Rong ruổi cùng thổ cẩm các vùng miền

04:09, 06/09/2012

Gần 50 tuổi đời với khoảng 30 năm dệt thổ cẩm, Ka Tuyn không chỉ đủ kinh nghiệm mà còn sẵn say mê để có thể truyền dạy thổ cẩm tại quê hương Lạc Dương và đến với nhiều vùng miền trong cả nước từ 15 năm nay.

Gần 50 tuổi đời với khoảng 30 năm dệt thổ cẩm, Ka Tuyn không chỉ đủ kinh nghiệm mà còn sẵn say mê để có thể truyền dạy thổ cẩm tại quê hương Lạc Dương và đến với nhiều vùng miền trong cả nước từ 15 năm nay.

Ka Tuyn (người thứ 2 từ phải sang) đi truyền dạy thổ cẩm tại xã Đa Nhim, Lạc Dương
Ka Tuyn (người thứ 2 từ phải sang) đi truyền dạy thổ cẩm tại xã Đa Nhim, Lạc Dương


Gặp chị trong một lớp truyền dạy thổ cẩm cho chị em đồng bào tại xã Đa Nhim (Lạc Dương), bên cạnh chị là người chồng kiêm nhiệm vụ đưa đón vợ mỗi ngày. Anh chị chạy xe khoảng 3 giờ đồng hồ đường rừng từ trung tâm huyện Lạc Dương chạy vòng ra Đà Lạt rồi đến với xã khó khăn này tính cả lượt đi và về. Dường như điều đó đã trở nên rất bình thường với gia đình chị vì thổ cẩm không chỉ là kỹ năng mà là một tình yêu lớn, chị say sưa với từng đường dệt qua động tác, sắc màu thổ cẩm…

Ka Tuyn biết dệt thổ cẩm từ năm 20 tuổi như bao phụ nữ trong làng thuở ấy. Dù đã được học ngành kế toán và công tác tại hợp tác xã mua bán huyện rồi làm thủ quỹ ở Trung tâm văn hóa, nhưng người phụ nữ đã có nhiều thời gian đã tiếp cận với đời sống hiện đại ấy vẫn nặng lòng với thổ cẩm không ngừng đưa thoi làm nghề. Ngoài thời gian ngồi dệt trang phục để phục vụ cuộc sống hàng ngày cho bản thân mình và cho cả gia đình, chị nhanh nhạy với những sản phẩm giới thiệu về văn hóa đồng bào dân tộc được du khách ưa chuộng như: túi xách, khăn, túi bỏ thư, băng-đô… tại các điểm du lịch. Khả năng và niềm hăng say của chị được nhìn nhận và đánh giá cao để rồi từ năm 1997, chị được mời dạy cho bà con tại xã Lát, Lạc Dương trong một lớp học từ chương trình đào tạo nghề của ngành Lao động - Thương binh Xã hội. Mối duyên với việc đứng lớp bắt đầu từ đó, tinh thần truyền dạy rất say sưa và ân cần của chị được lan tỏa và mỗi năm, chị lại nhận những lớp học mới, trở thành “người thầy” trong các lớp học thổ cẩm.

Đi nhiều nơi, đối với Ka Tuyn được dạy mà cũng là được học - học thêm về phong tục, văn hóa và cả những cách làm đẹp cùng thổ cẩm của đồng bào các dân tộc. Với bà con dân tộc K’Ho tại Lạc Dương, thổ cẩm được hình thành từ nền màu xanh đen do cuộc sống gần rừng nhưng hòa vào thiên nhiên, chuộng màu chìm để không bị sự đe dọa của thú rừng. Bao giờ trên nền thổ cẩm cũng có hoa văn lồi lài (hình mắt chim) như tín hiệu gọi mùa. Cùng với mắt chim là hoa văn hình con ranh (con kiến màu đỏ), con sàm (con kiến đen), cách đi viền triă cah (2 đường viền) hoặc triă lach (một đường lên xuống tựa như núi đồi)… Đến với bà con Châu Mạ ở khu vực Bảo Lộc, Bảo Lâm, tông màu trắng lại được ưa chuộng hơn, cách điều phối hoa văn gần với cuộc sống chung quanh như: hình con mắt, con dê, hình ảnh mặt trời… Ra Quảng Nam, đồng bào Cơ Tu tạo nên hoa văn không phải bằng chỉ mà từ hạt cườm bằng cách khéo léo luồn cườm để tạo nên hoa văn theo tín ngưỡng. Về vùng La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, theo phong tục, bà con nơi đây sử dụng khung dệt to để tạo thành tấm chăn rộng mà không có hoa văn, mỗi tấm chăn có khi được người thợ dành trọn cả tháng dài với biết bao công sức và niềm tin gửi vào mỗi sản phẩm…

Đứng lớp với bà con, niềm đam mê của người truyền dạy như lực đẩy để kết nối chị em cùng học, cùng cố gắng, dù ở độ tuổi còn trẻ hay đã chững chạc với biết bao công việc không tên vướng bận trong mỗi gia đình. Ka Tuyn đã trở thành người lôi cuốn, truyền đạt và hướng dẫn có sức thuyết phục. Chị Cill Yũ Deon - học viên lớp thổ cẩm tại xã Đa Nhim đi học thổ cẩm khi đang có con nhỏ, chị gặp Ka Tuyn như gặp một người bạn đầy tin cậy để học hỏi và tự tin rằng mình có thể gắn bó với nghề truyền thống. Đi dạy, Ka Tuyn vừa là người dẫn dắt và cũng chính tình cảm của chị em đi học khiến chị có đủ đam mê để theo đuổi rất nhiều lớp học của: Hội Phụ nữ, ngành Công thương, ngành Lao động… tại các địa phương tổ chức, dù tại đâu và vào thời gian nào. Bình thường với nhịp điệu công việc, chị tươi trẻ hơn so với độ tuổi sắp bước qua ngũ tuần của mình để không hề mệt mỏi khi bắt đầu bài giảng vào mỗi buổi đến lớp.

HẢI YẾN