Phật giáo Việt Nam sát cánh cùng dân tộc

03:09, 13/09/2012

Phật giáo Việt Nam đã tạo nên những giá trị truyền thống qua hơn 2000 năm lịch sử. Và hơn 30 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát huy tính truyền thống và tinh thần nhập thế của Phật giáo để viết nên những trang sử vàng của Phật giáo nước nhà ngang tầm thời đại.

Phật giáo Việt Nam đã tạo nên những giá trị truyền thống qua hơn 2000 năm lịch sử. Và hơn 30 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát huy tính truyền thống và tinh thần nhập thế của Phật giáo để viết nên những trang sử vàng của Phật giáo nước nhà ngang tầm thời đại. Ở đó, Phật giáo và Dân tộc đã hòa nhập vào nhau như nước với sữa, Phật giáo luôn luôn giữ vai trò Hộ quốc an dân, bản địa hóa Phật giáo trên những chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Thời đại phong kiến, Phật giáo là nội lực văn hóa quan trọng mà người Việt đã vận dụng kết hợp với văn hóa bản địa để đối kháng lại ý đồ Hán hóa của thế lực xâm lược phương Bắc. Khi đất nước lâm nguy, Phật giáo đã bước vào công cuộc vận động khởi nghĩa cứu nước, chống lại giặc ngoại xâm, thể hiện đầy đủ vị trí, vai trò của mình để góp phần vào việc giữ nước. Theo dòng lịch sử, các thiền sư với tài an bang tế thế đã thể hiện trọng trách của công dân đối với Tổ quốc khi tham dự vào các công việc của triều đình từ chính trị, ngoại giao, hành chánh và rất nhiều việc khác, mục đích là góp phần vào việc củng cố, xây dựng nước nhà. Qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, các vị cao tăng có giới hạnh và học thức cao đều được mời tham gia vào công việc triều chính như:

Vào thời nhà Đinh, thiền sư Ngô Chân Lưu đã được Vua Đinh Tiên Hoàng phong là Khuông Việt Đại Sư, với tôn danh của Ngài cũng đã nói lên tầm quan trọng và sự cống hiến cho đất nước.

Thời nhà Lê, các thiền sư Vạn Hạnh, Đỗ Pháp Thuận, Khuông Việt cũng được mời tham gia triều chính. Và được vua Lê Đại Hành rất kính trọng.

Đến thời Lý - Trần ý hướng xây dựng một nhà nước độc lập trên mọi phương diện của các thiền sư đã được thể hiện rõ rệt. Chính các thiền sư là người đã có công rất lớn trong việc dời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Những đóng góp của các thiền sư trên các phương diện học thuật, văn hóa, mỹ thuật, giáo dục,… cũng là những đóng góp quan trọng nhất thời đại.

Đại Việt dưới thời đại này được biết đến như một quốc gia thịnh vượng ở Châu Á. Đây là một trong những thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử của Việt Nam trên mọi phương diện. Một thành tựu quan trọng trong thời Lý-Trần là việc phổ biến chữ Nôm, chữ viết riêng của Việt Nam dựa trên cơ sở cải biến và Việt hóa chữ Hán. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn học - nghệ thuật, lịch sử, luật pháp… cũng rất phát triển (Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng, sự ra đời của Bộ luật Hồng Đức, Đại Việt Sử ký toàn thư…). Lịch sử gọi thời kỳ này là Kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Thăng Long (bây giờ là Hà Nội) cũng được chính thức công nhận là Kinh đô của Đại Việt với Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn vào năm 1010.

Đến thời Pháp thuộc, mặc dù Phật giáo bị suy thoái cục bộ về mặt tổ chức, nhưng những người Phật giáo đã vận dụng tư tưởng giác ngộ đạo Phật, kết hợp nhuần nhuyễn với tư tưởng yêu nước của nhân dân vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều tổ chức Phật giáo đã ra đời như: Hội Tăng già cứu quốc, Phật giáo cứu quốc. Nhiều Tăng - ni đã “cởi áo cà sa khoác chiến bào” ra mặt trận; nhiều thanh niên Phật tử đã tham gia tích cực vào các phong trào xóa mù chữ, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Nhiều cuộc khởi nghĩa chống chính quyền thực dân, phong kiến do những người Phật giáo  yêu nước phát động đã được đông đảo nhân dân ủng hộ. Tư tưởng yêu nước cùng với các cuộc khởi nghĩa do các nhà sư lãnh đạo đã góp phần phát huy tính tích cực của các phong trào yêu nước của dân tộc, tạo nên những thiên anh hùng ca vĩ đại. Bên cạnh các nhà sư, các thanh niên phật tử trực tiếp tham gia cách mạng, còn phải kể đến những đóng góp không nhỏ từ các ngôi chùa. Rất nhiều ngôi chùa vừa là nơi tu hành nghiêm tịnh, vừa là cơ sở cách mạng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Thời kỳ đấu tranh chống Mỹ, những người Phật giáo yêu nước đã nhận thức đúng đắn: “nước hưng đạo thịnh”, “văn hóa - tinh thần dân tộc” là tư tưởng chủ đạo để trở thành một bộ phận hữu cơ của phong trào cách mạng. Các Tăng – ni và Phật tử đã tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh đòi hòa bình, dân chủ dân sinh, giành độc lập cho dân tộc. Và chính ngọn lửa tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tiếp thêm sức mạnh cho cao trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo miền Nam những năm 60 của thế kỷ XX. Phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo đã góp phần quan trọng làm sụp đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm… Ở bên kia giới tuyến 17, đồng bào Phật giáo phía Bắc cùng với khí thế chung tay xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã luôn hướng về miền Nam ruột thịt, sẵn sàng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, góp phần cùng nhân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân lịch sử năm 1975.

Những năm sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thu non sông về một mối, Phật giáo Việt Nam lại tiếp tục đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Với truyền thống yêu nước, hòa nhập, Phật giáo Việt Nam sẽ phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp, động viên phật tử hướng thiện và hòa mình vào dòng chảy đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

BN (Tổng hợp)