(LĐ online) - Cả 5 tỉnh đều có chính sách ưu đãi, hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS với khả năng cao nhất.
(LĐ online) - Những năm qua, sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở vùng núi, vùng đồng bào DTTS được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tại các tỉnh Tây Nguyên, sự nghiệp giáo dục - đào tạo đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tại đây đã phát triển mạnh hệ thống trường lớp, thành lập mới và mở rộng nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo nghề.
Hiện Tây Nguyên có 3 trường đại học, 4 phân hiệu đại học, 12 trường cao đẳng, 19 trường THCN, 108 trung tâm và cơ sở dạy nghề (trong đó có 2 trường cao đẳng nghề, 12 trường trung cấp nghề, 53 cơ sở dạy nghề công lập), 43 trung tâm giáo dục thường xuyên và 484 trung tâm học tập cộng đồng. Mạng lưới trường, lớp của các bậc học mẫu giáo, phổ thông được phân bố ngày càng hợp lý; cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên tăng nhanh. So với 10 năm trước, số trường học tăng trên 85%, lớp học tăng 55%; đội ngũ giáo viên tăng 50%...
Đến nay, 99,35% số xã phường trong khu vực đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; 16,9% số trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 71,5%, tiểu học 97%. Trong vùng DTTS, nhận thức về giáo dục có chuyển biến rõ rệt.
Hiện hệ thống trường lớp đã được mở rộng đến khắp các buôn làng với phương châm “có dân sinh là có trường lớp”. Đã xây dựng, nâng cấp 53 trường phổ thông dân tộc nội trú. Mô hình bán trú dân nuôi cũng được khuyến khích duy trì và mở rộng. Cả 5 tỉnh đều có chính sách ưu đãi, hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS với khả năng cao nhất, như hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo, chi phí học tập cho học sinh nội trú, bán trú; cấp phát sách vở cho học sinh dân tộc thiểu số và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thanh Hằng