Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lý tim mạch hiện nay là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới...
Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lý tim mạch hiện nay là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Ước tính, hàng năm có khoảng trên 17 triệu người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 1/3 các nguyên nhân khác nhau gây tử vong. Trong số những nguyên nhân gây tử vong do bệnh tim mạch, tử vong liên quan đến đột qụy do bệnh cao huyết là chiếm hơn 35% các trường hợp.
Những người có nguy cơ mắc bệnh CHA là người trên 40 tuổi, gia đình có người mắc bệnh CHA, có thói quen ăn mặn và dùng chất kích thích, thường xuyên bị căng thẳng trong cuộc sống (stress), rối loạn giấc ngủ, có huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg hoặc tâm trương lớn hơn 90 mmHg ở những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ …
Hiện nay, khoảng 1/4 dân số trưởng thành mắc bệnh cao huyết áp (CHA) và theo ước tính, đến năm 2025 sẽ có 1,17 tỷ người mắc bệnh CHA ở các nước đang phát triển và chiếm 3/ 4 số người mắc bệnh CHA trên toàn cầu. Do vậy, bệnh CHA là một vấn đề sức khỏe cộng đồng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chương trình y tế quốc gia. Bệnh CHA vẫn có thể dự phòng và kiểm soát được nếu có chính sách y tế phù hợp, cho dù đó là các quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển. Trong đó, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ làm giảm được các biến chứng trên tim mạch và đột qụy do CHA gây ra.
Theo nghiên cứu, tần suất bệnh CHA ở Việt Nam là 25%. Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh : chủng tộc, di truyền, thói quen ăn uống, chế độ sinh hoạt, làm việc và các yếu tố xã hội, môi trường sinh sống. Trong đó, bệnh CHA có liên quan chặt chẽ nhất với môi trường sống và chế độ sinh hoạt nhưng đây là những yếu tố có thể thay đổi được và do vậy có thể làm giảm tần suất mắc bệnh.
Một yếu tố nguy cơ khác của bệnh CHA có thể tránh được là chế độ ăn, đặc biệt là ăn nhiều muối (ăn mặn). Ăn mặn có thể là yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh CHA. Đây là thói quen ăn uống của người châu Á, Trung Á và nhất là người Việt Nam. Chế độ ăn hàng ngày có chứa từ 8g muối trở lên (> 1,5 muỗng café) là nguy cơ gây CHA. Lượng muối này chủ yếu là được cung cấp bởi lượng muối, nước mắm và các loại phụ gia thêm vào khi chế biến thức ăn hàng ngày. Do vậy khi hạn chế việc thêm các chất này vào bữa ăn hàng ngày sẽ giúp tránh được nguy cơ bệnh CHA. Bên cạnh thói quen ăn mặn, việc dùng những bữa ăn nhanh ở các đô thị lớn có chứa nhiều chất béo động - thực vật cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh CHA. Có thể thói quen ăn thức ăn nhanh làm tăng cân, rối loạn chuyển đường, chuyển hóa mỡ là những yếu tố nguy cơ của CHA. Thêm vào đó, thường xuyên dùng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá và thói quen ít luyện tập thể dục hàng ngày đều làm nặng thêm bệnh CHA.
Để tránh được gánh nặng của sự thiệt hại về sức khỏe cộng đồng và chi phí khổng lồ do chăm sóc y tế liên quan đến bệnh CHA, mỗi quốc gia trong điều kiện của mình cần có một chiến lược dự phòng, phát hiện và điều trị bệnh cao huyết áp phù hợp. Việc dự phòng hiệu qủa và có chi phí thấp nhất là thực hiện việc giáo dục lồng ghép các yếu tố nguy cơ gây bệnh CHA trong trường học, cộng đồng và khu dân cư thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề sức khỏe…Phát hiện sớm những người có nguy cơ mắc bệnh CHA để có biện pháp điều trị thích hợp bắt đầu từ chế độ điều trị không dùng thuốc đến dùng thuốc khi có chỉ định.
Việc điều trị bệnh CHA phải do thầy thuốc chuyên khoa chỉ định. Tùy theo mức độ năng của bệnh và tùy thuộc vào ảnh hưởng của CHA trên các cơ quan đích (thận, não, tim, mắt), người thấy thuốc sẽ có chỉ định thuốc thích hợp. Điều trị tối ưu bệnh CHA là khi thuốc điều trị có tác dụng đưa huyết áp về mức bình thường theo tuổi và dự phòng ngay cả các biến chứng trên tổn thương cơ quan đích do CHA gây ra. Việc điều trị CHA cần phải tuân thủ những nguyên tắc tối thiểu là dùng thuốc mỗi ngày, theo dõi huyết áp thường xuyên, và dùng thuốc ít có tác dụng nhất. Song song với việc trị liệu bằng thuốc, người bị CHA cần phải duy trì chế độ ăn nhạt, giảm cân nếu dư cân, tập thể dục thường xuyên và tránh dùng rượu bia, thuốc lá.
TS-BS Dương Qúy Sỹ