(LĐ online) - Hiện tại, Cảng Hàng không Liên Khương phục vụ cho khoảng 1.500 khách và vận chuyển hơn 11 tấn hàng hóa mỗi ngày.
(LĐ online) - Trong vài năm gần đây, đúng là sân bay Liên Khương đã mấy lần lỗi hẹn các tuyến bay quốc tế. Bởi nhiều lý do. Trong đó, đáng kể nhất là nguyên nhân khủng hoảng tài chính trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng mừng là sự lỗi hẹn ấy không làm triệt tiêu niềm hy vọng của người dân Lâm Đồng về những chuyến bay ra nước ngoài của những cánh bay bắt đầu từ sân bay Liên Khương.
Hiện mỗi ngày có trung bình 1.500 hành khách đi qua Cảng Hàng không Liên Khương |
Trong một văn bản mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đặt lại vấn đề: “Tiếp tục làm việc với các cơ quan hữu quan để sớm mở đường bay quốc tế từ Đà Lạt đi Singapore, Xiêmriệp, Macao”. Trước đó, theo kế hoạch đã định, đến khoảng cuối năm 2010, Lâm Đồng và ngành hàng không Việt Nam chính thức mở tuyến bay từ Liên Khương sang Xiêmriệp (Campuchia); tiếp đến, vào khoảng đầu năm 2011 là tuyến đến Singapore; và, cuối 2011 hoặc đầu 2012 sẽ là tuyến sang Lào. Tuy nhiên, như trên vừa nêu, giấc mộng “cất cánh” ấy đã phải dời lại bởi nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể là nguyên nhân khách quan như khủng hoảng tài chính, thị trường chưa “chín muồi”...
Theo báo cáo mới đây, hiện tại, Cảng Hàng không Liên Khương phục vụ cho khoảng 1.500 khách và vận chuyển hơn 11 tấn hàng hóa mỗi ngày. Trước đó, cả năm 2008, Sân bay Liên Khương (tên gọi lúc bấy giờ) chỉ phục vụ 110.000 lượt khách và 1.300 tấn hàng hóa; những con số này của năm 2009 là 205.000 lượt khách và 2.450 tấn hàng hóa; năm 2011, hơn gấp đôi năm 2009. Nếu tính cả mười năm trở lại đây thì tốc độ tăng trưởng của Cảng Hàng không Liên Khương đạt mức 15% mỗi năm, nhưng nếu tính trong vòng 5 năm gần đây nhất, tốc độ này là 31%. Đưa ra những số liệu này để thấy rằng tiềm năng có thể khai thác của Cảng Hàng không Liên Khương hiện vẫn đang còn rất lớn. Cụ thể hơn, theo dự báo của cơ quan chuyên môn, bắt đầu từ năm 2020 trở đi, mỗi ngày sẽ có khoảng 4.000 lượt khách và 37 tấn hàng hóa đi qua Cảng hàng không Liên Khương (nhiều hơn 3.500 lượt khách và 25,6 tấn hàng hóa so với hiện nay). Để chuẩn bị cho các tuyến bay quốc tế được hình thành, cách nay hơn 3 năm, ngành hàng không đã đầu tư hơn 280 tỷ đồng đầu mở rộng nhà ga, đường bay, nhà chờ… tại Sân bay Liên Khương; và bước đầu, cơ sở hàng không này đã đạt được tiêu chuẩn cảng hàng không mang tầm khu vực và quốc tế; và sẽ còn tiếp tục đầu tư khoảng 700 tỷ đồng nhằm đưa Liên Khương chính thức là sân bay quốc tế hiện đại vào năm 2025 (Quyết định 1375/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT).
Và, cũng như trên vừa nêu, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chính thức đặt lại vấn đề “tiếp tục làm việc với các cơ quan hữu quan để sớm mở đường bay quốc tế”. Hiện có hai đơn vị đang khai thác đường bay tại Cảng hàng không Liên Khương là Vietnam Airlines và Mekong Airlines. Ngoài ra, một số hãng hàng không khác cũng thường xuyên thuê chuyến đi và đến tại Cảng hàng không Liên Khương. Điều đáng nói, trong thời gian gần đây, Sân bay Liên Khương đã được đầu tư mở rộng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế nên hiện nay, với cơ sở hiện tại, Cảng Hàng không Liên Khương đã đủ khả năng phục vụ 2 triệu lượt khách và vận chuyển 10.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Như vậy, Cảng Hàng không Liên Khương trong tương lai sẽ không dừng lại ở hai hãng hàng không khai thác các tuyến bay mà sẽ còn một số hãng hàng không khác của quốc tế có ở Việt Nam và cả một số hãng hàng không nước ngoài đăng ký khai thác các tuyến bay. Tuy nhiên, điều quan trọng trong lúc này là sự “khởi động” các tuyến bay quốc tế để tạo đà cho việc thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương Lâm Đồng và ngành hàng không Việt Nam “cất cánh” từ chính cảng hàng không ở vùng đất giàu tiềm năng như Lâm Đồng. Và, vì thế, việc đặt lại vấn đề “Tiếp tục làm việc với các cơ quan hữu quan để sớm mở đường bay quốc tế từ Đà Lạt đi Singapore, Xiêmriệp, Macao” của UBND tỉnh Lâm Đồng là rất cần thiết.
Khắc Dũng