Lâm Đồng vừa tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 06 CT/TW của Ban Bí thư về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, được Trung ương đánh giá là địa phương có các chỉ số về y tế cơ sở cao hơn so với mặt bằng chung của khu vực các tỉnh Tây Nguyên.
Lâm Đồng vừa tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 06 CT/TW của Ban Bí thư về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, được Trung ương đánh giá là địa phương có các chỉ số về y tế cơ sở cao hơn so với mặt bằng chung của khu vực các tỉnh Tây Nguyên.
Trong cuộc làm việc mới đây với đoàn giám sát của HĐND tỉnh, TS Phạm Thị Bạch Yến - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết: Xét theo tiêu chí xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2002 - 2010 của Bộ Y tế, thì Lâm Đồng đã có 115/118 xã đạt chuẩn quốc gia, chiếm 97,46% và đạt 100% xã đạt chuẩn quốc gia, nếu không tính thêm 3 xã mới thành lập. Nhưng căn cứ theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Y tế thì mọi đánh giá mới chỉ là sự khởi đầu. Đây là năm đầu tiên Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương rà soát lại việc thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã theo Bộ tiêu chí mới và tiến hành kiểm tra thẩm định công nhận xã đạt chuẩn vào tháng 11 tới.
Năm 2010 toàn tỉnh có 39 xã được chọn làm điểm để xây dựng xã nông thôn mới, trong đó có 1 xã điểm của Trung ương, 11 xã điểm của tỉnh và 27 xã được chọn vào danh sách xã ưu tiên xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015. Thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới theo nhiệm vụ phân công của UBND tỉnh, ngành y tế đã tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình phục vụ việc chuẩn hóa về y tế trên địa bàn xã. Trong giai đoạn 2005 - 2012, bằng nhiều nguồn vốn, ngành y tế đã đầu tư nâng cấp, xây dựng 62 trạm y tế xã với tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng. Trong đó, năm 2011 đầu tư 6,2 tỷ đồng xây mới 3 trạm y tế và năm 2012 đầu tư 10,2 tỷ đồng xây mới 11 trạm y tế. Tính đến nay đã có 19 xã ưu tiên xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 được đầu tư xây dựng mới các trạm y tế. Còn 36 trạm y tế xã cần được tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo hoặc xây mới trong những năm tiếp theo với tổng mức đầu tư dự kiến 133 tỷ đồng.
Từ năm 2010 - 2012 ngành y tế đã đầu tư cho 36 xã có bác sĩ công tác tại trạm một số trang thiết bị y tế theo quy định như: máy siêu âm, máy đo điện tim, máy xét nghiệm huyết học, máy xét nghiệm nước tiểu, máy tạo oxy, máy hút dịch, với tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, có 16 xã ưu tiên xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015. Hiện nay vẫn còn 82 trạm y tế cần được đầu tư trang thiết bị thiết yếu theo quy định của Bộ Y tế về danh mục trang thiết bị y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm. Ước tính đầu tư trang thiết bị cho các trạm này hơn 50 tỷ đồng.
Thực hiện tiêu chí 15 của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, trong đó, quy định tỉ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt từ 20% trở lên, qua khảo sát của ngành y tế cho thấy: Có 115 xã chiếm 97,46% số xã có tỉ lệ người dân tham gia BHYT trên 20%, chỉ có 3 xã nằm trong danh sách ưu tiên xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 -2015 có tỉ lệ người dân tham gia BHYT thấp dưới 20%, đó là các xã: Hiệp Thạnh, Liên Hiệp (Đức Trọng) và xã Hà Lâm (Đạ Huoai). Lâm Đồng đã có 91 xã có tỉ lệ người dân tham gia BHYT trên 40% (chiếm 77%) số xã trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, theo tiêu chí 15 của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới về y tế xã đạt chuẩn quốc gia, ngành y tế đã khảo sát bước đầu có 41 xã đạt chuẩn đề nghị công nhận (chiếm 46%), trong đó có 18 xã ưu tiên xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 -2015 và còn 77 xã chưa đạt chuẩn, trong đó có 21 xã ưu tiên xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015.
Kết quả bước đầu trong việc xây dựng nông thôn mới về y tế (tiêu chí 15) tại 1 xã điểm của Trung ương và 11 xã điểm của tỉnh đã có 100% xã đạt tỉ lệ người dân tham gia BHYT, bình quân có gần 60% số người dân tham gia BHYT tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, có 4 xã: Tân Hội (Đức Trọng), Xuân Trường (Đà Lạt), Đạ Oai (Đạ Huoai), Phù Mỹ (Cát Tiên) đủ điều kiện để xét công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020. Còn 8 xã chưa đủ điều kiện đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã do một số chỉ tiêu chưa đạt hoặc đạt thấp.
Trong 3 năm gần đây, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn khác, ngành y tế đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị y tế cho 8 xã nông thôn mới có bác sĩ công tác tại trạm. Từ năm 2006 -2011, có 5 trạm y tế đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hơn 7,2 tỷ đồng, đó là các trạm y tế xã: Đạ Oai, Phù Mỹ, Đạ R’sal, An Nhơn, Tân Hội. Riêng xã Ka Đô (Đơn Dương) có trạm y tế lồng ghép với phòng khám đa khoa khu vực cũng đã được đầu tư xây dựng với mức vốn hơn 7 tỷ đồng. Các trạm y tế thuộc xã nông thôn mới đều được bố trí đủ nhân lực, đã có 7 trạm có bác sĩ ở các xã: Xuân Trường, Đa Nhim, Ka Đô, Tân Hội, Tân Văn, Tân Châu, Lộc Nga; còn 5 trạm chưa có bác sĩ ở các xã: Đạ R’sal, Đạm Bri, Đạ Oai, An Nhơn, Phù Mỹ.
Ngành y tế có kế hoạch đầu tư dự kiến 2,1 tỷ đồng để nâng cấp, xây mới 6 trạm y tế có cơ sở vật chất xuống cấp không đảm bảo theo quy định, đó là các trạm Đạ Nhim, Lộc An, Tân Châu, Tân Văn, Đạm Bri, Xuân Trường. Đầu tư hơn 4,3 tỷ đồng bổ sung trang thiết bị y tế cho 6 trạm còn thiếu so với quy định. Có kế hoạch bố trí bác sĩ cho 5 trạm y tế chưa có bác sĩ từ nguồn bác sĩ đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, để đảm bảo đến năm 2015 có 100% xã nông thôn mới đều có bác sĩ công tác tại trạm y tế. Ngành y tế phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 100% các trạm y tế được xây kiên cố, đủ diện tích, phòng ốc và có bác sĩ; 50% xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
AN NHIÊN