Một trong những hội thi mang lại thông điệp có giá trị lớn cho mọi người về an toàn giao thông là Hội thi “Thanh niên với Luật Giao thông đường bộ”...
Một trong những hội thi mang lại thông điệp có giá trị lớn cho mọi người về an toàn giao thông là Hội thi “Thanh niên với Luật Giao thông đường bộ” vừa được Sở Tư pháp Lâm Đồng phối hợp với Ban An toàn giao thông, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, Đài PT-TH Lâm Đồng tổ chức ngày 22/9/2012.
Một tiểu phẩm trong Hội thi |
Từ sáng sớm ngày 22/9/2012, tại Trung tâm Văn hóa Thanh thiếu niên Lâm Đồng đã ngập tràn tiếng cười, giọng nói của đông đảo cổ động viên đến cổ vũ cho 12 đội dự thi đến từ các huyện, Tp. Đà Lạt, Bảo Lộc. Đa số họ là đoàn viên, thanh niên đều rất háo hức được chứng kiến một hội thi mà ở đó bạn bè, trang lứa của họ thể hiện kiến thức pháp luật, cũng như diễn xuất sân khấu về một vấn đề mà xã hội đang rất quan tâm hiện nay, đó là an toàn giao thông (ATGT) và muốn được chứng kiến giây phút hạnh phúc của đội tuyển sẽ giành giải nhất trong 12 đội tham gia hội thi, vì đó là công sức, trí tuệ của một thời gian dài luyện tập, được sàng lọc qua hội thi cấp huyện, cấp thành phố. Hơn thế nữa, họ cũng muốn được trực tiếp tham gia một “sân chơi” rất bổ ích, khi được trả lời các câu hỏi có nội dung về ATGT do Ban Giám khảo dành cho khán giả. Vì vậy, ngay từ phút giây ban đầu của phần thi kiến thức pháp luật, hội trường như đã “nóng lên” bởi các tiếng vỗ tay, tiếng trống, tiếng reo hò cổ vũ dành cho các đội trên sân khấu. Sự cổ vũ say mê, nhiệt tình, vô tư của hàng trăm khán giả như tiếp thêm tinh thần tự tin, sáng tạo, linh hoạt cho các thí sinh, các diễn viên trong các phần thi kiến thức pháp luật, diễn xuất tiểu phẩm, nên số điểm của Ban Giám khảo (BGK) Hội thi cứ thế ngày càng cao 8, 8,5, rồi 9, đến 9,5 và không ít lần các thành viên BGK phải đắn đo đưa bảng điểm 10 tuyệt đối hay điểm tối ưu nào đây? Cứ thế, hội thi trôi qua trong sự hào hứng, sôi động từ đầu đến cuối, cả người trực tiếp dự thi lẫn người tham gia cổ vũ bị cuốn hút mạnh mẽ vào một chủ đề mà không một ai, không một gia đình, cơ quan, đơn vị nào không quan tâm đó là vấn nạn tai nạn giao thông đã và đang là nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội. Những câu trả lời của các thí sinh, hoặc của các cổ động viên ngày càng lưu loát, càng chính xác hơn; hoặc những tình tiết, những tình huống trong các tiểu phẩm được các diễn viên diễn xuất ngày càng mang tính chuyên nghiệp, sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn. Nhiều tiểu phẩm cuốn hút khán giả không chỉ vì diễn xuất, vì đạo cụ, hóa trang được chuẩn bị công phu, nghệ thuật, mà còn vì ý nghĩa sâu xa của nội dung muốn chuyển tải. Có những tình tiết, những tình huống trong các tiểu phẩm “cười ra nước mắt”, nhưng ngẫm lại có lý, có tình, có tính giáo dục cao, chẳng hạn: Một bố vợ tương lai của cảnh sát giao thông mới tậu được xe máy “xịn” lên phố, phóng nhanh, vượt ẩu tông vào người bán hàng rong, gây tai nạn, bị chính anh chàng rể tương lai xử phạt, đưa xe về đồn công an. Khi gặp con gái và được giới thiệu con rể tương lai chính là chàng cảnh sát giao thông xử phạt mình, ông bố vợ tương lai “nổi đóa” dùng lời lẽ xúc phạm, thậm chí đòi hành hung con rể tương lai, nhưng nhờ được sự giải thích chí lý, chí tình của chính con gái, “con rể”, đặc biệt là bí thư chi đoàn cơ quan của con gái về Luật GTĐB, bố vợ tương lai mới “ngộ ra” một điều: Muốn mọi người được an toàn khi tham gia giao thông thì ai vi phạm cũng đều bị xử lý như nhau (Bố vợ cũng bắt - Cát Tiên). Hay như việc xử án của Diêm Vương đối với các oan hồn bị chết “tức tưởi” do những đệ tử “lưu linh”, những “hung thần xa lộ” phóng nhanh, lạng lách, đua xe trái phép gây ra... Khi được biết tường tận sự việc đã nghiêm minh xét xử, cho oan hồn được đầu thai trở lại trần gian, bắt kẻ gieo rắc những cái chết thương tâm phải vào ngục tối dưới chín tầng âm phủ (Diêm Vương xử án - Đức Trọng”. Hoặc nhiều khi cứ tưởng không có tình, lại hóa ra có tình, khi một thanh niên đồng bào DTTS đi xe không có giấy tờ, không đội mũ bảo hiểm, lại đang trong trạng thái say xỉn, bị cảnh sát giao thông bắt giữ xe, phạt hành chính, sau một hồi năn nỉ xin tha không được, quay ra phê phán cảnh sát giao thông thiếu tình người. Nhưng khi được cảnh sát giao thông và chính người bạn của mình giải thích: Nếu vi phạm Luật GTĐB gây tai nạn chết người và chính bản thân mình thì có tình người hay không, người thanh niên đã hiểu ra cái tình người ẩn sâu đằng sau việc xử lý nghiêm minh sai phạm của bản thân và đặt bút ký vào biên bản (Tình người - Lạc Dương)... Mỗi tiểu phẩm dự thi mang đến cho khán giả mỗi thông điệp khác nhau, nhưng đều tựu trung vào một thông điệp lớn: An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội!
Hội thi kết thúc, Ban Tổ chức đã trao giải thưởng cho các đội, các cá nhân có thành tích xuất sắc (Đức Trọng nhất; Bảo Lâm nhì; Tp. Đà Lạt, Bảo Lộc đồng giải ba; 8 đội còn lại khuyến khích), đó là niềm vui, hạnh phúc của những ai tham gia Hội thi. Nhưng nói như ông Vũ Văn Sê - Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Thường trực Hội đồng PHCTPBGDPL tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi trong lời khai mạc: Niềm vui lớn nhất, hạnh phúc lớn nhất chính là sự lan tỏa của Hội thi mang thông điệp “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình” đến với toàn xã hội!
Hoàng Kiến Giang