Thêm những cổ vật Chăm vừa phát hiện?

03:09, 12/09/2012

Một ngày nửa đầu tháng 9, hay tin một nhà sưu tầm cổ vật ở thôn Tân Lạc, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương “bắt gặp” một vài món đồ “lạ” có liên quan đến kho báu người Chăm, tôi tức tốc lên đường...

Một ngày nửa đầu tháng 9, hay tin một nhà sưu tầm cổ vật ở thôn Tân Lạc, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương “bắt gặp” một vài món đồ “lạ” có liên quan đến kho báu người Chăm, tôi tức tốc lên đường. Ngôi nhà nhỏ của anh Nguyễn Văn Tiến – nhà sưu tầm đồ cổ không chuyên – nằm ngay bên quốc lộ 27 Phan Rang (Ninh Thuận) đi Đà Lạt.

Bộ sưu tập không nhiều nhưng đáng quan tâm

Thú thật, so với một vài địa chỉ sưu tầm đồ cổ mà chúng tôi đã đến (như ông Nguyễn Văn Toàn ở Bảo Lộc, viện chủ Thích Viên Thanh ở thiền viện Vạn Hạnh Đà Lạt, ông Nguyễn Đăng Thanh ở đường Hoàng Diệu Đà Lạt…) thì những hiện vật của anh Nguyễn Văn Tiến ở Lạc Lâm (Đơn Dương) này không thấm vào đâu.

Nhà sưu tầm đồ cổ không chuyên Nguyễn Văn Tiến với những hiện vật vừa sưu tầm được
Nhà sưu tầm đồ cổ không chuyên Nguyễn Văn Tiến với những hiện vật vừa sưu tầm được


Tuy nhiên, trong bộ sưu tập ấy vẫn có những “món” khá độc đáo cần lưu tâm: Ví như, đó là bộ sưu tập được đặt tên là “Vật dụng sinh hoạt đồ đá của người thiểu số Nam Tây Nguyên” gồm nhiều chiếc rìu đá, mảnh tước, cuốc đá…; là “Đá phát âm” (theo cách đặt tên của anh Tiến) – phiến đá phát ra âm thanh mà chủ nhân giải thích rằng đó là thứ nhạc cụ thuộc bộ gõ của người thiểu số ngày xưa dùng để xua đuổi thú rừng, canh giữ mùa màng. Trong bộ sưu tập ấy còn có các món đồ dùng sinh hoạt của quân đội cách mạng thời chống Mỹ tại tiền trạm Ma Nới (Ninh Thuận) giáp với Lâm Đồng, gồm ca nước làm bằng vỏ pháo sáng máy bay Mỹ, bộ nồi 4 chiếc làm bằng xác bom Mỹ… Đặc biệt, theo đề nghị của đồng nghiệp Phạm Ngọc Thanh (người đi cùng với chúng tôi, là Trưởng Đài PTTH huyện Đơn Dương), anh Nguyễn Văn Tiến đã vào nhà trong lấy ra một hiện vật khá quan trọng (mà theo anh là đang có nhiều người “truy lùng”) là xác của một cánh máy bay trực thăng được anh ghi mấy dòng như là trích ngang lý lịch hiện vật: “Chứng tích của không lực Hoa Kỳ và quân đội Sài Gòn – xác máy bay HU 16504 đã bị bắn rơi tại đặc khu Ma Nới (Ninh Thuận) giáp ranh Lâm Đồng”. Anh Tiến lưu ý với tôi: “Máy bay thì mỗi chiếc có một ký hiệu. Ký hiệu của chiếc máy bay này là “HU 16504”. Cứ theo đó, các nhà lịch sử quân sự không quá khó khăn để truy lại nguồn gốc của nó cùng số phận của những người đã đi trên chiếc máy bay bị bắn rơi này!”.

Và, trong tất cả những hiện vật mà anh Tiến hiện có, hiện vật khiến tôi quan tâm nhiều nhất, quan tâm một cách đặc biệt, là bộ linga – yoni được anh đặt tên là “Quyền lực – Nhân ái” với sơ lược vài dòng lý lịch kèm theo: “Bộ linga – yoni ký hiệu vòng bánh nan hoa, tự: “Quyền lực – Nhân ái” - Ấn Độ giáo, Bàlamôn…”.

