Nước Lào trong ký ức người cựu binh tình nguyện

04:09, 06/09/2012

Những kỷ niệm đẹp của đại tá Trần Anh Huấn (Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 9 - Đà Lạt) từng trải qua 10 năm sống, chiến đấu trên nước bạn là minh chứng cho ta thêm hiểu tình cảm thiêng liêng của 2 dân tộc Việt - Lào.

Đại tá Trần Anh Huấn
Đại tá Trần Anh Huấn

Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ký ức về hình ảnh đất nước Lào xa xôi không phai mờ trong tâm trí người cựu binh tình nguyện năm xưa, nay đã ở vào tuổi bát thập. Những kỷ niệm đẹp của đại tá Trần Anh Huấn (Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 9 - Đà Lạt) từng trải qua 10 năm sống, chiến đấu trên nước bạn là minh chứng cho ta thêm hiểu tình cảm thiêng liêng của 2 dân tộc Việt - Lào.

Chỉ cần ai đó nhắc đến nước Lào, xúc cảm lại rưng rưng, ký ức hiện về trong ông như những thước phim quay chậm. Thật cảm động khi trong suốt câu chuyện với chúng tôi, ông luôn dùng từ “bạn” để nói về đất nước Lào, con người Lào.

Tháng 11/1963, ở tuổi 29 chàng trai Trần Anh Huấn lúc đó đang là chính trị viên Đại đội công binh Trung đoàn 174, Lữ đoàn 316, Quân khu Tây Bắc đã từ giã người vợ vừa cưới được vài tháng nhận nhiệm vụ lên đường sang Lào. Từ Điện Biên, đơn vị của anh hành quân về Mộc Châu  (Sơn La), xuống cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa). Trong bộ quần áo phaa biang sash (trang phục truyền thống của đàn ông Lào) đầu đội mũ cát – két; 40 cây số đi bộ, băng rừng, vượt suối, đơn vị công binh của anh đi trước thông đường, khắc phục mọi đoạn cầu đường khó đi, hành quân vào Sầm Nưa. Sầm Nưa là một vùng núi đá vôi rộng lớn với quần thể nhiều hang động lớn nhỏ, thời đó đã trở thành căn cứ cách mạng, thủ đô kháng chiến -  nơi đóng quân của cơ quan đầu não TW cách mạng Lào. Đơn vị của anh có nhiệm vụ hỗ trợ, chiến đấu bảo vệ cơ quan đầu não, giải phóng Sầm Nưa. Cả một vùng núi đá Sầm Nưa đã che chở các đơn vị bộ đội. Có hang làm hội trường, có hang để ở, có hang đá lớn đủ chỗ ở cho cả trung đoàn, nhưng phải ở rải rác để đề phòng tên lửa. Tất cả cơ quan chuyên gia Việt Nam, cơ quan TW đầu não của Lào đều ở trong hang tránh sự bắn phá của máy bay Mỹ.

Suốt 10 năm sống trên đất bạn Lào, anh đã tham gia 3 chiến dịch lớn: Sầm Nưa, Nậm Bạc, Fuket. Vừa chiến đấu chống thế lực phản động Lào (chế độ phái hữu) câu kết với Mỹ, vừa chống thổ phỉ Lào (chủ yếu ở Sầm Nưa). Gian khổ và phức tạp nhất là thời gian đầu chiến đấu với thổ phỉ, giải phóng Sầm Nưa. Chúng thường đánh du kích, bắn tỉa, gài các loại mìn: mìn vướng, mìn sít, mìn râu tôm trên các tuyến đường, gây cho ta nhiều tổn thất. Số thương vong trên trận địa thì ít, thương vong chống phỉ thì nhiều. Có nhiều trận đánh, bộ đội tình nguyện hy sinh đến gần 200 người, nhiều đồng đội của anh đã nằm lại trên đất bạn Lào xa xôi. Cuối năm 1967 – 1968, địch nống ra và chiếm RM23 đóng quân ở khu Nậm Bạc gần biên giới Tây Bắc. Chỉ trong 2 tháng, cả Lữ đoàn 316 phối hợp với Tỉnh Đội Sơn La giúp bạn đánh thắng chiến dịch trong thời gian ngắn nhất, bắt sống hơn 1.000 tên địch, bắt Trung đoàn trưởng, trung tá RM 23 trưởng của Mỹ, đã làm nên chiến thắng giòn giã. Sau chiến dịch Nậm Bạc, đơn vị của anh tiến về Sầm Nưa, chuyển qua cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, cả Lữ đoàn 316 quân tình nguyện đánh tướng phỉ Vàng Mao ở Xẩm Thong, Loong Chẹng. Sau khi hoàn thành, trung đoàn của anh ở lại, vào mùa mưa, phỉ quay lại chiếm nhiều vùng mình đã chiếm, vây chặn đường tiếp tế, bộ đội tình nguyện vẫn quyết tâm cầm cự. Năm 1970 – 1971, trong chiến dịch Fuket, đơn vị của anh bị bao vây không tiếp tế được. Bộ đội bạn lực lượng ít, nhưng bạn đã nhường cơm sẻ áo cho quân tình nguyện. Một lần hành quân qua, bạn có 20 bao gạo (bao “ruột tượng”) cũng nhường lại cho đơn vị nấu cháo trong lúc đợi tiếp tế. Khó khăn, nhưng vẫn quyết tâm đánh cho địch phải rút lui. Sau khi địch tháo chạy, đơn vị anh cùng đơn vị pháo 120 ly của bạn phối hợp với bộ đội tư lệnh đi vào Mường Sủi đánh chặn đường rút lui không cho địch rút từ kinh đô cũ của Lào về Viêng Chăn…

