Lên Đà Lạt chữa bệnh xơ phổi

04:09, 02/09/2012

Thông thường, bệnh nhân các tỉnh, thành phía Nam đổ xô về Tp.HCM, dẫu đường xa, chi phí tốn kém nhưng ở đâu có bác sĩ giỏi thì bệnh nhân tìm tới đặt niềm tin và hy vọng “còn nước còn tát”, nhất là đối với trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo. Cũng niềm tin ấy, nhiều bệnh nhân từ các tỉnh lân cận Lâm Đồng lại ngược đường lên Đà Lạt để tìm đến phòng mạch TS-BS Dương Quý Sỹ để chữa các bệnh về hô hấp.

Thông thường, bệnh nhân các tỉnh, thành phía Nam đổ xô về Tp.HCM, dẫu đường xa, chi phí tốn kém nhưng ở đâu có bác sĩ giỏi thì bệnh nhân tìm tới đặt niềm tin và hy vọng “còn nước còn tát”, nhất là đối với trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo. Cũng niềm tin ấy, nhiều bệnh nhân từ các tỉnh lân cận Lâm Đồng lại ngược đường lên Đà Lạt để tìm đến phòng mạch TS-BS Dương Quý Sỹ để chữa các bệnh về hô hấp.

Có lẽ vì danh tiếng của một bác sĩ lấy bằng Tiến sĩ khoa học chuyên ngành hô hấp ở Pháp về chữa bệnh nên nhiều bệnh nhân quan tâm. Chưa kể chương trình khám chữa bệnh hen miễn phí trong thời gian qua đã làm cho tên tuổi của TS-BS Dương Quý Sỹ trở nên quen thuộc với người bệnh. Bởi vậy, phòng mạch của bác sĩ luôn đông bệnh nhân từ già đến trẻ. Đây là phòng mạch được đầu tư “chuẩn” nhất ở Đà Lạt hiện nay.

Bệnh nhân Trần Tú Anh, sinh năm 1979, ở phường 10, quận Tân Bình, Tp.HCM là một trong số những trường hợp ngược hành trình lên Đà Lạt để chữa bệnh xơ phổi. Chị kể: Ba năm trước tôi bị ho nhiều, tự mua thuốc uống không khỏi, đi chụp Xquang, chụp CT.Scanner được chẩn đoán bị bệnh lao. Thời kỳ này tôi bị ho dữ dội, tôi đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Tp.HCM, rồi đi chữa ở bác sĩ tư đều chẩn đoán bị bệnh lao. Nghe đồn tại thành phố có 5 bác sĩ giỏi chữa bệnh này tôi đều tìm đến và đều được cho thuốc uống chữa bệnh lao. Uống thuốc lao nhiều, tôi bị tác dụng phụ, nên sưng phù các khớp không đi được phải bò, các khớp gối, tay đều sưng tấy. Tôi tìm đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình để điều trị khớp. Một lần về Cần Thơ thăm cha mẹ, tôi nghe Bệnh viện Cần Thơ có BS giỏi chữa bệnh, tôi tìm đến và được vị bác sĩ này tư vấn giới thiệu có BS Sỹ ở Đà Lạt giỏi chữa bệnh này. Từ tháng 2/2012, tôi đến Đà Lạt tìm BS Sỹ chữa bệnh và thấy mình còn có nhiều hy vọng sống.

Về ca bệnh này, BS Sỹ cho biết: Lúc đầu chụp CT.Scanner lồng ngực cho thấy bệnh nhân bị xơ hóa phổi lan tỏa, tổn thương nốt u ở thùy giữa phổi dạng khối u nốt, mức độ nặng, tiên lượng bệnh nhân chỉ sống được 2 - 5 năm theo tiến triển của bệnh nếu không chữa đúng cách. Bệnh nhân trong tình trạng khó thở. Do bệnh nhân điều trị bằng thuốc chữa bệnh lao, nên dẫn đến viêm khớp phản ứng toàn thân. Qua khám chẩn đoán bệnh nhân bị xơ hóa phổi nguyên phát. Đo chức năng hô hấp chỉ còn 50%, thiếu ô xy máu động mạch mức độ nặng, khả năng gắng sức chỉ bằng 1/2 so với người bình thường.

BS Dương Quý Sỹ đã mạnh dạn ứng dụng phác đồ mới của Hội hô hấp châu Âu để chữa cho ca bệnh này. Đây là bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam được áp dụng phác đồ điều trị theo khuyến cáo mới của châu Âu năm 2011 về bệnh lý xơ hóa phổi. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc loãng đàm liều cao gấp 3 lần so với bình thường, thuốc điều trị gout để cải thiện hô hấp. Sau 1 tháng điều trị, tình trạng bệnh có giảm, tiếp theo sau 3 tháng điều trị, kiểm tra lại trên bệnh nhân các chức năng hô hấp được cải thiện, các tổn thương viêm xơ hóa đã biến mất, BS khẳng định cuộc sống bệnh nhân kéo dài hơn. Bệnh nhân tiếp tục điều trị 6 tháng với các thuốc đặc trị xơ hóa phổi.

Bệnh nhân Tú Anh cho biết: Tôi may mắn được gặp bác sĩ giỏi chữa đúng bệnh. Nhiều bác sĩ trước đây khám chữa bệnh cho tôi không hiểu nguyện vọng bệnh nhân và không giải thích kỹ càng, làm cho người bệnh thấy bệnh đơn giản, xem thường sức khỏe. Mặc dù lặn lội đường xa chữa bệnh, nhưng chi phí cũng không cao, mỗi đợt điều trị tiền thuốc dưới 1 triệu đồng, bệnh nhân lên Đà Lạt ở trọ 2-3 ngày để bác sĩ tái khám hướng dẫn tuân thủ chặt chẽ cách điều trị, mỗi ngày uống khoảng 20 viên thuốc, chị Tú Anh cho biết đã khỏe hơn rất nhiều.

BS Sỹ bày tỏ niềm vui về trường hợp đầu tiên dùng thuốc rẻ tiền, hiệu quả điều trị tốt, không độc hại, đây là kết quả bước đầu thành công trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu mới áp dụng trên lâm sàng đã được chấp nhận ở châu Âu. Không chỉ tham gia chữa các ca bệnh hiểm nghèo, TS-BS Dương Quý Sỹ còn hướng dẫn nghiên cứu sinh trong lĩnh vực hô hấp. Ông cho biết dự định của mình cuối năm nay sẽ đầu tư tại Đà Lạt một Trung tâm chẩn đoán điều trị rối loạn giấc ngủ, để phục vụ cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh chưa được điều trị triệt để tại Việt Nam.

AN NHIÊN