Bộ sinh thực khí – thông điệp của người Chăm cổ?

Linga đá có chạm hoa văn “bánh nan hoa”
Linga đá có chạm hoa văn “bánh nan hoa”

Chúng tôi hỏi anh Tiến: “Sao anh lại đặt tên cho món này là “Bộ linga – yoni ký hiệu vòng bánh nan hoa, tự “quyền lực và nhân ái” và gắn với Bàlamôn giáo?”. Anh Tiến trả lời ngay tắp lự: “Bỗng chợt trong tôi “phát” ra điều đó cứ như có ai đó sắp sẵn vật thôi. Chứ từ trước giờ, bản thân tôi không hiểu nhiều về Ấn Độ giáo, Bàlamôn giáo hay văn hóa Chăm, nhất là tục thờ cúng của họ…”.

Chúng tôi xin phép anh Tiến mang mấy món đồ mà anh vừa “bắt” được ấy từ trong tủ kính ra đặt lên bàn để tiện hơn cho việc quan sát. Ấy là bộ linga (dương vật) – yoni (âm vật) bằng đá, một loại đá hình như là không mấy khi được tìm thấy trên vùng đất Lâm Đồng này. Đá có màu nâu sẫm ngả sang đen nhạt, có trọng lượng khá nặng so với thể tích. Cả linga và yoni đều có dấu vết tác động của con người khá rõ. Chiếc linga có hình trụ phần dưới và hình nón ở phần trên. Đặc biệt, ở phần dưới của linga có “ký hiệu” là một “bánh nan hoa” (theo cách gọi tên của anh Tiến) khá đặc trưng. Ký hiệu “bánh nan hoa” này còn được thể hiện khá rõ nét ở nhiều hiện vật khác mà anh Tiến “bắt gặp” cũng trong chuyến sưu tầm đó trên một lòng suối vắng thuộc sông Đa Nhim chảy qua vùng đất Đơn Dương – nơi có đông đồng bào dân tộc Churu sinh sống. Còn ở chiếc yoni, dấu vết tác động của con người càng rõ hơn khi xét về mặt nghệ thuật thì hình ảnh âm vật được diễn tả một cách khá trung thực chứ không quá cách điệu như những yoni từng được tìm thấy trên đất Nam Tây Nguyên này (nhất là những yoni được tìm thấy ở thánh địa Cát Tiên). Bộ linga – yoni này của anh Tiến không lớn, nếu không muốn nói là nhỏ nhất từ trước tới nay mà chúng tôi từng nhìn thấy: Chiều cao của linga khoảng 10cm; bề ngang của yoni cũng chỉ trên dưới 10cm. Vấn đề cần đặc biệt lưu ý ở đây, theo chúng tôi, chính là “bánh nan hoa” được khắc trên chiếc linga này! Thường thì ở những linga khác đã được giới khảo cổ học tìm thấy trên đất Lâm Đồng đều được thể hiện quan niệm “tam vị nhất thể” của Bàlamôn giáo bằng ba phần khác nhau trên cùng một linga: Phần dưới cùng có hình vuông với đại diện là thần sáng tạo (Brahma), phần bát giác tiếp theo là của thần hủy diệt (Shiva) và hình tròn trên cùng thuộc về thần bảo tồn (Vinus).

Và, một điều khác cũng cần đặc biệt lưu ý nữa là, ở chiếc linga mà anh Tiến sưu tầm được không thể hiện rõ quan niệm “tam vị nhất thể” nhưng lại có “biểu tượng” khắc trên linga (“bánh nan hoa” theo cách gọi của anh Tiến) lại khiến cho chúng tôi liên tưởng đến biểu tượng “mukha” trong linga mukha được khắc trên một chiếc linga duy nhất ở thánh địa Cát Tiên (trong tổng số vài chục chiếc linga khai quật được) mà người viết bài này đã được tận mắt nhìn thấy! Rồi nữa, việc hình ảnh “bánh nan hoa” ấy còn được khắc trên một số hiện vật khác cũng do anh Nguyễn Văn Tiến tìm được cũng đặt ra một số vấn đề cần lý giải một cách thấu đáo từ các nhà chuyên môn!

KHẮC DŨNG