Đến tháng 7/2012, toàn tỉnh có 55 cơ sở dạy nghề, bao gồm: công lập 22 và ngoài công lập 33 đơn vị. Qua 2 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ sở dạy nghề đã đáp ứng được gần 50% nhu cầu lao động qua đào tạo nghề của tỉnh.
Đến tháng 7/2012, toàn tỉnh có 55 cơ sở dạy nghề, bao gồm: công lập 22 và ngoài công lập 33 đơn vị. Qua 2 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ sở dạy nghề đã đáp ứng được gần 50% nhu cầu lao động qua đào tạo nghề của tỉnh. Ngoài các cơ sở dạy nghề tập trung tại 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, thì 7 trung tâm dạy nghề (TTDN) tại các huyện là lực lượng chính trong việc dạy nghề cho lao động ở các xã nghèo, thôn nghèo, vùng đồng bào DTTS.
Giờ thực hành của một lớp học chăm sóc cà phê tại TTDN Lâm Hà |
Hiện nay, toàn tỉnh có 7 TTDN công lập do Sở LĐ - TB & XH quản lý đóng trên 7 huyện Di Linh, Lâm Hà, Đơn Dương, Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh. Trong đó, TTDN Đạ Huoai đã hoàn chỉnh theo thiết kế, các TTDN Di Linh, Đơn Dương và Đam Rông hoàn chỉnh một phần, TTDN Bảo Lâm đang xây dựng, còn TTDN Lâm Hà và Đạ Tẻh đang phải mượn cơ sở của huyện. Các TTDN được đầu tư 16 nghề với kinh phí hơn 16 tỷ đồng cho các nhóm nghề nông nghiệp, nhóm nghề công nghiệp – xây dựng và nhóm nghề dịch vụ. TTDN có số nghề được đầu tư nhiều nhất là Đạ Huoai với 10 nghề, 2 trung tâm được đầu tư 6 nghề, 1 trung tâm được đầu tư 5 nghề và 2 trung tâm đầu tư 4 nghề. Mức đầu tư bình quân trang thiết bị cho một trung tâm là 2,8 tỷ đồng và mức đầu tư cho một nghề là 480 triệu đồng/trung tâm. Ngoài một số nghề phục vụ nông nghiệp, các nghề khác được đầu tư theo nguyên tắc không trùng lặp giữa các trung tâm để một trung tâm nhận dạy một nghề tại nhiều huyện nhằm nâng hiệu quả trang thiết bị, giáo viên. Các nghề có khả năng xã hội hóa hiệu lái xe ô tô, máy tính và các nghề thủ công khác thì khuyến khích các trung tâm liên kết, xã hội hoá, không sử dụng ngân sách để mua sắm trang thiết bị. Đặc biệt, TTDN Di Linh đã thu hút 2 tỷ đồng từ xã hội hoá để đầu tư nghề lái xe A2.
Từ ngày thành lập đến nay, các TTDN đã có 21.982 học viên tốt nghiệp. Riêng trong 2 năm 2010 – 2011, tại 7 TTDN có 13.505 học viên tốt nghiệp, chiếm 38,7% so với tổng số học viên tốt nghiệp các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh, gồm sơ cấp nghề 7.990 người và dạy nghề thường xuyên 5.515 người, với trên 50% học viên là người nghèo, đồng bào dân tộc, người ở huyện nghèo, xã nghèo. Các nghề đào tạo chủ yếu để tạo việc làm tại chỗ, giảm thời gian nông nhàn và tăng thu nhập, góp phần nâng hiệu quả hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc và người nghèo theo Chương trình 135 và 30a. Các nghề nông nghiệp như chăm sóc cà phê, trồng dâu nuôi tằm, trồng lúa cao sản, trồng nấm… người học đã có được kỹ năng, kiến thức để áp dụng các tiến bộ trong canh tác làm tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các nghề tiểu thủ công nghiệp như móc len, thêu tay, sau khi học các học viên đều có việc làm bằng việc nhận hàng gia công tại nhà với mức thu nhập bình quân 70.000 đồng/ngày. Việc làm và thu nhập của người học các nghề thợ xây, sửa chữa – vận hành máy nông nghiệp tương đối ổn định.
Tuy nhiên, hầu hết các TTDN mới thành lập, nên cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đồng bộ, nhiều TTDN phải mượn nơi làm việc. Bên cạnh đó, do chỉ tiêu biên chế ít nên các TTDN không đủ biên chế để tuyển giáo viên cơ hữu cho các nghề được đầu tư. Do đó, các trung tâm phải phụ thuộc vào giáo viên thỉnh giảng, hợp đồng, nên bị động trong tuyển sinh, các tổ chức lớp học, đào tạo, bồi dưỡng sư phạm dạy nghề cho người dạy. Theo kế hoạch đầu tư phát triển các TTDN công lập hiện có đến năm 2015, các TTDN sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc, người nghèo, các đối tượng yếu thế, đảm bảo quy mô đào tạo của mỗi trung tâm từ 2.000 – 3.000 học viên/năm tập trung các nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn và nhu cầu tìm việc làm của thanh niên trong các doanh nghiệp, để đảm bảo 80% người học nghề có việc làm đúng nghề và có thu nhập cao hơn trước khi học nghề. “Để đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, trước hết, cần phải quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các TTDN, trong đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc xây dựng các TTDN mới thành lập. Đồng thời, phải tăng cường biên chế để các trung tâm có đủ giáo viên cơ hữu cho các nghề hoặc nhóm nghề, nhằm tăng năng lực đào tạo nghề, góp phần nâng cao hiệu quả việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động đồng bào DTTS và người nghèo”, ông Ngô Hữu Hay – Phó Giám đốc Sở LĐ - TB & XH cho biết.
TUẤN HƯƠNG