cao nhận thức bình đẳng giới. Đồng thời cũng trình bày các nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu đó, trong đó chú trọng nhất là nâng cao nhận thức về giới cho người sản xuất các sản phẩm văn hóa, thông tin. Xóa bỏ các thông điệp và hình ảnh mang định kiến giới trong sản phẩm văn hóa thông tin.
Còn trong chuyên đề về quan điểm của Đảng về bình đẳng giới, ông Bùi Thanh Long- Phó Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh cũng đã nhấn mạnh các chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới. Đảm bảo bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và gia đình; Hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và hưởng thụ thành quả của sự phát triển.
Tại hội thảo, nhiều nhà báo, phóng viên cũng phát biểu đưa các ý kiến thảo luận về các vấn đề bình đẳng giới. Từ đó thống nhất tăng cường tuyên truyền có hiệu quả công tác bình đẳng giới, đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục về tư tưởng của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới.
Diễm Thương - Văn Báu