Người phụ nữ thích “cho vay” ở vùng lũ

03:09, 05/09/2012

Không tính lãi, cũng chẳng màng đến chuyện trả ơn, từ lâu nhà bà đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những cảnh đời nghèo khó nơi “rốn lũ” Cát Tiên.

Trừ những lúc lâm vào cảnh bần hàn (và đã không ít lần bà phải sống trong hoàn cảnh ấy), còn lại bà luôn mở rộng lòng mình với những người có hoàn cảnh khó khăn. Ai thiếu thốn tìm đến, bà cho vay dăm ba triệu để có vốn làm ăn. Người chăn nuôi gặp khó, bà sẵn sàng bán trả chậm thức ăn gia súc, đến lứa xuất chuồng có tiền mới phải trả lại. Không tính lãi, cũng chẳng màng đến chuyện trả ơn, từ lâu nhà bà đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những cảnh đời nghèo khó nơi “rốn lũ” Cát Tiên.

Bà Dung (bìa phải) với công việc hàng ngày tại nhà máy xay xát lúa.
Bà Dung (bìa phải) với công việc hàng ngày tại nhà máy xay xát lúa.


Không giấu giếm về tài sản khá lớn của gia đình, người phụ nữ có tấm lòng nhân ái Trần Thị Dung (khu 6, thị trấn Đồng Nai, huyện Cát Tiên), tự hào: Hiện, gia đình tôi đang sản xuất kinh doanh khá hiệu quả, với trang trại chăn nuôi heo khép kín khoảng 1.000 con heo xuất chuồng mỗi năm, 2 nhà máy xay xát công nghệ hiện đại trị giá khoảng 5 tỷ đồng với công suất 4.000 tấn/năm, 8 ha cao su bắt đầu cho khai thác và 2 nhà nghỉ tại Cát Tiên và Biên Hòa (Đồng Nai). Bà nói điều đó không để khoe khoang mà chính là muốn chia sẻ niềm hạnh phúc mà gia đình bà đang có. Bởi lẽ, đằng sau sự phồn thịnh của ngày hôm nay, gia đình bà cũng đã phải trải qua rất nhiều nhọc nhằn, có lúc tưởng chừng như không thể vực dậy nổi.

Cùng gia đình hai bàn tay trắng đến vùng kinh tế mới Cát Tiên lập nghiệp năm 1984. Không một tấc đất, vợ chồng bà vừa làm thuê cuốc mướn, vừa khai hoang để lấy đất sản xuất. Bà nhớ lại “Ban ngày thì đi làm thuê kiếm tiền lo cái ăn từng bữa cho 4 đứa con. Tối đến lại chong đèn cuốc ruộng thâu đêm, bất kể mùa vụ, để trồng bắp, trồng lúa. Quanh năm cơ cực nhưng lúc nào cũng túng bấn, đời sống cứ bấp bênh bữa được bữa mất. Vay mượn cộng với một chút vốn dành dụm được, tôi bàn với chồng mua một cái máy xay xát lúa để phục vụ cho bà con trong vùng. Hồi đó, nhiều khi xay xát xong, bà con không có tiền nên chỉ trả công bằng cám. Đó là bước khởi đầu để chúng tôi tạo dựng cơ ngơi như ngày hôm nay”.

Nói tưởng như đơn giản, nhưng gia đình bà cũng đã phải trải qua rất nhiều sóng gió. “Ba lần vỡ nợ, chung quy lại cũng vì đứng ra vay vốn dùm cho bà con trong vùng rồi họ không trả, là ba lần chúng tôi phải nỗ lực làm lại từ đầu” – bà Dung chia sẻ. Mỗi lần như vậy, tài sản gần như mất hết thêm vào đó nợ nần thì chồng chất. Không nản lòng, hàng ngày, bà gánh hàng rong với mớ rau, con cá đi khắp các thôn làng để bán. Chồng bà cũng mua các loại thực phẩm lặn lội lên tận vùng Đồng Nai Thượng để bán và đổi nông sản của dân. Sau mỗi thất bại lại hun đúc cho vợ chồng bà tinh thần, nghị lực và cả bài học kinh nghiệm để vươn lên. Tuy vậy, bà vẫn không “chừa” việc cho người khác vay mượn. Hễ kinh tế vừa vực dậy đôi chút, bà lại bắt tay vào làm việc thiện, không suy tính thiệt hơn. Hiện tại, mỗi năm gia đình bà ủng hộ khoảng 40 triệu đồng cho các hoạt động từ thiện tại địa phương. Đặc biệt, bà còn cho hộ nông dân nghèo vay vốn dài hạn không tính lãi với số tiền mỗi năm khoảng 300 triệu đồng và bán hàng trả chậm cho các hộ nông dân trong vùng mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng. Đôi khi, có nhiều người “quên” trả tiền cho bà khi đến hạn, bà vẫn thản nhiên: “Chắc họ còn khó quá, chưa có điều kiện trả mình”.

Gần 35 năm cùng chồng xây dựng hạnh phúc gia đình, cái đói, cái nghèo không làm bà lo sợ và gục ngã. Điều bà lo lắng nhất là sức khỏe những người thân yêu của mình. Có một kỷ niệm hằn sâu trong tâm trí bà. Đó là, khi đứa con gái út vừa được 8 tháng tuổi, mải lo việc làm ruộng quá trưa, cháu bị ngã chấn thương sọ não phải lên bệnh viện Bảo Lộc để điều trị. Ngày ngày, chồng bà đạp xe lên Bảo Lộc lo cơm nước cho mẹ con, tối lại đạp xe về để chăm cho 3 cháu nhỏ ở nhà. Đi về, cũng phải mất một ngày, vậy mà ròng rã suốt 4 tháng trời chồng bà cứ kiên trì lên xuống. Cuối cùng, không còn tiền để tiếp tục ở bệnh viện, vợ chồng bà đành ôm con về nhà chữa trị. May mắn là cháu khỏi bệnh và khỏe mạnh đến nay. Đến năm 1998, chồng bà lại mắc bệnh ung thư đại tràng. Bà tâm sự: “Khi nhận tờ giấy xét nghiệm sinh thiết tế bào, cả gia đình tôi như sụp đổ hoàn toàn. Nhưng, một lần nữa chúng tôi lại nương tựa vào nhau để cùng vượt qua khó khăn. Sau khi cắt bỏ phần ung thư, đến nay tuy vẫn sống chung với bệnh tật nhưng sức khỏe chồng tôi rất tốt. Quan trọng nhất là chồng tôi vẫn lạc quan yêu đời, vẫn là chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi”.

Ở tuổi 56, hạnh phúc như đã trọn vẹn khi chồng và các con đều ủng hộ những việc bà đang làm. Bởi họ biết, việc giúp đỡ, sẻ chia với những mảnh đời khó khăn, hoạn nạn luôn khiến bà thấy được niềm vui.

HỮU SANG - TUẤN LINH