Nhân khai giảng năm học mới 2012 - 2013, Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Ngọc, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng về những nhiệm vụ của ngành Giáo dục trong năm học mới.
Nhân khai giảng năm học mới 2012 - 2013, Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Ngọc, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng về những nhiệm vụ của ngành Giáo dục trong năm học mới.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc - Giám đốc Sở GD - ĐT Lâm Đồng (bìa trái) đang đi kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của tỉnh năm học 2011- 2012 |
PV: Nhìn lại năm học vừa qua, thưa ông đâu là những điểm mạnh, tích cực mà ngành Giáo dục Lâm Đồng đạt được?
Ông Nguyễn Xuân Ngọc: Kết thúc năm học 2011 - 2012, ngành Giáo dục (GD) Lâm Đồng đã đạt được những thành công nhất định với các kết quả khá nổi bật. Trước nhất là toàn ngành đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ GD - ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng. Công tác quản lý GD tiếp tục được đổi mới và đẩy mạnh theo hướng chủ động, phân cấp, tăng quyền tự chủ, trách nhiệm, xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo quy hoạch, kế hoạch. Giữa ngành và các địa phương đã có sự gắn kết chặt chẽ, chia sẻ trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác GD.
Hai là quy mô GD phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và xã hội, các cuộc vận động và phong trào thi đua ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất; chất lượng, hiệu quả GD - ĐT ổn định, vững chắc, có nhiều kết quả khả quan so với năm học trước. Cùng đó, đội ngũ giáo viên nhân viên của ngành được chăm lo, trình độ chuyên môn nâng lên, đội ngũ cán bộ quản lý ngày càng có kinh nghiệm, chỉ đạo ngày một tốt hơn.
Dù vậy, khó khăn lớn nhất của ngành đó là nguồn lực cho giáo dục tuy được đầu tư mạnh mẽ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và điều kiện để phát triển nâng cao chất lượng. Một số tồn tại, hạn chế cần phải được tiếp tục củng cố là quy hoạch hệ thống trường lớp, xây dựng trường lớp mầm non, đầu tư trang thiết bị dạy và học, xây dựng trường chuẩn quốc gia và thực hiện quyết liệt việc đổi mới phương pháp dạy và học.
PV: Với đặc thù của một tỉnh miền núi Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, nhiệm vụ chính của ngành Giáo dục Lâm Đồng trong năm học này?
Ông Nguyễn Xuân Ngọc: Trong năm học 2012- 2013 này, ngành GD - ĐT Lâm Đồng tiếp tục quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX về đổi mới căn bản và toàn diện GD Việt Nam. Toàn ngành tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD; công tác kế hoạch, tài chính và tăng cường cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, trong mỗi nhóm nhiệm vụ, ngành sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm theo cấp học, ngành học. Chẳng hạn, nhóm nhiệm vụ thứ nhất ngành triển khai 8 yêu cầu; trong nhóm hai có nhiệm vụ chung và 16 yêu cầu cụ thể của GD mầm non, GD phổ thông, GD thường xuyên, GD chuyên nghiệp; nhóm ba có 6 yêu cầu và nhóm bốn có 6 yêu cầu trọng tâm.
Để triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, ngoài sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của ngành chúng tôi cần sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể và nhân dân để cùng chia sẻ, chăm lo cho sự nghiệp GD.
Năm học này Sở GD - ĐT sẽ chỉ đạo tích cực về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, chấn chỉnh kỷ cương nề nếp dạy - học, quản lý chặt chẽ việc dạy thêm học thêm theo quy chế mới của UBND tỉnh, đánh giá và kiểm định đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên một cách thực chất.
PV: Mặc dù đã có quy hoạch hệ thống trường lớp được phê duyệt nhưng hiện nay tốc độ kiên cố hóa còn chậm, thiếu trường lớp cho GD Mầm non. Cùng đó, khoảng cách GD giữa vùng đô thị và nông thôn ngày càng lớn. Theo ông, giải pháp chính cho vấn đề này là gì?
Ông Nguyễn Xuân Ngọc: Sở GD - ĐT trong thời gian qua đã tích cực triển khai kế hoạch phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi của tỉnh. Nhưng việc xây dựng trường lớp mầm non đến nay vẫn rất chậm vì thiếu vốn. Từ nay đến năm học 2014 – 2015, tỉnh phấn đấu đảm bảo phủ kín trường mầm non ở các xã chưa có trường.
Trong kiên cố hóa trường lớp, tính đến cuối tháng 7/2012, toàn tỉnh mới chỉ thực hiện được 54,6% kế hoạch kiên cố hóa trường lớp. Hiện nay, Sở đang xây dựng kế hoạch thực hiện kiên cố hóa của tỉnh giai đoạn 2013 - 2015 để trình UBND tỉnh và Bộ GD - ĐT.
Một trong những vấn đề ngành GD Lâm Đồng chú trọng lâu nay là việc rút ngắn khoảng cách GD giữa vùng đô thị và nông thôn. Trước mắt, ngành sẽ tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau: tăng cường học 2 buổi/ngày ở những nơi có điều kiện trong tỉnh; yêu cầu các trường học, các đơn vị GD tăng cường dạy thêm buổi và phụ đạo cho học sinh yếu. Ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học, dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng của học sinh; mở các hội nghị chuyên đề tìm giải pháp hữu hiệu hơn để nâng cao chất lượng GD cho vùng khó khăn, vùng dân tộc, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên. Ngành sẽ thực hiện việc hỗ trợ kinh phí cho học sinh theo Nghị định 49 của Chính phủ, Thông tư 29 Liên bộ: Bộ Tài chính, GD - ĐT, Bộ Lao động Thương binh - xã hội và Nghị quyết 18 của HĐND tỉnh, đồng thời thực hiện tốt Chương trình SEQUAP cho học sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc. Ngành nỗ lực thực hiện tốt công bằng giáo dục; xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm đảm bảo bình đẳng về cơ hội học tập, hỗ trợ và ưu tiên phát triển GD - ĐT nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo. Ngành cũng đề xuất với UBND tỉnh nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ giáo viên, học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn cho phù hợp với thực tiễn của địa phương Lâm Đồng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Gia Khánh (thực hiện)