Đã hơn 1 tháng sau khi lũ quét đi qua, người dân thôn Xuân Thượng (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) vẫn chưa khắc phục được hậu quả...
Đã hơn 1 tháng sau khi lũ quét đi qua, người dân thôn Xuân Thượng (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) vẫn chưa khắc phục được hậu quả. Cà phê đổ rạp và bị rụng hết quả. Tiêu bị tróc gốc, ngã nọc. Dâu vẫn còn ngập chìm trong nước. Chiếc cầu dân sinh bị nước lũ cuốn trôi… Cảnh khốn khó vẫn đang hiện diện nơi đây!
Hàng ngày, anh Nguyễn Văn Chung phải cõng vợ, con qua suối |
Cơn lũ đổ về dòng suối Đạ Kho từ thượng nguồn thôn Tôn K’ Long vào rạng sáng 2/9/2012. Mưa lớn kéo dài trong một buổi chiều, nước suối Đạ Kho dâng cao và chảy xiết. Khi “nghe” lũ về, vợ chồng ông Đặng Xuân Phương (nhà cách suối Đạ Kho khoảng 200 m) thì nước đã ngập đến sân nhà. Ông Phương kể lại: “Sáng ra, tôi bàng hoàng khi thấy hơn 100 nọc tiêu mới trồng sát bờ suối đã bị lũ cuốn trôi đi mất. Cả trăm gốc cao su, 3 năm tuổi, bị ngã đổ. Vườn dâu cây bị tróc gốc, cây thì ngã rạp. Lúc đó, gia đình đang nuôi hơn một hộp tằm con, nhưng không còn dâu để cho ăn nên đành phải đổ!”. Suốt từ đó đến nay, gia đình ông Phương ngày nào cũng đi dọc dòng suối để tìm vớt lại nọc tiêu, nhưng chỉ vớt được gần 80 nọc. Cây dâu bị ngập nước nên phải đốn bỏ. Trong khi đó, cả gia đình có 4 miệng ăn, hàng ngày chỉ dựa vào nguồn thu nhập chính là trồng dâu nuôi tằm. Gia đình ông Phương là hộ nghèo, vừa được hỗ trợ 3,7 tạ “phân bón 30a” về bón cho cây trồng thì đã bị lũ cuốn trôi hết…
Nghiêm trọng hơn, cơn lũ đã cuốn trôi một chiếc cầu dân sinh bắt ngang suối Đạ Kho. Trước đó khoảng 1 tháng, gia đình anh Nguyễn Văn Chung bỏ ra hơn 20 triệu đồng để tu sửa lại chiếc cầu này. Hiện bây giờ, anh Chung phải cõng con sang suối để đi học. Còn 6 hộ dân khác, mỗi ngày cũng phải lội qua suối để làm vườn.
Cơn lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho 48 hộ dân (trong tổng số 63 hộ của toàn thôn). Năm căn nhà, 3 ao cá bị ngập và 6 hộ bị mất trắng 3,5 sào cà phê, dâu tằm, tiêu… do lũ cuốn. Gần 2.800 nọc tiêu, 3 ha cà phê, hơn 8 ha dâu và 80 cây cao su bị trốc gốc và ngã đổ. Bà Phạm Thị Thu, trưởng thôn Xuân Thượng, cho biết: “Dù thôn đã tập hợp số liệu để báo cáo xã, nhưng đến đây vẫn chưa thấy bất cứ sự hỗ trợ nào cho người dân”. Còn bà Vũ Thị Dần, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Xuân Thượng, cho rằng: Những hộ bị thiệt hại nặng nhất chủ yếu là hộ nghèo (16 hộ) và cận nghèo (15 hộ). Người dân nơi đây chủ yếu trông chờ vào cây dâu, nhưng phải mất ít nhất 2 tháng nữa dâu mới có thể vực dậy. Do đó, chính quyền địa phương cần có sự hỗ trợ cho người dân lúc này.
Theo nhiều người dân thôn Xuân Thượng, đây là trận lũ lớn nhất trong vào 20 năm qua. Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó phòng NN&PTNT huyện Đạ Tẻh, cho biết: Huyện đang yêu cầu xã Đạ Pal lập báo cáo và đánh giá cụ thể về mức độ thiệt hại do lũ quét gây ra. Căn cứ vào thống kê của xã, Phòng sẽ đề xuất UBND huyện hỗ trợ cho người dân ở vùng bị ảnh hưởng.
Box: Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh: Từ ngày 12 – 14/9/2012, do mưa lớn liên tục xảy ra, nên mực nước các sông, suối trên địa bàn huyện dâng cao. Tình hình ngập úng tại các khu vực sản xuất lúa xảy ra trên diện rộng. Đặc biệt, hoa màu và cây công nghiệp tại khu vực ven các sông, suối Đạ Tẻh, Đạ Mí, Đồng Nai đã bị ngập sâu trong nước từ 0,5 – 1 m. Trong huyện có 6 xã, thị trấn bị mưa lũ gây thiệt hại, gồm An Nhơn, Đạ Kho, Đạ Tẻh, Triệu Hải, Quảng Trị, Hương Lâm; 32 nhà dân bị ngập từ 20 – 50 cm; 280 ha lúa bị ngập (85 ha sắp thu hoạch, 195 ha mới gieo cấy); khoảng 260 ha dâu, mía, cao su, điều… bị ngập nặng, khả năng làm giảm năng suất 30%... Ước tổng thiệt hại khoảng 1,3 tỷ đồng. Hiện tại, các khu vực ngập úng, nước vẫn đang rút rất chậm.
Hữu Sang – Tuấn Linh