Ký ức về những trận đánh ác liệt, về khó khăn, gian khổ kể mãi không hết, nhưng những kỷ niệm đáng nhớ nhất của bác Huấn là từ năm 1963 – 1966, đơn vị của bác được sống gần gũi các bạn Lào nhiều nhất. Sau khi đánh lùi bọn thổ phỉ ra khỏi vùng tự do Sầm Nưa, lữ đoàn của bác ở lại xây dựng công trình cơ sở vật chất, nhà làm việc, hầm trú ẩn cho lãnh đạo cao cấp của Lào như các đồng chí: Xu-pha-nu-vông, Cay-xỏn Phôn-vi-hẳn… Tình cảm của các đồng chí lãnh tụ Lào dành cho bộ đội tình nguyện luôn chan chứa tình hữu nghị, tình anh em, tình bạn, tình đồng chí, tình cha con. Có một lần trên đường đi họp gặp đúng lúc địch bắn phá, đồng chí Cay-xỏn Phôn-vi-hẳn (sau giải phóng là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) đã vào hang của đơn vị bác tạm tránh nguy hiểm. Và những câu chuyện tâm sự về vợ con, những lời hỏi han ân cần từng anh em được ông nói bằng tiếng Việt trở nên gần gũi, cởi mở, thân tình như trong một gia đình. Đồng chí còn tặng đơn vị bác 12 tấm hình làm kỷ niệm… Dân thưa, các bản làng bị thổ phỉ đốt phá, người dân Lào lui vào rừng ẩn nấp, nhưng mỗi lần gặp bộ đội tình nguyện, bạn đều dành tình cảm nồng nhiệt vì bạn hiểu ta đang sẵn sàng đổ máu, hy sinh giúp bạn. Gian khổ, hy sinh là vậy, nhưng mỗi khi nhìn thấy nhân dân Lào, những người mẹ, người chị, người em sẵn lòng nhường cơm sẻ áo, đón chào; trách nhiệm chiến đấu bảo vệ nhân dân như càng tiếp thêm sức mạnh. Nhất là vào những năm 1965 – 1968, Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, chiến trường Lào cũng ác liệt không kém. Chiến tranh, sống chết trong gang tấc. Nhìn nhân dân bạn lại nhớ đến vợ con mình (4 người con lần lượt ra đời sau mỗi lần bác về phép). Vợ bác Huấn cũng làm công nhân viên quốc phòng ở quân khu Tây Bắc, một mình vừa nuôi con vừa phục vụ chiến đấu. Nhưng vì nhiệm vụ quốc tế cao cả, ai cũng phải gạt tình riêng… Với suy nghĩ, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn chính là tự giúp mình”, 10 năm trên nước bạn, bác mang hết tinh thần trách nhiệm xây dựng đơn vị, giúp bạn chiến đấu và chiến thắng; hai lần bác được đi dự Hội nghị thi đua đoàn 959 và một lần được dự Đại hội thi đua toàn chiến trường Lào. Bác Huấn được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và được Đảng và Nhà nước bạn tặng thưởng Huân chương Tự do hạng Nhất.

Tháng 3/1973 đình chiến ở Lào, bác Huấn trở về, được đi học tại Học viện Chính trị (Đông Anh – Hà Nội). Tốt nghiệp, bác vào công tác tại Học viện Lục quân Đà Lạt dạy môn triết học, rồi trở thành cán bộ kiểm tra chuyên trách, Bí thư Đảng ủy Phòng Hậu cần. Năm 1992 nghỉ hưu khi đã xấp xỉ tuổi 60, bác Huấn làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 9, năm 1994 làm Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch HĐND phường 9 (khóa 1994 – 1999), (1996 – 2000) bác làm Bí thư Đảng ủy phường 9, từ năm 2002 đến nay làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học, rồi Chủ tịch Hội Khuyến học, 10 năm liên tục làm ổ trưởng tổ dân phố (khu phố Lâm Viên)… Được tôi luyện qua gian nan, thử thách, hy sinh, làm việc gì bác cũng làm hết mình với trách nhiệm của một người lính. Gần 20 năm nghỉ hưu, nay đã 79 tuổi, nhưng chưa một ngày bác ngơi nghỉ mà dành hết tâm huyết xây dựng chính quyền địa phương, xây dựng phong trào quần chúng vững mạnh.

Đã gần 40 năm trôi qua, chưa một lần bác được trở lại nước Lào, bác vẫn luôn mong muốn một lần được cùng đồng đội trở lại Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phuket, Viêng Chăn… được nhìn thấy sự đổi thay đi lên của đất nước bạn, được sống giữa tình cảm của nhân dân Lào, được sống lại nghĩa tình thiêng liêng trong những năm tháng hào hùng, sẵn sàng hy sinh máu xương vì nhau.

QUỲNH UYỂN